Đẩy lùi nạn xâm hại trẻ em

Ở Lào Cai, vấn đề xâm hại trẻ em không nóng bỏng, nhức nhối nhưng vẫn thường xảy ra với mật độ trung bình khoảng 1 tháng 1 vụ và luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Do yếu tố nhân văn, các yêu cầu về bảo vệ quyền trẻ em mà chúng tôi không nêu ra đây những vụ việc cụ thể, chỉ nhắc lại vài vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn đã được nhiều trang báo trong nước thông tin. Đó là vụ án một thầy giáo ở xã vùng sâu thuộc thị xã Sa Pa xâm hại học sinh bán trú của trường mình, kết cục, người này đã phải trả giá bằng một bản án nghiêm khắc của pháp luật. Hoặc vụ 1 bảo vệ trường mầm non của xã vùng cao Mường Khương xâm hại hàng chục bé gái cũng đã được đưa ra xét xử; rồi vụ 1 nữ sinh THCS ở huyện Bảo Yên bị thầy giáo xâm hại dẫn đến mang thai. Gần đây nhất, tháng 2/2021, trong 1 tuần, thị xã Sa Pa xảy ra 2 vụ xâm hại trẻ em...

Lãnh đạo Hội Phụ nữ xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát) tuyên truyền luật pháp và kỹ năng bảo vệ trẻ em tại cơ sở.

Lãnh đạo Hội Phụ nữ xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát) tuyên truyền luật pháp và kỹ năng bảo vệ trẻ em tại cơ sở.

Ông Nguyễn Văn Khơi, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bát Xát thông tin: Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 121 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, trên địa bàn huyện vẫn có 2 trẻ em gái bị xâm hại tình dục. Khu vực các xã vùng cao, vùng sâu luôn là nơi có nguy cơ cao xảy ra vấn nạn bạo lực, xâm hại trẻ em. Chính vì vậy, mới đây cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã tăng cường xây dựng các mô hình hỗ trợ, trợ giúp trẻ em theo hướng dẫn của Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), điển hình như: “Mô hình tìm gia đình chăm sóc thay thế cho các đối tượng trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”, “Mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em phải lao động sớm, trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm”, “Mô hình trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật”…

Xã vùng cao Sàng Ma Sáo mới được triển khai điểm một trong những mô hình như thế và bước đầu có hiệu quả. Theo ông Thào A Thống, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Sàng Ma Sáo, dù trong những năm qua địa phương không phát hiện vụ việc xâm hại trẻ em nào nhưng với đặc thù của xã khó khăn, vùng cao, trên địa bàn vẫn có nguy cơ xảy ra tình trạng này. Từ khi triển khai mô hình bảo vệ trẻ em, nhờ khâu tuyên truyền được đẩy mạnh, ý thức phòng ngừa, nhận thức về pháp luật của người dân được nâng lên, nguy cơ xâm hại trẻ em được đẩy lùi rõ ràng.
Đối với toàn huyện Bát Xát, thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền cơ sở đã tăng cường giáo dục kiến thức bảo vệ trẻ, kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em cho đối tượng là cha, mẹ, thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em. Ngành giáo dục thì đẩy mạnh tuyên truyền cho chính trẻ em về kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại thông qua trong các môn học trong trường, các buổi sinh hoạt lớp. Các đoàn thể ở khu dân cư tổ chức tuyên truyền nội dung này qua các buổi sinh hoạt hè. Phương châm thực hiện của huyện Bát Xát là coi trọng sự phối hợp 3 môi trường (gia đình - nhà trường - xã hội) trong bảo vệ, phòng, chống xâm hại, bạo lực, đối xử tàn tệ với trẻ em.

Theo báo cáo chuyên đề phòng, chống xâm hại trẻ em của UBND tỉnh, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ xâm hại trẻ em, chủ yếu là xâm hại tình dục, xâm hại tính mạng, làm ảnh hưởng sức khỏe, nhân phẩm, danh dự trẻ em. Đối tượng vi phạm thường lợi dụng sự quen biết với nạn nhân, sự hạn chế trong nhận thức của trẻ, sự sao nhãng, thiếu giám sát, quản lý của gia đình hoặc lợi dụng nơi vắng vẻ, xa khu dân cư để thực hiện hành vi phạm tội. Hầu hết nạn nhân của các vụ xâm hại trẻ em là nữ, khả năng tự vệ, phản kháng kém, mức độ chịu tác động, ảnh hưởng lớn.

Để ngăn ngừa, đẩy lùi nạn xâm hại, bạo lực trẻ em, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể thực hiện hàng loạt những giải pháp như tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra về phòng, chống xâm hại trẻ em và thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ trẻ em. UBND tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm và triệt để các vụ xâm hại trẻ em, yêu cầu cấp, các ngành, đơn vị liên quan có biện pháp hỗ trợ kịp thời trẻ em bị xâm hại để nạn nhân sớm hòa nhập với cuộc sống. Tỉnh Lào Cai cũng có những kiến nghị về chính sách, pháp luật như tăng hơn nữa khung hình phạt đối với các đối tượng xâm hại trẻ em, kể cả đối tượng chưa đủ 18 tuổi để nâng cao tính răn đe.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/347284-day-lui-nan-xam-hai-tre-em