Để mùa cá mới đạt kết quả cao

PTĐT - Nuôi thủy sản là hướng phát triển kinh tế có hiệu quả ở nhiều địa phương. Để khai thác được tiềm năng, thế mạnh này, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuẩn bị tốt các điều kiện về ao, hồ, nguồn nước, chất lượng con giống và thực hiện đúng khung lịch thời vụ, các quy trình kỹ thuật theo chỉ đạo của cơ quan chuyên môn với hy vọng 'cá nặng đầy lưới', đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Gia đình anh Nguyễn Đình Quyết ở xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa nuôi thủy sản theo hình thức kết hợp một vụ lúa, một vụ cá cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Gia đình anh Nguyễn Đình Quyết ở xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa nuôi thủy sản theo hình thức kết hợp một vụ lúa, một vụ cá cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Mục tiêu của ngành thủy sản trong năm 2020 là duy trì diện tích nuôi trên 10.500ha và phấn đấu đạt sản lượng 40.000 tấn với tỷ lệ giống thủy sản chất lượng cao đạt trên 39%, tạo việc làm cho 10.000 lao động. Thời điểm này, thời tiết nắng ấm là điều kiện thuận lợi để các hộ dân cải tạo ao đầm, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho vụ nuôi thủy sản mới, đảm bảo đúng khung lịch thời vụ và cơ cấu giống phù hợp với từng loại hình mặt nước. Tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo, tổ chức sản xuất, xây dựng cơ chế chính sách, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư để thúc đẩy ngành thủy sản phát triển theo hướng hàng hóa, quy mô lớn. Hơn nữa, những năm gần đây, người nuôi thủy sản đã có nhận thức sâu sắc và nhạy bén trong việc chuyển từ hình thức sản xuất truyền thống sang hình thức thâm canh, bán thâm canh, sử dụng thức ăn công nghiệp trong quá trình nuôi, mạnh dạn đầu tư gia cố hệ thống ao, hồ và các thiết bị hiện đại phục vụ nuôi thủy sản có hiệu quả.
Thôn Trủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê là địa phương có truyền thống ương nuôi cá giống và cá chép đỏ phục vụ ngày ông Công, ông Táo. Với đặc điểm một năm nuôi 2 vụ, đầu năm, người dân ương nuôi cá giống, phục vụ cho các hộ nuôi cá thương phẩm trong huyện và một số địa phương lân cận. Các ao nuôi cá giống nằm sát nhau, trên 90% đã được gia cố bằng bê tông, chia thành các ô nhỏ theo hình bàn cờ để dễ quản lý và chăm sóc. Gia đình chị Hoàng Thị Dung ở khu 3, xã Thủy Trầm cho biết: “Bắt đầu từ cuối tháng 2 dương lịch, gia đình tôi đã gom cá giống ở các hộ trong làng và một số vùng lân cận chứa vào các bể ép dẻo có trang bị đầy đủ các loại máy để tạo khí ô xi, đảm bảo cá khỏe mạnh, rồi tiến hành chọn lọc, phân loại cá theo chủng loại, kích thước để bán với các mức giá khác nhau. Hiện nay, trung bình cá trắm cỏ có giá dao động từ 85.000 - 90.000 đồng/kg; các loại cá trôi, vược, chép có giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, mỗi kg có từ 20 - 30 con. Năm nay, các loại cá đặc sản như cá nheo, cá lăng, cá bỗng khan hiếm và có giá cao hơn mọi năm do ảnh hưởng của dịch COVID - 19 nên việc nhập cá từ Trung Quốc cũng bị hạn chế”. Theo chia sẻ của các hộ dân ở thôn Thủy Trầm, cá giống thu hoạch vào dịp sau Tết là loại cá vượt đông, người dân ương nuôi từ tháng 8 năm trước phục vụ cho các hộ có nhu cầu xuống giống sớm. Vụ cá giống chính thường vào khoảng tháng 4 đến tháng 5. Ông Bùi Văn Chữ - Trưởng làng nghề sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm cho biết: “Trong thôn một số hộ đã học hỏi kỹ thuật nuôi cá giống vượt đông, còn lại đa phần là sản xuất cá chính vụ. Với số lượng các hộ nuôi thủy sản trong làng đông (trên 360 hộ) nhưng các hộ đều chú trọng khâu xử lý môi trường ao nuôi theo đúng quy trình trước khi xuống giống, bởi sau mỗi vụ nuôi lượng thức ăn dư thừa, chất thải và mầm bệnh lắng đọng, tích tụ dưới đáy ao sẽ làm ô nhiễm môi trường ao nuôi và gây bệnh nếu không xử lý tốt”.Toàn tỉnh hiện có 11 khu ương nuôi cá giống tập trung và 5 cơ sở sản xuất, cung ứng cá bột, cá hương. Trung bình mỗi năm sản xuất 2,14 tỷ con cá giống. Với quy mô, diện tích như hiện nay, các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh đảm bảo đủ số lượng giống truyền thống như: Trắm, trôi, mè, vược... phục vụ nhu cầu sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh khoảng 150-170 triệu con và cung ứng cho các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, diện tích ương nuôi giống đặc sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn nên các con giống đặc sản chủ yếu được nhập từ Trung Quốc. Đầu năm, các hộ ương nuôi cá giống bước vào mùa thu hoạch, cũng là thời điểm các hộ nuôi cá thương phẩm xuống giống vụ cá mới. Sau khi thu hoạch xong vụ cá bán trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, gia đình ông Nguyễn Văn Quảng ở khu 8, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh tiến hành làm vệ sinh ao nuôi, sử dụng bôi bột để khử trùng rồi lấy nước để chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Ông Quảng cho biết: “Gia đình tôi có 0,5ha diện tích ao nuôi thủy sản, nuôi theo chu kỳ 1 năm, đầu năm thả cuối năm thu, do đó, tôi thường lựa chọn cơ cấu con giống lớn có trọng lượng từ 0,8 - 1,2 kg/con, để cuối năm thu hoạch đạt trọng lượng từ 1,7 - 2,5kg/con. Trung bình mỗi năm tôi thả trên 2 tấn cá giống, cũng thu về được gần 100 triệu đồng”.

