Để người bệnh không khám, chữa bệnh vượt tuyến

Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế LÊ QUANG TRUNG

Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế LÊ QUANG TRUNG

Thiếu tin tưởng vào chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) ở tuyến y tế cơ sở (YTCS), nhiều người chỉ bị những bệnh không nguy hiểm cũng đến bệnh viện tuyến trên để KCB, dù phải đi xa, chịu chi phí nhiều hơn. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về thực trạng này, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế LÊ QUANG TRUNG cho biết:

- Nếu tạo được sự công bằng trong KCB BHYT cho người dân cũng như ổn định đời sống cho nhân viên YTCS, chất lượng KCB sẽ được nâng lên và người bệnh sẽ không còn phải vượt tuyến…

* Tuyến YTCS đã được đầu tư, cải thiện rất nhiều, nhưng vì sao nhiều bệnh nhân vẫn muốn KCB vượt tuyến, thưa ông?

- Tuyến YTCS bao gồm các trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã, phường, thị trấn. Hiện về cơ bản, tuyến YTCS đủ nhân sự, trang thiết bị. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến người bệnh vẫn muốn lên tuyến trên KCB. Thứ nhất, bệnh nhân có tâm lý bác sĩ ở tuyến trên giỏi hơn tuyến dưới nên dù chỉ mắc các bệnh thông thường nhưng vẫn vượt tuyến. Thứ hai, công tác tổ chức tuyến YTCS hiện chưa thật phù hợp. Qua khảo sát cho thấy, các trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn vẫn có người bệnh đến KCB, nhưng có cơ sở y tế ngay trung tâm lại không có bệnh nhân. Thứ ba, quyền lợi về KCB BHYT ở tuyến cơ sở chưa công bằng. Do đó, nhiều người dân đã vượt tuyến để KCB.

* Theo phản ảnh của người dân, thuốc BHYT ở tuyến YTCS cũng chưa đảm bảo cấp phát đầy đủ. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Một thực tế là đang có sự bất bình đẳng trong KCB BHYT ở các tuyến y tế khác nhau. Cùng một loại bệnh như nhau, mua BHYT cùng mức giá như nhau, nhưng người bệnh KCB BHYT ở tuyến càng thấp thì càng thiệt thòi.

Chẳng hạn ở trạm y tế, mặc dù trên danh nghĩa cơ số thuốc giống như ở tuyến huyện, nhưng thực tế việc cấp phát thuốc còn rất nhiều hạn chế chỉ vì trạm y tế được xếp ở tuyến 4. Ví dụ, người mắc bệnh huyết áp, không phải thuốc huyết áp nào cũng hợp với bệnh nhân, bởi mỗi bệnh nhân sẽ dung nạp một loại thuốc huyết áp khác nhau, phối hợp thuốc cũng khác nhau. Nếu người bệnh khám ở tuyến huyện và tuyến tỉnh thì được phát đúng loại thuốc như mong đợi và phối hợp thuốc tốt hơn. Còn ở tuyến xã, 4 nhóm thuốc huyết áp có trong danh sách, nhưng thường chỉ có 1 hoặc 2 loại, như vậy rất hạn chế trong việc cấp thuốc cho người bệnh và sự phối hợp thuốc cũng không có nhiều lựa chọn. Ngay cả khoản tiền thuốc BHXH chi cho bệnh nhân ở trạm y tế cũng rất thấp, như vậy rõ ràng là quyền lợi của người bệnh bị hạn chế.

* Thưa ông, ngoài vấn đề thuốc thì chất lượng KCB của đội ngũ bác sĩ ở tuyến cơ sở vẫn chưa được người bệnh tin tưởng, do đâu?

