Đẩy mạnh số hóa khám chữa bệnh: Tiện ích cả đôi bên

Gần 1 triệu giấy chuyển tuyến được số hóa, tạo thuận lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Thông tin được đưa ra tại hội nghị với chủ đề 'Trao đổi quản lý bệnh viện trong thời kỳ mới' do Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc tổ chức.

Đơn giản hóa thủ tục khám, chữa bệnh nhờ áp dụng công nghệ tại Bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh: Đức Trân.

Đơn giản hóa thủ tục khám, chữa bệnh nhờ áp dụng công nghệ tại Bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh: Đức Trân.

Thời gian qua, Bộ Y tế đặt mục tiêu chuyển đổi số là một trọng tâm công tác của ngành y tế, ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế.

Theo lộ trình triển khai số hóa Bộ Y tế đặt ra, mục tiêu đến năm 2030, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải được ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử cho toàn bộ người dân, hướng tới việc loại bỏ bệnh án giấy, hưởng ứng xu hướng thanh toán không tiền mặt.

Thực tế ghi nhận cho thấy, ngành y tế đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong chuyển đổi số. Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, việc số hóa giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám đã đạt được kết quả. Cụ thể, từ ngày 1/7, giấy chuyển tuyến, hẹn tái khám cũng được thí điểm tích hợp lên Cổng tiếp nhận thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ đó tới nay đã có gần 1 triệu giấy chuyển tuyến BHYT, và hơn 2.629.000 giấy hẹn khám lại điện tử được gửi lên cổng tiếp nhận.

Chỉ tính riêng trong tháng 8/2024 đã có 441.285 giấy chuyển tuyến BHYT và 1.311.122 giấy hẹn khám lại được gửi lên cổng tiếp nhận. Bước đầu, để tránh làm xáo trộn, tạm thời giai đoạn thí điểm cho phép áp dụng đồng thời cả 2 hình thức bản giấy và bản điện tử giấy chuyển tuyến BHYT và giấy hẹn khám lại khi tiếp nhận người bệnh.

Cũng theo bà Trang, thực hiện theo Đề án 06, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Công an để tích hợp giấy chuyển tuyến điện tử và giấy hẹn khám lại điện tử lên VNeID trong thời gian tới.

Việc tích hợp giấy chuyển tuyến, hẹn tái khám BHYT lên VNeID sẽ tạo kho dữ liệu tập trung, phục vụ phân tích, thống kê, kịp thời điều chỉnh chính sách BHYT sát với thực tế. Điều này cũng giúp công khai, minh bạch trong công tác chuyển tuyến, hẹn tái khám. Hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong công tác chuyển tuyến, tái khám.

"Đặc biệt, việc này giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến, tái khám" - bà Trang nói.

Trong khi đó, công tác khám, chữa bệnh và hoạt động quản lý tại các cơ sở y tế cũng đang có những chuyển biến tích cực nhờ áp dụng công nghệ. PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đánh giá: Không thể phủ nhận rằng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến đang dần trở thành những công cụ không thể thiếu trong công tác khám và điều trị bệnh. Từ việc hỗ trợ chẩn đoán bệnh chính xác hơn, đến việc phát triển các phương pháp điều trị cá nhân hóa và tối ưu hóa quy trình chăm sóc, công nghệ đã và đang tạo ra những bước đột phá quan trọng.

Những tiến bộ này không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn tạo ra cơ hội mới cho việc nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị tiên tiến. Nhờ công nghệ thông tin và chuyển đổi số, việc quản lý tại bệnh viện trở nên đơn giản hơn, giảm tải rất nhiều. Các nhà quản lý bệnh viện có thể thuận tiện, linh hoạt tác nghiệp, giải quyết công việc tại nhiều nơi, làm việc trực tuyến, làm việc từ xa, không bị bó hẹp chỉ trong bệnh viện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, những thách thức đặt ra trong tình hình mới khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thời kỳ "kỷ nguyên số" đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trong các ngành, lĩnh vực. Điều này cũng đòi hỏi ngành y tế phải có những giải pháp thích ứng hết sức cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ nâng cao, chăm sóc sức khỏe người dân.

"Thời gian tới, ngành y tế cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong triển khai thực hiện các quy trình khám, chữa bệnh; thanh toán không dùng tiền mặt; khám, chữa bệnh từ xa. Đồng thời rà soát giảm thiểu các thủ tục hành chính gây phiền hà đối với người bệnh" - bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Theo Bộ Y tế, dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử VNeID được tích hợp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về BHYT, là một phần của dữ liệu thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, nên sử dụng quy trình liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT lên Cổng tiếp nhận dữ liệu giám định BHYT để liên thông dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử VNeID.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/day-manh-so-hoa-kham-chua-benh-tien-ich-ca-doi-ben-10291235.html