Điểm tựa cho nông dân

Để củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, thúc đẩy công tác hội và phong trào nông dân hoạt động hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, trở thành điểm tựa cho nông dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tham quan gian hàng sản phẩm OCOP của hội viên nông dân tại Siêu thị nông sản OCOP - tầng 2 Chợ truyền thống TP Việt Trì.

Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể

Gặp gỡ các thành viên Hợp tác xã (HTX) trồng chuối an toàn Hoàng Cương, xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba, ai cũng đều phấn khởi khi ngoài canh tác nông nghiệp truyền thống, các hộ còn tận dụng diện tích đất kém hiệu quả để trồng chuối, hình thành mô hình kinh tế tập thể với 26 thành viên, bước đầu cho thu nhập cao.

Ông Nguyễn Đức Lương - Giám đốc HTX trồng chuối an toàn Hoàng Cương là người có nhiều năm gắn bó với nghề, tuy nhiên hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, giá cả thị trường bấp bênh, đầu ra cho sản phẩm chuối gặp nhiều khó khăn. Trong hai năm 2021 và 2022, HTX được vay hai đợt vốn, mỗi đợt 500 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân (QHTND) cho 20 hộ vay. Từ đó, HTX đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích trồng chuối lên 56ha. Bên cạnh đó, HTX còn ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào trồng chuối theo hướng an toàn, giảm được chi phí, tăng lợi nhuận, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng, đồng thời mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm theo hướng xuất khẩu.

Ông Lương cho biết: Nhờ nguồn vốn QHTND mà chúng tôi có điều kiện để đầu tư, mở rộng diện tích mô hình trồng chuối, tìm kiếm được đầu ra cho sản phẩm chuối an toàn. Mỗi năm HTX tiêu thụ trên dưới 400 tấn chuối, đem lại thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/ ha…

Chi hội nông dân nghề mộc truyền thống xã Ngô Xá, huyện Cẩm Khê được thành lập từ năm 2020 với 15 thành viên, chuyên sản xuất và lắp đặt các sản phẩm đồ gỗ, từ đồ nội thất cho đến nhà gỗ cổ truyền. Anh Nguyễn Văn Phong - Chi hội trưởng Chi hội cho biết: Trước đây, mỗi hội viên một xưởng, mạnh ai nấy làm nhưng từ khi tham gia Chi hội được Hội nông dân hỗ trợ vay vốn, các xưởng mộc nhỏ lẻ trên địa bàn xã liên kết với nhau, tiêu thụ sản phẩm, không còn tình trạng tồn hàng. Ngoài ra, chúng tôi còn chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi kỹ thuật và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương...

HTX trồng chuối an toàn Hoàng Cương, xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba phát triển mô hình trồng chuối an toàn từ nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn

Để khích lệ nông dân mở rộng, đầu tư phát triển các mô hình kinh tế theo hướng hàng hóa, đưa sản phẩm đạt chất lượng đến người tiêu dùng, Hội nông dân các cấp đã có những chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tín dụng nhằm tạo nguồn lực cho nông dân khi xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có đầu tư công nghệ. Đến nay, các cấp Hội đã làm tốt vai trò cầu nối, nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội cho nông dân vay vốn để đầu tư vào sản xuất thông qua 1.016 tổ tiết kiệm và vay vốn, chuyển tải nguồn vốn tới 35.661 hộ với tổng dư nợ trên 1.460 tỉ đồng, nguồn vốn 120 giải quyết việc làm với số vốn trên 95 tỉ đồng cho gần 10.000 hộ dân vay; nguồn vốn QHTND các cấp trên địa bàn tỉnh đang quản lý cho vay tại 210 dự án với số tiền gần 50 tỉ đồng cho 1.186 hộ vay.

Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp, phối hợp hướng dẫn thành lập 319 HTX, 1.039 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; 255 tổ hội, 114 chi hội nông dân nghề nghiệp; 66 câu lạc bộ “nông dân giỏi”, 11 câu lạc bộ “nông dân triệu phú”. Với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tổ hợp tác, HTX, chi, tổ hội nghề nghiệp đã có bước phát triển mới về số lượng cũng như chất lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động. Các mô hình này đã vận động thành viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, huy động nguồn vốn, lao động, tạo sự liên kết hợp tác với nhau và hợp tác với các doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Từ nguồn vốn này, các hội viên nông dân đã sử dụng để phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hội viên và gia đình, trung bình mỗi hộ hội viên vay vốn đều có thu nhập từ 70 đến hơn 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, nhiều hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.

Năm 2017, sau khi thoát khỏi danh sách hộ nghèo, anh Trần Ngọc Bảy ở khu 17, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy đã tham gia vào tổ hợp tác nuôi bò thịt, được vay vốn từ QHTND với số tiền 50 triệu đồng để mua thêm bò giống. Đến nay, gia đình anh đã có đàn bò trên 20 con sinh trưởng phát triển tốt. Anh Bảy chia sẻ: Những gia đình thuộc hộ nghèo hoặc mới thoát nghèo như chúng tôi sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, kinh tế khó khăn nên khi được tiếp cận nguồn vốn QHTND với lãi suất ưu đãi, chúng tôi có vốn để đầu tư mua giống, thức ăn phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, cải thiện thu nhập cho gia đình, nay tôi đã xây được nhà ở kiên cố… Năm 2022, gia đình tôi đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện.

Cùng với việc hỗ trợ vay vốn, năm 2022, các cấp Hội nông dân còn phối hợp tổ chức 952 lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho 64.501 lượt cán bộ, hội viên, nông dân, xây dựng 100 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thông qua nguồn vốn QHTND góp phần nâng cao tính sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của hội viên, tăng khả năng động viên đông đảo nông dân cùng phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Theo ông Dương Đình Khắc - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, để phát huy hiệu quả QHTND, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh định hướng, lựa chọn mô hình phù hợp hướng dẫn hội viên xây dựng dự án vay vốn, đồng thời tăng cường chỉ đạo, giám sát thực hiện trình tự các khâu cho vay đảm bảo đúng quy trình. Sau khi giải ngân, chúng tôi tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn của các hội viên, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích.

Bên cạnh đó, các cấp Hội còn trực tiếp, phối hợp vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thành lập, duy trì phát triển các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã; các câu lạc bộ nông dân triệu phú, nông dân tỷ phú. Từ đó góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới... Nguồn vốn QHTND đã và đang trở thành “điểm tựa”, giúp hội viên nông dân có nền tảng kinh tế để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả.

Linh Nguyễn

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/diem-tua-cho-nong-dan/190865.htm