- Hiện Đồng Nai đã đạt hơn 8 bác sĩ/vạn dân nên về cơ bản tuyến YTCS có đủ bác sĩ đảm trách công tác KCB, có những cơ sở y tế có cả bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, đời sống, thu nhập của bác sĩ tuyến dưới còn nhiều hạn chế. Trong khi đều là bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề, đều qua thời gian đào tạo như nhau nhưng thu nhập giữa bác sĩ tuyến trên và tuyến dưới chênh lệch khá lớn. Chưa kể, bác sĩ ở trạm y tế còn phải làm công tác dự phòng, quản lý nên ngoài việc thiếu đãi ngộ, thiếu thời gian, họ còn thiếu cả môi trường rèn luyện chuyên môn… nên nhiều bác sĩ có tâm lý ngại về công tác ở trạm y tế hoặc làm nhưng không yên tâm gắn bó. Hiện Đồng Nai vẫn còn 24 trạm y tế chỉ có bác sĩ dự phòng hoặc bác sĩ y học cổ truyền, chưa có bác sĩ đa khoa, điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng KCB ở tuyến dưới.

Để người bệnh yên tâm khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở, quyền lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cần được bảo đảm. Trong ảnh: Người dân khám bệnh tại Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu. Ảnh: P.Liễu

Để người bệnh yên tâm khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở, quyền lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cần được bảo đảm. Trong ảnh: Người dân khám bệnh tại Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu. Ảnh: P.Liễu

* Để nâng cao chất lượng KCB nhằm hạn chế tình trạng người bệnh vượt tuyến, vấn đề luân chuyển bác sĩ và đưa bác sĩ giỏi về cơ sở có phải là một giải pháp khả thi không, thưa ông?

- Lâu nay, Đồng Nai vẫn đang có sự luân chuyển bác sĩ ở tuyến huyện về trạm y tế và giữa các tuyến trong trường hợp cần tăng cường, chuyển giao kỹ thuật. Tuy nhiên, giải pháp này không căn cơ, bởi tình trạng phải thường xuyên luân chuyển nhân sự qua lại giữa các cơ sở y tế, giữa các tuyến sẽ gây khó khăn cho cả công tác quản lý lẫn chuyên môn. Hoặc chủ trương bác sĩ phải làm “nghĩa vụ” ở tuyến dưới tạm thời vài tuần, vài tháng cũng không đem lại hiệu quả gì nhiều. Ngay cả chủ trương đưa bác sĩ mới ra trường về cơ sở cũng… phá sản, vì bác sĩ mới ra trường chưa được rèn luyện ở môi trường chuyên môn tốt mà về trạm y tế thì cũng không thể KCB được, vì chưa có chứng chỉ hành nghề.

* Vậy theo ông, ngành cần những giải pháp gì để tạo cho người bệnh sự yên tâm điều trị những bệnh thông thường tại tuyến dưới?

- Để người bệnh yên tâm KCB tại các cơ sở y tế tuyến dưới thì trước hết quyền lợi của người bệnh khi KCB BHYT phải được bảo đảm. Đó là chất lượng điều trị phải được nâng lên, đủ thuốc, đủ chủng loại thuốc cho bệnh nhân; tăng chi trả KCB BHYT cho người dân. Một khi quyền lợi được bảo đảm, người dân sẽ không còn vượt tuyến lên trên.

Bên cạnh đó, cần tổ chức bộ máy nhân sự tốt hơn, trong đó đặc biệt quan tâm đến đào tạo nhân lực tại chỗ; đảm bảo đời sống của nhân viên y tế để tăng sự gắn bó và trách nhiệm với công việc. Hiện nay, đã có chính sách hỗ trợ nhân viên y tế trong 3 năm, phụ cấp nghề 2 năm, sắp tới sẽ tăng lương cơ bản… Thu nhập của nhân viên y tế nói chung và YTCS nói riêng sẽ tăng lên, việc này góp phần ổn định đội ngũ y tế, từ đó cũng nâng cao được chất lượng KCB.

* Xin cảm ơn ông!

Đồng Nai đã đạt tỷ lệ 8,8 bác sĩ/vạn dân và đang phấn đấu đạt chỉ tiêu 10 bác sĩ/vạn dân vào năm 2025, 11 bác sĩ/vạn dân vào năm 2030 và 100% trạm y tế có bác sĩ đa khoa.

Phương Liễu (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202304/de-nguoi-benh-khong-kham-chua-benh-vuot-tuyen-3163389/