Dệt may Thành Công (TCM): Lãi ròng năm nay có thể tăng gấp đôi nhờ thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản

Biên lợi nhuận gộp của Dệt may Thành Công (mã cổ phiếu TCM) đang được cải thiện mạnh mẽ nhờ lợi thế khép kín chuỗi giá trị Dệt - Nhuộm - May, cũng như chiến lược tập trung vào thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.

Biên lợi nhuận gộp của Dệt may Thành Công đang được cải thiện mạnh mẽ so với cùng kỳ năm ngoái.

Biên lợi nhuận gộp của Dệt may Thành Công đang được cải thiện mạnh mẽ so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết thúc quý 2 vừa qua, Công ty Cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã cổ phiếu TCM) ghi nhận kết quả kinh doanh phục hồi tích cực với doanh thu thuần tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 847 tỷ đồng, và lãi ròng tăng gấp 31 lần, đạt 72 tỷ đồng, chủ yếu nhờ đơn hàng gia tăng trở lại.

Đặc biệt, biên lợi nhuận gộp của công ty đã được cải thiện tích cực trong quý 2/2024, đạt 18%, tăng tới 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá bông nguyên liệu đầu vào giảm 20,4% (tính đến cuối tháng 7/2024), Đồng thời, Dệt may Thành Công đang sản xuất theo phương thức FOB cấp 2 có giá trị gia tăng cao nhờ lợi thế sở hữu chuỗi giá trị Dệt - Nhuộm - May hoàn chỉnh.

Ngoài ra, với chiến lược tập trung vào thị trường châu Á, công ty ít chịu rủi ro liên quan đến cước vận tải tăng cao trong thời gian qua.

Xét về cơ cấu thị trường, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ vẫn là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Dệt may Thành Công với tỷ trọng tính đến tháng 7/2024 lần lượt là 28%, 20% và 20% trong cơ cấu doanh thu.

Tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng thời trang, quần áo, phụ kiện tại một số quốc gia (% YoY). (Nguồn: Bloomberg, Chứng khoán Phú Hưng)

Tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng thời trang, quần áo, phụ kiện tại một số quốc gia (% YoY). (Nguồn: Bloomberg, Chứng khoán Phú Hưng)

Đáng chú ý, Dệt may Thành Công đang có xu hướng đẩy mạnh đơn hàng đến Nhật Bản và Hàn Quốc nhờ vào nguồn đơn hàng ổn định đến từ Tập đoàn E-Land (Hàn Quốc) với cam kết đặt 10 triệu sản phẩm may trong năm nay (cao gấp đôi so với năm 2023). Thông qua công ty con E-Land Asia Holdings, Tập đoàn E-Land đang chi phối 46,97% vốn cổ phần Dệt may Thành Công.

Trong nửa đầu năm nay, tiêu thụ quần áo và phụ kiện tại Nhật Bản và Hàn Quốc đều phục hồi tốt, sôi động hơn so với thị trường Mỹ. Tính đến cuối tháng 6/2024, tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng thời trang, may mặc, phụ kiện tại Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt là 8% và 4,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, hoạt động bán lẻ quần áo tại Mỹ vẫn còn khá chậm khi doanh số chỉ tăng 0,6%.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Dệt may Thành Công cho biết, tính đến cuối tháng 8/2024, công ty đã nhận khoảng 92% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 4/2024. Qua đó, tiến độ đơn hàng cho cả năm 2024 hiện đạt khoảng 90%.

Về triển vọng đơn giá xuất khẩu, theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Phú Hưng, việc đồng Won Hàn Quốc mất giá gần 7% và Yên Nhật mất giá hơn 12% so với đồng USD từ đầu năm nay, cao hơn nhiều so với mức trượt giá chỉ 5% của Đồng Việt Nam sẽ gây áp lực lên đơn giá xuất khẩu của Dệt may Thành Công.

Bên cạnh đó, số liệu từ Cơ quan Dệt may (OTEXA) thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho thấy giá bán trung bình của hàng may mặc nhập khẩu vào Mỹ vẫn đang trong xu hướng giảm.

Vì vậy, bất chấp sự chuyển dịch đơn hàng từ Bangladesh về Việt Nam, đơn giá xuất khẩu của Dệt may Thành Công nói riêng, ngành dệt may Việt Nam nói chung sẽ duy trì ở mức thấp cho đến hết năm nay.

Dựa trên điều kiện thị trường hiện tại, Chứng khoán Phú Hưng dự báo, trong cả năm nay, Dệt may Thành Công có thể ghi nhận 3.832 tỷ đồng doanh thu thuần và 277 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 15,3% và 107% so với năm 2023.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/det-may-thanh-cong--tcm-lai-rong-nam-nay-co-the-tang-gap-doi-nho-thi-truong-han-quoc--nhat-ban-127231.htm