Đề xuất đưa 23 cụm công nghiệp ở TP.HCM ra khỏi quy hoạch

Việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết để định hướng phát triển các cụm công nghiệp phù hợp hơn với tình hình phát triển của TP, đảm bảo yếu tố khả thi để kêu gọi đầu tư, khai thác hợp lý quỹ đất.

Sở Công thương TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP về kết quả nghiên cứu nhiệm vụ khoa học công nghệ “Phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó đề xuất đưa 23 cụm công nghiệp ra khỏi quy hoạch.

Phát triển cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn

“Đưa ra khỏi quy hoạch 23 cụm công nghiệp với diện tích 1.503,92 ha” - văn bản của Sở Công thương TP đề xuất.

Theo đó, 13 cụm công nghiệp chuyển thành điểm sản xuất công nghiệp hiện hữu với diện tích 633 ha. Danh sách này gồm: Phú Mỹ (quận 7) 80 ha, Bình Đăng 28 ha (quận 8), Hiệp Thành 50 ha, Tân Thới Nhất 50 ha (quận 12), Hiệp Bình Phước 20 ha (TP Thủ Đức), Đông Quốc lộ 1A 33 ha (quận Bình Tân), Tân Quy A 65 ha, Tân Quy B 97 ha (huyện Củ Chi), Xuân Thới Sơn A 38 ha, Tân Hiệp A 25 ha (huyện Hóc Môn), Trần Đại Nghĩa 50 ha, Tân Túc 40 ha (huyện Bình Chánh), Long Thới 57 ha (huyện Nhà Bè).

Sáu cụm công nghiệp (283,5 ha) chuyển chức năng do điều kiện hạ tầng hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển của địa phương: Cụm công nghiệp quận 2 (nay là TP Thủ Đức) với 18 ha, Đông Thạnh 36 ha, Tân Thới Nhì 87 ha (huyện Hóc Môn), Bình Khánh 97 ha (huyện Cần Giờ), Tân Hiệp B 20 ha (huyện Củ Chi), Long Sơn 25,5 ha (TP Thủ Đức).

Hai cụm công nghiệp đã chuyển thành khu công nghiệp (223,42 ha): Cụm công nghiệp An Hạ 123,5 ha (quận 12) và Cơ khí ô tô Hòa Phú 99,91 ha (huyện Củ Chi) được Thủ tướng chấp thuận tại công văn số 1204/TTg ngày 21-7-2011.

Hai cụm công nghiệp đề xuất chuyển thành khu công nghiệp do đáp ứng đủ các điều kiện để có thể chuyển đổi thành khu công nghiệp hoặc chức năng khác theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương: Cụm Đa Phước 90 ha (huyện Bình Chánh) - Phạm Văn Cội 75 ha (huyện Củ Chi) và cụm Nhị Xuân giai đoạn 2 với 199 ha (huyện Hóc Môn).

Trước đó năm 2007, UBND TP ban hành Quyết định số 4809 ngày 22-10-2007 về “Điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp địa phương TP.HCM đến năm 2020, có tính đến năm 2025” có quy hoạch 30 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.900 ha (sớm nhất so với cả nước).

Theo Sở Công thương TP, việc điều chỉnh quy hoạch so với quyết định 4809 là cần thiết để định hướng phát triển các cụm công nghiệp phù hợp hơn với tình hình phát triển của TP, đảm bảo yếu tố khả thi để kêu gọi đầu tư, khai thác hợp lý quỹ đất.

Việc điều chỉnh cũng đồng thời kết hợp với các chương trình của TP như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch và có nguy cơ cháy, nổ xen cài trong khu dân cư trên địa bàn TP, bổ sung ngành công nghiệp hỗ trợ bên cạnh các khu công nghiệp.

 Phát triển cụm công nghiệp ở TP.HCM còn nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: PLO

Phát triển cụm công nghiệp ở TP.HCM còn nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: PLO

Giữ lại và phát triển 7 cụm công nghiệp

Với 23 cụm công nghiệp được đề xuất loại khỏi quy hoạch, Sở Công thương TP cũng nêu phương án giữ lại 7 cụm công nghiệp với diện tích 420,75 ha: Cụm TTCN Lê Minh Xuân 16,6 ha, cụm Láng Le - Bàu Cò 89 ha, cụm Quy Đức 70 ha (huyện Bình Chánh), cụm Xuân Thới Sơn B 61,22 ha, cụm Dương Công Khi 54,91 ha, cụm Nhị Xuân 54,02 ha (huyện Hóc Môn), cụm Bàu Trăn 75 ha (huyện Củ Chi.

Trong đó, cụm tiểu thủ công nghiệp (TTCN) Lê Minh Xuân và cụm công nghiệp Nhị Xuân đã đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp.

Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò đang kêu gọi chủ đầu tư hạ tầng, chưa có doanh nghiệp hoạt động. Đây là cụm công nghiệp đa ngành, thu hút các ngành công nghiệp chứa hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Cụm công nghiệp Bàu Trăn đang tiến hành thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng, chưa có doanh nghiệp hoạt động. Quy hoạch điều chỉnh theo hướng giảm quy mô từ 95 ha còn 75 ha

Đây là cụm công nghiệp đa ngành, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển kinh tế xã hội bền vững như ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; dệt may - da giày (không có nhuộm, thuộc da trong cụm); sản xuất cao su kỹ thuật, nhựa kỹ thuật; cơ khí chế tạo máy, khuôn mẫu; điện tử - công nghệ thông tin...

Cụm công nghiệp Quy Đức đang kêu gọi chủ đầu tư hạ tầng, chưa có doanh nghiệp hoạt động. Cụm với chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, mang lại giá trị tăng cao như: Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, đồ uống (sữa, dầu thực vật, bia rượu, thủy sản, chế biến thịt...), công nghiệp dệt may - da giày, công nghiệp cơ khí, điện, nhựa, cao su (không tái chế nhựa, không sơ chế cao su)...

Cụm công nghiệp Dương Công Khi đang kêu gọi chủ đầu tư hạ tầng, chưa có doanh nghiệp hoạt động. Quy hoạch điều chỉnh, giảm quy mô còn 54,91 ha (8,59 ha đã được giao làm nhà máy giết mổ).

Cụm chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến lương thực, thực phẩm, công nghiệp sạch, mang lại giá trị gia tăng cao. Ưu tiên chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, đồ uống (từ nguyên liệu đã qua sơ chế (ngoại trừ sơ chế thủy hải sản)), công nghiệp dệt may - da giày, cơ khí, điện tử công nghệ thông tin...

Cụm công nghiệp Xuân Thới Sơn B cũng đang kêu gọi chủ đầu tư hạ tầng, chưa có doanh nghiệp hoạt động. Cụm chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển kinh tế xã hội bền vững, như cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, cao su - nhựa, lương thực thực phẩm...

Trong 30 cụm công nghiệp (CCN) theo quy hoạch thì chỉ có 2 CCN đã đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh (cụm Nhị Xuân giai đoạn 1, cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân), 2 CCN chuyển thành khu công nghiệp (Cụm An Hạ, cụm cơ khí ô tô Hòa Phú), 1 CCN chuyển đổi thành một phần cụm cảng trung chuyển ICD mới (cụm Long Sơn 25,5 ha), 1 CCN đầu tư cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh (cụm Xuân Thới Sơn A), 24 CCN còn lại chưa có cơ sở hạ tầng.

HUY VŨ

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-dua-23-cum-cong-nghiep-o-tphcm-ra-khoi-quy-hoach-post812235.html