Đằng sau động thái Thổ Nhĩ Kỳ đưa tàu trở lại Địa Trung Hải

Thổ Nhĩ Kỳ lại gây sóng gió ở khu vực Địa Trung Hải khi đưa tàu khảo sát địa chấn Oruc Reis trở lại khu vực tranh chấp trên biển...

Đưa tàu trở lại khu vực tranh chấp - bước đi khó lường của Thổ Nhĩ Kỳ

Theo thông báo từ hệ thống cảnh báo hàng hải NAVTEX, tàu nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ Oruc Reis sẽ hoạt động từ ngày 12-20/10 trong khu vực mà nó đã thăm dò vào tháng 8 và tháng 9, bao gồm cả khu vực phía Nam đảo Kastellorizo của Hy Lạp. Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez cho biết, con tàu sẽ thực hiện các khảo sát địa chất, thủy văn, hải văn... Đây là tàu nghiên cứu hàng đầu thế giới được trang bị thiết bị để hoạt động thăm dò địa chấn ở độ sâu lên tới 15.000m.

Động thái này đi ngược lại mong muốn làm dịu căng thẳng, ổn định tình hình khu vực Địa Trung Hải của cộng đồng quốc tế. Bộ Ngoại giao Hy Lạp đã gọi quyết định này là một “sự leo thang lớn và là mối đe dọa trực tiếp đối với hòa bình và an ninh trong khu vực”. Thậm chí Hy Lạp còn thẳng thừng cho rằng quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ đang cố tình phá hoại các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng giữa đôi bên.

Căng thẳng giữa Athens và Ankara bùng lên sau khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tàu nghiên cứu địa chấn được hỗ trợ bởi các tàu chiến để thực hiện các chuyến thám hiểm ngoài khơi đảo của Hy Lạp, cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ 2km, nơi đây được biết đến là khu vực giàu tài nguyên khí tự nhiên.

Hy Lạp có “lý lẽ” riêng của mình khi tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển xung quanh Kastellorizo. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ quan điểm này, đồng thời khẳng định rằng họ có nhiều quyền hơn ở phía Đông Địa Trung Hải do có đường bờ biển dài hơn. Chính vì thế, Ankara đã triển khai tàu Oruc Reis và các tàu quân sự đến vùng biển tranh chấp vào ngày 10/8 và mở rộng sứ mệnh của họ ở đây, bất chấp những lời kêu gọi giảm căng thẳng từ Liên minh châu Âu (EU) và Athens.

Tàu nghiên cứu TNK neo đậu ngoài khơi Antalya ở Địa Trung Hải.

Tàu nghiên cứu TNK neo đậu ngoài khơi Antalya ở Địa Trung Hải.

Vào tháng 9, khi tàu Oruc Reis quay trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, dư luận hầu như tin rằng nỗ lực hòa giải, vãn hồi hòa bình ở khu vực đã xuất hiện. Thậm chí, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, việc rút quân nhằm tạo cơ hội cho ngoại giao. Mối quan hệ Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ những tưởng bắt đầu ấm lên thì lại bị “giội gáo nước lạnh” bằng hành động của Ankara đưa tàu trở lại vùng biển tranh chấp. Trong những năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành nhiều bước đi nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực như tiến hành các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, yêu sách về mỏ khí đốt hay đe dọa châu Âu bằng những làn sóng người di cư...

Chiến lược “cây gậy và củ cà rốt”

Động thái đưa tàu tới Địa Trung Hải của Ankara không chỉ ảnh hưởng tới Hy Lạp còn làm CH Cyprus - quốc gia thành viên EU “nóng mặt”. Ở cả 2 lần trước, EU mà đứng đầu là Đức và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều “ra tay dàn xếp” hoặc gây sức ép ngăn không cho cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn.

Đầu tháng 10, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU, Thổ Nhĩ Kỳ đã rút tàu của mình về để tránh các lệnh trừng phạt từ tổ chức 27 thành viên này, nhưng chỉ 10 ngày sau khi hội nghị kết thúc, Thổ Nhĩ Kỳ lại đem tàu quay trở lại. Điều này khiến Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo, Đức và EU vẫn đoàn kết cùng Cyprus và Hy Lạp, “Ankara phải chấm dứt trò tung hứng giữa tình trạng giảm leo thang và sự khiêu khích nếu họ quan tâm tới các cuộc đàm phán”. Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cũng đã lên án động thái gây căng thẳng mới của Ankara.

Ngoại trưởng Hy Lạp George Gerapetritis khẳng định, sẽ không có bất kỳ giải pháp ngoại giao nào cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ rút tàu Oruc Reis. Dự kiến những tranh chấp tại khu vực Địa Trung Hải sẽ làm nóng cuộc họp của Hội đồng châu Âu ngày 15/10.

Bên cạnh “cây gậy” trừng phạt nếu Thổ Nhĩ Kỳ không “xuống thang”, EU có thể xem xét thêm cả những lựa chọn được ví như “củ cà rốt” dành cho Thổ Nhĩ Kỳ bởi quốc gia này cũng đang gặp những trở ngại trong gia nhập EU, muốn nhận thêm những hỗ trợ về thị thực, thương mại với EU..., nhưng lựa chọn thế nào chỉ có thời gian mới có câu trả lời...

Trần Hải

((Theo AP, Euronews))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dang-sau-dong-thai-tho-nhi-ky-dua-tau-tro-lai-dia-trung-hai-n181496.html