Đề phòng lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía bắc

Theo Trung tâm dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ, xoáy thấp đang hoạt động yếu dần, cho nên từ hôm nay 9-9 mưa sẽ giảm. Tuy nhiên, do mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, người dân các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang cần nhận biết các dấu hiệu nước sông hoặc suối chuyển mầu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... để đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ, xoáy thấp đang hoạt động yếu dần, cho nên từ hôm nay 9-9 mưa sẽ giảm. Tuy nhiên, do mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, người dân các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang cần nhận biết các dấu hiệu nước sông hoặc suối chuyển mầu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... để đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ.

Trong tháng 9, tại Bắc Bộ có khả năng xuất hiện ba đợt mưa dông; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ đang là thời kỳ mùa mưa cho nên sẽ xuất hiện nhiều ngày có mưa rào và dông. Dự báo, cuối tháng 9, không khí lạnh có khả năng ảnh hưởng sớm đến các tỉnh phía bắc, nền nhiệt trung bình có xu hướng thấp hơn mọi năm.

Sáng 8-9, tại Km 450+500 trên quốc lộ 37 thuộc địa phận xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên (Sơn La) đã xảy ra sạt lở đất đá ta-luy dương, gây ùn tắc giao thông cục bộ. Vụ sạt lở đã khiến giao thông tại khu vực bị ùn tắc, các phương tiện di chuyển từ huyện Bắc Yên đến TP Sơn La và ngược lại phải dừng lại hai đầu điểm sạt lở. Tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các đơn vị thi công huy động máy móc khẩn trương khắc phục vị trí sạt lở, cắm biển báo, phân luồng và bảo đảm giao thông.

Mưa dông kèm gió mạnh ngày 7 và 8-9 trên địa bàn huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã khiến 200 ha lúa mùa ở các xã vùng lòng chảo như: Thanh An, Thanh Xương, Thanh Hưng, Thanh Chăn… bị gãy đổ. Các trà lúa đang ở giai đoạn chín sữa, cây lúa cao, nặng bông cho nên thiệt hại nhiều. Sáng 8-9, huyện đã tổ chức lực lượng kiểm tra diện tích lúa bị đổ để đánh giá mức độ thiệt hại và có giải pháp hỗ trợ nhân dân.

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, mưa lớn, dông lốc những ngày qua đã gây nhiều thiệt hại tại các tỉnh: Bắc Kạn, Lào Cai, Thái Nguyên, Bình Dương và An Giang, trong đó, 12 ngôi nhà bị thiệt hại; 90 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng; 700 con gia cầm bị chết; 3,7 km đường giao thông bị ngập sâu… Chính quyền các địa phương kể trên đã chỉ đạo các lực lượng khẩn trương khắc phục thiệt hại, hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống.

Từ đầu năm đến nay, tình hình hạn, xâm nhập mặn đã gây thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt khoảng 7.290 hộ dân và hơn 2.700 ha lúa trên địa bàn tỉnh Long An… Ngoài ra, thiên tai còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất rau màu vụ đông xuân. Trước tình hình này, tỉnh Long An đã khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục, tái thiết sau thiên tai, đồng thời tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của nhân dân và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, giảm thiệt hại có thể xảy ra.

Từ nguồn quỹ phòng, chống thiên tai, tỉnh Kiên Giang hỗ trợ hơn 680 triệu đồng cho các hộ dân tại các huyện An Minh, An Biên, Tân Hiệp, U Minh Thượng, Châu Thành và Kiên Lương khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020. Theo đó, tỉnh hỗ trợ gia đình có người chết 4,5 triệu đồng, gia đình có người bị thương 1,5 triệu đồng/người; 76 gia đình có nhà đổ sập được hỗ trợ từ 2,4 đến 6 triệu đồng/nhà và hỗ trợ 136 gia đình có nhà bị tốc mái từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/nhà.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/de-phong-lu-quet-sat-lo-dat-tai-cac-tinh-mien-nui-phia-bac-616075/