Đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ: Cần sự 'thức tỉnh' của người lớn

Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn thương tích cho trẻ, nhất là những vụ đuối nước thương tâm, mà bắt nguồn từ chính sự chủ quan, lơ là của người lớn. Chỉ bằng một cái hố chưa kịp lấp ở trong vườn nhà, một cái bể nước không đậy nắp... đã có thể vĩnh viễn cướp đi sự sống của một đứa trẻ. Vì vậy, để tạo nên một môi trường sống an toàn cho trẻ, hãy bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức, tinh thần cảnh giác của chính người lớn, người có trách nhiệm trông trẻ.

Nhiều phụ huynh đưa con em đi tập bơi ở Hồ Núi lớ.

Nhiều phụ huynh đưa con em đi tập bơi ở Hồ Núi lớ.

"Ngó lơ" với tấm biển cảnh báo

Hồ Núi Lớ (thành phố Ninh Bình) là địa điểm luôn tập trung đông người vào mọi buổi chiều, kể từ khi vào hạ. Người đến để ngắm cảnh, dạo mát, nhưng phần đông là người lớn đưa trẻ nhỏ đến hồ để tập bơi, bất chấp ở bên cạnh đó là tấm biển lớn cảnh báo mức độ nguy hiểm của hồ với dòng chữ rất dễ hiểu: cấm tắm.

Anh Thành (nhân vật đã được đổi tên) đang đặt quyết tâm phải dạy cậu con trai 8 tuổi bơi thành thục ở trong mùa hè này. Tuy nhiên, thay vì đưa con đến các bể bơi an toàn, anh Thành lại chọn … hồ Núi Lớ làm nơi tập cho con với tần suất từ 3-4 lần/tuần.

Anh Thành phân trần: con trai tôi khá nhút nhát, vì vậy cậu bé rất sợ nước. Từ khi con trai nghỉ hè, vào cuối mỗi buổi chiều, thay vì đi uống bia với bạn bè, tôi về nhà sớm để đưa con ra hồ Núi Lớ để tập bơi. Mặc dù tấm biển cấm tắm được đặt ngay đó, song thấy khá nhiều người xuống bơi nên tôi cũng... liều. Không phải vì tiếc học phí cho một khóa học bơi, nhưng ra đây tắm rất thoáng mát chứ không đông như ở các bể bơi.

Ông Nguyễn Văn Diệu, một người dân thường xuyên đi thể dục ở khu vực hồ Núi Lớ cho biết: từ khi các cháu học sinh được nghỉ hè, lượng người ra hồ tắm đông hơn nhiều. Tất nhiên, nếu có sự giám sát của bố mẹ, buổi tập bơi của các cháu nhỏ sẽ được đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, tôi thấy việc cha mẹ cho con ra hồ tập bơi là rất nguy hiểm. Điều tôi rất băn khoăn là việc bố mẹ đã bất chấp sự mạo hiểm, bất chấp quy định cấm tắm của chính quyền để cố tình cho con xuống hồ bơi sẽ vô tình tạo nên tấm gương xấu cho trẻ. Sau này, cha mẹ sẽ răn đe, khuyến cáo con trẻ như thế nào, khi bây giờ chính bố mẹ lại không chấp hành những khuyến cáo đó.

Trên thực tế ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, đã xảy ra rất nhiều vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em. Mặc dù được gia đình cảnh báo không rủ nhau đi tắm ở ao, hồ, sông, suối. không nên đi lại, chơi đùa ở những nơi như công trình xây dựng, các hố sâu… thậm chí ở những nơi này đã đặt biển cảnh báo, nhưng những đứa trẻ vẫn bất chấp để rồi xảy ra những tai nạn đau lòng cho người ở lại. Sự "bất chấp" với mọi lời cảnh báo ấy của trẻ, phải chăng được bắt nguồn từ chính sự vô cảm của phụ huynh đối với những tấm biển cảnh báo như thế này.

Đừng để sự lơ là kéo lùi mọi nỗ lực

Trong năm 2021, huyện Yên Khánh xảy ra 7 vụ tai nạn thương tích ở trẻ, trong đó có 5 trẻ tử vong do đuối nước. Còn tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận 1 vụ trẻ em bị đuối nước thương tâm. Trong 6 trường hợp trẻ em bị đuối nước này, chỉ có 1 em là đang học tiểu học, còn lại đều là trẻ trong độ tuổi từ 3-5 tuổi. Đây là lứa tuổi mà sự an toàn của trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào người lớn.

Bà Vũ Thị Lan, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Khánh chia sẻ: Những năm qua, huyện đã chủ động nhân rộng mô hình "ngôi nhà an toàn" ở các địa phương tiểm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích nói chung và phòng chống tai nạn thương tích trẻ em nói riêng rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú trên hệ thống đài truyền thanh xã, thị trấn. Qua đó, cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mọi nỗ lực từ phía các cấp, các ngành đều không thể đạt hiệu quả cao, nếu chính các gia đình còn lơ là, thiếu quan tâm tới sự an toàn của trẻ. Qua các vụ đuối nước từ năm 2021 đến nay trên địa bàn huyện Yên Khánh cho thấy, nguyên nhân gây ra các vụ đuối nước ở trẻ chủ yếu là do sự bất cẩn, lơ là của người lớn, người trông trẻ. Có cháu bị đuối nước ở trong bể nước của gia đình; bị gặp nạn ở hố sâu nước trong chính vườn nhà mình; có trẻ cúi xuống sông rửa tay mặc dù đi cùng người thân…

Thời gian qua, nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn do đuối nước ở trẻ, tỉnh ta đã phát động phong trào toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước và giải bơi học sinh, thiếu niên, nhi đồng "Đường đua xanh"; tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ và cộng đồng; các lớp tập huấn kỹ năng bơi an toàn cho học sinh các xã vùng lũ…

Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, tỉnh ta cũng nhân rộng mô hình "ngôi nhà an toàn cho trẻ", qua đó, giúp các phụ huynh nhận diện các nguy cơ mất an toàn, từ đó có những biện pháp phòng tránh để đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực từ phía chính quyền và các ngành chức năng sẽ "đổ xuống sông, xuống biển" nếu chính cha mẹ của trẻ không nhận thức được tầm quan trọng của việc tạo môi trường sống an toàn cho trẻ.

Kỳ vọng lớn nhất khi thực hiện các chương trình, dự án phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước ở trẻ của tỉnh ta trong thời gian qua, đó là góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức cho cả cộng đồng, qua đó cùng chung tay thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước.

Chỉ khi nhận thức được nâng cao, người dân mới thay đổi hành vi một cách tích cực, từ đó việc phòng, chống đuối nước sẽ được thực hiện chủ động và hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dam-bao-moi-truong-an-toan-cho-tre-can-su-thuc-tinh-cua/d2022061411423245.htm