ĐBQH Trần Văn Khải: Đề nghị quan tâm hơn nữa tới công nhân, người lao động

BQH Trần Văn Khải cho rằng, hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp không thể giữ được người lao động, kể cả khi Chính phủ đã 'mở cửa'. Đây là thời điểm phải xem người lao động là động lực tăng trưởng, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là hỗ trợ động lực tăng trưởng của đất nước.

Bài học rút ra từ 2 năm chống chọi với dịch COVID-19

Sáng 8/11, thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng, năm 2020, Việt Nam thành công đặc sắc trong phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến giữa năm 2021, trước sự xuất hiện của biến chủng Delta với tốc độ lan truyền rất cao, đã có lúc, có nơi chúng ta lúng túng trong ứng phó và chịu tổn thất khá nặng nề, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, thương mại lớn nhất của cả nước.

Theo ĐBQH Trần Văn Khải, có 3 bài học đáng giá mà chúng ta nên rút ra từ 2 năm chống chọi với dịch COVID-19.

Thứ nhất, cuộc chiến với đại dịch COVID-19 không phải là một quy trình chuẩn tắc, mà là một hành trình đầy thách thức khắc nghiệt và khó lường. Đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt từng hành động, sự cầu thị trong học hỏi, sự quả cảm trong thay đổi nhận thức và tư duy. Đối với việc cách ly xã hội, chúng ta phải làm sớm, làm nhanh, làm chặt nhưng phải ở diện hẹp nhất. Đối với công tác xét nghiệm, chúng ta phải triển khai khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm nhưng phải là thần tốc. Đối với công tác điều trị, phải triển khai tích cực nhất, sớm nhất, từ cơ sở để giảm tử vong.

ĐBQH Trần Văn Khải thảo luận tại hội trường.

Thứ hai, cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 dù khắc nghiệt đến đâu và gây tổn thất đến mức nào cũng không làm cho đất nước bị tê liệt, chia rẽ. Trái lại, nó còn làm chúng ta mạnh lên về tư duy, nhận thức, tầm nhìn và ý chí chiến lược.

Thứ ba, nhân dân sẽ luôn là lực lượng chủ đạo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng và ứng phó với mọi thách thức của đất nước trong tương lai.

Đề nghị quan tâm hơn nữa tới công nhân lao động

ĐBQH Trần Văn Khải nhấn mạnh: “Đại dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục là một thách thức đặc biệt đối với Việt Nam và thế giới. Để phục hồi ổn định, phát triển kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”, tôi xin đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa tới lực lượng công nhân lao động. Giai đoạn giãn cách vừa qua, chúng ta luôn quan tâm nhiều đến tác động về kinh tế, nhưng theo tôi, hậu quả về mặt tâm lý cũng là vấn đề nghiêm trọng. Công nhân lao động bị sang chấn tinh thần là điều chưa từng xảy ra, sẽ để lại di chứng lâu dài, cần nhiều thời gian để khắc phục”.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường.

Vị ĐBQH đoàn Hà Nam phân tích: Trước đây, việc kéo lao động từ nông thôn lên thành thị đã rất khó, giờ đây, xuất hiện thêm tình trạng lực lượng lao động đang ở sẵn các thành phố nhưng vẫn nhất quyết đi về quê. Doanh nghiệp không thể giữ được người lao động, kể cả khi Chính phủ đã “mở cửa”. Đây là thời điểm phải xem người lao động là động lực tăng trưởng, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là hỗ trợ động lực tăng trưởng của đất nước.

Từ những lập luận trên, ĐBQH Trần Văn Khải kiến nghị một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, đối với những người lao động phải di chuyển để tìm việc, động lực lớn nhất để họ quay lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng hoặc tốt hơn công việc cũ trong môi trường an toàn. Song song với những động thái quyết liệt và kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới” sớm nhất.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc bao gồm không chỉ kết nối cung - cầu lao động mà còn kiến tạo các động lực về cơ hội hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn. Tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn để bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp người lao động có tâm lý yên tâm quay lại nơi làm việc.

Thứ hai, bài học qua đại dịch COVID-19 cho thấy, vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội là bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện biến động về kinh tế - xã hội. Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản, nhằm tránh rủi ro và bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân, nhất là hệ thống y tế ở cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trạm y tế và các công trình văn hóa, thể thao cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thứ ba, Chính phủ có thể phải cân nhắc đến bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống không bình thường. Mạnh dạn sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước.

Nguyễn Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dbqh-tran-van-khai-de-nghi-quan-tam-hon-nua-toi-cong-nhan-nguoi-lao-dong-post165757.html