'Dáng hình của Đất' qua tinh hoa gốm Nhật Yakishime

Trong khi các sản phẩm gốm Yakishime gắn liền với các hình thức bình ống, các nghệ sĩ đương đại cũng đã tạo ra các sản phẩm nghệ thuật bằng Yakishime. Thêm vào đó, với sắc thái của đất sét và phẩm chất hào phóng, anh hùng gắn liền với gốm Yakishime từ lâu, các tác phẩm của họ đã đạt tới một sức hấp dẫn mới...

Nhằm hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21.9.1973 – 21.9.2023), ngày 4.4, tại không gian Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm gốm Nhật Yakishime – Dáng hình của Đất. Triển lãm do Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản (Japan Foundation) tại Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.

TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (thứ hai từ trái sang) và bà Kamitani Naoko, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam (phải) tham quan triển lãm.

TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (thứ hai từ trái sang) và bà Kamitani Naoko, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam (phải) tham quan triển lãm.

Ông Doi Katsuma, Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản, cho biết: “Triển lãm lưu động Yakishime – Dáng hình của Đất chính là sự kiện quy mô lớn đầu tiên trong năm kỷ niệm này của Japan Foundation tại Việt Nam sẽ được tổ chức tại Hà Nội và Huế. Triển lãm tập trung vào Yakishime, một kỹ thuật làm gốm nung, đồ gốm không tráng men ở nhiệt độ cao.

Tuy là một trong những phương pháp sản xuất gốm cơ bản nhất, Yakishime đã phát triển theo những hướng đặc biệt ở Nhật Bản. Triển lãm này giới thiệu một khía cạnh của văn hóa Nhật Bản qua việc nghiên cứu Yakishime từ những hình mẫu sớm nhất cho đến các tác phẩm đương đại.”

Đồ gốm Yakishime sớm nhất có niên đại từ thế kỷ thứ IV hoặc thứ V. Tuy nhiên, phải đến khoảng thế kỷ XII đến thế kỷ XVII, kỹ thuật này mới có chỗ đứng vững chắc và được sử dụng như một công đoạn sản xuất quan trọng tại các trung tâm gốm lớn ở Nhật Bản, như: Bizen, Shigaraki và Tokoname.

Quy trình nung đất sét Yakishime có thể nói là phương pháp sản xuất gốm nguyên thủy nhất. Nhiều đồ gốm sứ được tráng men để trang trí và nhằm tạo ra một bề mặt trong suốt, không thấm nước. Thay vào đó, đồ gốm Yakishime được nung ở nhiệt độ cao để đất sét liên kết chặt chẽ với nhau, trở nên sành hóa và không thấm nước. Truyền thống sản xuất những đồ gốm đó đã được lưu truyền và phát huy từ thời trung cổ Nhật Bản cho đến nay.

Tại triển lãm trưng bày hơn 80 tác phẩm chia làm ba phần. Phần một là các trà cụ dùng trong trà đạo, một nét văn hóa đã có ảnh hưởng quan trọng đến văn hóa truyền thống Nhật Bản. Phần hai là các dụng cụ ăn uống, một phần không thể thiếu trong đời sống thường ngày của người Nhật. Phần ba là các tác phẩm nghệ thuật đa dạng được các nghệ sĩ gốm chế tác bằng phương pháp Yakishime.

Đặc biệt, trong triển lãm này đã giới thiệu hai loại đồ gốm Yakishime thực dụng, gồm: dụng cụ dùng trong trà đạo – một nét văn hóa có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của văn hóa truyền thống Nhật Bản, và dụng cụ ăn uống – một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày ở Nhật Bản.

Dụng cụ dùng trong trà đạo.

Dụng cụ dùng trong trà đạo.

Dụng cụ ăn uống.

Dụng cụ ăn uống.

Theo thông tin từ ban tổ chức, vào thời Momoyama (1568 – 1615), Yakishime đã trở thành dụng cụ pha trà quý giá. Sen Rikyu, người có ảnh hưởng nhất trong giới trà đạo, và Toyotomi Hideyoshi, người đã thống nhất Nhật Bản dưới thời ông cai trị, đều ngưỡng mộ gốm Yakishime vùng Bizen và Shigaraki. Dưới sự bảo trợ của họ, nhiều bình đựng nước, bát uống trà, khay đựng trà, bình hoa, và các dụng cụ uống trà khác đã được tạo ra. Từ đó những tác phẩm tuyệt vời đặt tiêu chuẩn cho các nghệ nhân gốm sứ ngày nay đã ra đời.

Cũng trong thời kỳ đó, bát, đĩa, bình sake và các vật dụng khác bằng gốm Yakishime để phục vụ đồ ăn và thức uống đã được tạo ra cho các bữa ăn kaiseki (Phụ Thạch Liệu Lí - 懐石料理, một loại hình nghệ thuật ẩm thực truyền thống của Nhật Bản gồm nhiều món chọn lọc) đi kèm với nghi lễ trà đạo.

Ngoài ra, triển lãm cũng trưng bày một loạt các sản phẩm gốm nghệ thuật được sáng tạo bởi các nghệ nhân gốm đương đại dựa trên chất liệu gốm Yakishime. Vào thời Edo (1600 – 1868), loại gốm sứ tráng men, bao gồm cả đồ gốm sứ Mino, sử dụng cùng loại đất sét, và đồ sứ được sản xuất ở vùng Arita trở nên phổ biến. Việc sử dụng gốm Yakishime để làm dụng cụ uống trà và các món ăn phục vụ kaiseki đã giảm bớt, nhưng người ta vẫn tiếp tục sản xuất loại bình gốm Yakishime được sử dụng hàng ngày.

Không gian trưng bày triển lãm.

Không gian trưng bày triển lãm.

Gốm Yakishime cũng bao gồm một số tác phẩm có lớp men tự nhiên được tạo ra bởi tro rắc trên bề mặt trong quá trình nung. Trong tất cả các biến thể của loại hình này, từ bình chứa đến đồ vật, đồ gốm Yakishime đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, sau một quá trình lịch sử lâu dài không ngừng kết hợp giữa truyền thống và sự đổi mới.

Trong khi các sản phẩm gốm Yakishime gắn liền với các hình thức bình ống, các nghệ sĩ đương đại cũng đã tạo ra các sản phẩm nghệ thuật bằng Yakishime. Thêm vào đó, với sắc thái của đất sét và phẩm chất tinh tế, phóng khoáng gắn liền với gốm Yakishime từ lâu, các tác phẩm của họ đã đạt tới một sức hấp dẫn mới.

Bên cạnh đó, triển lãm sẽ mang đến cho công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam những nhận thức về chiều sâu và sự đa dạng của gốm Nhật, hiểu rõ hơn về sự sáng tạo của văn hóa Nhật Bản, từ đó góp phần thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia.

Triển lãm Yakishime – Dáng hình của Đất sẽ diễn ra hết ngày 20.4 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội).

Bài và ảnh: Mộc Trà

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/dang-hinh-cua-dat-qua-tinh-hoa-gom-nhat-yakishime-38993.html