Nhiều hộ dân ở thôn Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê đưa cá giống vào các bể chứa trước khi đến tay người tiêu dùng.

Nhiều hộ dân ở thôn Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê đưa cá giống vào các bể chứa trước khi đến tay người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Để mùa thủy sản mới thuận lợi, Chi Cục đã tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh có điều kiện đối với các cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn; cấp chứng nhận cho các cơ sở đảm bảo đủ điều kiện và hướng dẫn các cơ sở công bố tiêu chuẩn con giống; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh giống của các khu ương nuôi và cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở áp dụng kỹ thuật chăm sóc, nuôi vỗ đàn cá bố mẹ để nâng cao năng suất và chất lượng con giống; chủ động ương nuôi giống lưu động để phục vụ người nuôi ngay từ đầu vụ”. Cũng theo ông Tùng, thời gian tới, ngành thủy sản tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, nắm bắt tình hình thực tiễn sản xuất, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cán bộ khuyến nông cơ sở hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn cho người nuôi như mô hình nuôi “sông trong ao”, nuôi thâm canh cá rô phi, cá chép lai, cá lăng, cá trắm đen; nuôi trong lồng trên sông và hồ chứa theo hình thức tập trung với quy mô lớn; hướng dẫn người nuôi sử dụng thức ăn tinh, thức ăn công nghiệp trong nuôi thủy sản; tận dụng diện tích đất trống để trồng cỏ làm thức ăn sạch cho cá. Cùng với sự vào cuộc chặt chẽ của các cấp chính quyền, các chủ nuôi thủy sản cũng cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn trong tất cả các khâu lựa chọn con giống, áp dụng các quy trình kỹ thuật, quản lý môi trường ao nuôi và phòng trừ dịch bệnh. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phát triển thủy sản, hy vọng rằng, năm 2020 ngành thủy sản của tỉnh sẽ đạt và vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202003/de-mua-ca-moi-dat-ket-qua-cao-169834