Diễn đàn kinh tế: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường, ổn định giá xăng dầu

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm ổn định thị trường trong nước, giảm gánh nặng chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, UBTVQH cũng nhận định đây chỉ là giải pháp tình thế, Chính phủ cần nghiên cứu giải pháp mang tính dài hạn, căn cơ, linh hoạt.

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu không chỉ có ý nghĩa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, mà còn góp phần giảm bớt tác động tiêu cực của giá xăng dầu tăng mạnh lên các chương trình phục hồi kinh tế. Đối với các doanh nghiệp vận tải, việc này hỗ trợ phần nào khó khăn của họ. Bởi vận tải cũng là đầu vào của nhiều lĩnh vực khác, từ công nghiệp, thương mại đến du lịch.

Ở mặt khác, theo tính toán, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ giảm số thu thuế khoảng 29 nghìn tỷ đồng cả năm. Theo Bộ tài chính, Việt Nam vừa nhập khẩu xăng dầu nhưng lại là nước xuất khẩu dầu thô nên khá trung lập về nguồn thu, số giảm do chính sách điều tiết mới này sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu. Trong hai tháng đầu năm nay, thu ngân sách từ dầu thô đạt gần 8.100 tỉ đồng, tăng hơn 57% so với cùng kỳ nhờ giá dầu tăng. Mặc dù vậy, về lâu dài, ngân sách nhà nước cần bù đắp từ việc tăng thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì phụ thuộc vào khoản thu này.

Từ giờ đến cuối năm dự báo tình hình còn nhiều biến động khó lường, Chính phủ cần nghiên cứu các khả năng các công cụ có thể sử dụng tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn thị trường xăng dầu trong nước. Mở rộng quỹ dự trữ xăng dầu là một giải pháp, nhưng phải phân tách được dữ trữ quốc gia và dự trữ lưu thông.

Bên cạnh đó, hiện tại có 4 sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu gồm: Thuế nhập khẩu đối với xăng dầu nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ nào cũng cần có sự tính toán và dự báo trước tình hình để có kịch bản điều hành phù hợp.

Từ giữa tháng 3, một số nhà máy nhiệt điện phản ánh bị thiếu 30% nguồn than theo hợp đồng từ Tập đoàn công nghiệp than, khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc. Bộ Công thương ngày 11/3 đã có văn bản 1225 chỉ đạo khẩn yêu cầu 2 Doanh nghiệp này trong bất kỳ trường hợp nào, không để thiếu than cho sản xuất điện theo hợp đồng đã ký, tránh để xảy ra tình trạng phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu. Trước đề xuất tăng giá bán than của Tập đoàn công nghiệp than, khoáng sản VN, một số chuyên gia nhận định, nếu việc tăng giá bán than để sản xuất điện được thông qua, giá thành điện sẽ đội lên.

Trước đó, báo cáo Bộ Công thương về lý do đề xuất tăng giá bán, tập đoàn công nghiệp than, khoáng sản VN cho biết đã triển khai mở 4 gói thầu quốc tế mua than nhập khẩu để pha trộn trong quý 2 năm nay, song do giá thế giới tăng vượt giá đề xuất, cộng thêm ảnh hưởng căng thẳng giữa Nga và Ukraine làm khan hiếm nguồn cung dẫn tới khả năng không có đơn vị trúng thầu. Bên cạnh đó, đề xuất cơ chế giá than pha trộn kê khai theo luật Giá lại bị Tập đoàn điện lực VN phê duyệt chậm đến đầu tháng 3 khiến công ty bỏ lỡ nhiều cơ hội nhập khẩu đủ than về pha trộn theo kế hoạch. Cùng với giá dầu ở mức cao, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm còn 1.264 tỉ đồng và riêng sản xuất than lỗ hơn 1.380 tỉ đồng.

Thực tiễn cho thấy, điều tiết các mặt hàng chủ lực cần đặc biệt chú trọng, bám sát diễn biến thị trường và khả năng dự báo. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có trao đổi với các khách mời:

PGS. TS Bùi Ngọc Sơn - Hiệu phó Trường Đại học Ngoại thương, chuyên gia Kinh tế

Ông Vũ Vinh Phú VŨ VINH PHÚ - Nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội

Xin mời quý vị theo dõi chương trình.

Thực hiện : Thanh Nga

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dien-dan-kinh-te