Doanh nghiệp nhỏ, đóng góp lớn

Khi mới “ra ở riêng” năm 1997, Vĩnh Phúc là vùng trũng về phát triển công nghiệp, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, nhờ có sự đóng góp không nhỏ của khu vực DNVVN, giờ đây, nền kinh tế của Vĩnh Phúc đã phát triển vượt bậc, quy mô nền kinh tế không ngừng tăng lên, trở thành một tỉnh có nền công nghiệp phát triển thuộc top đầu miền Bắc.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh ngày càng đóng góp lớn cho ngân sách và nền kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh ngày càng đóng góp lớn cho ngân sách và nền kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động

Những năm qua, khu vực DNVVN đã và đang khẳng định vai trò động lực quan trọng để phát triển kinh tế của tỉnh. Trải qua quá trình không ngừng nỗ lực phấn đấu, các DNVVN ngày càng phát triển, là nơi tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển KT – XH của tỉnh.

Đồng thời, DNVVN cũng là nguồn cung cấp chủ lực các sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng lớn của người dân trong tỉnh, nhất là người dân khu vực nông thôn, miền núi.

Nếu như năm 2013, sự đóng góp của các DNVVN trong giá trị GRDP là trên 11%, thì đến năm 2020, tăng lên mức 16,2%; quy mô giá trị gia tăng tạo ra năm 2020 ước đạt trên 19, 8 nghìn tỷ đồng, đóng góp 21,75% vào giá trị gia tăng của tỉnh.

Tổng vốn đầu tư của các DNVVN đóng góp trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội hằng năm giai đoạn 2013- 2020 đạt trên 34,9 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 20,69% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội toàn giai đoạn; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm vốn đầu tư đạt 10,91%/năm.

Năm 2020, trong tổng số 13.000 DN trên địa bàn đăng ký SXKD, DNVVN chiếm 97%, theo tỷ lệ bình quân thì có 1,02 DN/100 người dân. Các DNVVN đã tạo việc làm cho gần 80 nghìn lao động với thu nhập bình quân khoảng 7,3 triệu đồng/người/tháng.

Tổng nộp ngân sách nhà nước của DNVVN giai đoạn 2013-2020 đạt gần 7, 3 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,6% so với tổng số ngân sách đóng góp từ các loại hình doanh nghiệp.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do biến động của thị trường, nhiều quy định ngặt nghèo của các Hiệp định Thương mại tự do, dịch bệnh hoành hành..., nhưng các DNVVN đã liên kết đề ra nhiều giải pháp đổi mới cách tiếp cận, tìm kiếm thị trường tiềm năng.

Cùng với đó là thường xuyên đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như quảng bá thương hiệu. Chủ động tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Trung ương, cơ chế hỗ trợ đặc thù của tỉnh để vận dụng vào thực tiễn một cách linh hoạt, hiệu quả.

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, trong suốt các nhiệm kỳ, Vĩnh Phúc luôn xác định việc phát triển khu vực DNVVN là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng trong định hướng phát triển KT – XH của tỉnh.

Nhận thấy rõ vai trò và những khó khăn, thách thức đối với khu vực DNVVN, công tác hỗ trợ các DN luôn được tỉnh quan tâm thực hiện.

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh là thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ để giúp khu vực doanh nghiệp này nắm bắt những cơ hội kinh doanh, vượt qua khó khăn, thách thức nhằm phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng, từng bước thay đổi diện mạo và vị thế của các DNVVN…

Đặc biệt, Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh dành riêng cho khu vực DNVVN với việc đưa ra các nhóm giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn, công nghệ, thủ tục hành chính…, góp phần tác động tích cực và sâu rộng đến hoạt động SXKD của DNVVN, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã được ký kết như hiện nay.

Mục tiêu tổng quát trong việc hỗ trợ các DNVVN của tỉnh hiện nay là tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Hỗ trợ DNVVN.

Từng bước cụ thể hóa các chính sách, chương trình hỗ trợ DNVVN của Trung ương và của tỉnh nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển các DNVVN trên địa bàn, tăng về số lượng, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế.

Hỗ trợ, thúc đẩy tăng số lượng DNVVN thành lập mới, chú trọng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh chuyển đổi thành lập DN.

Đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ trong các DN; tạo điều kiện cho DN khai thác tiện ích của các công nghệ mới; thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo cho việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đẩy nhanh việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi số trong DNVVN của tỉnh; hỗ trợ, nâng cấp doanh nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng của một số DNVVN có khả năng cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị, liên kết, hợp tác với các DN lớn, DN FDI để hình thành cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị…

Có thể khẳng định, sau 25 năm tái lập, nhờ sự chung tay của cộng đồng DN nói chung, DNVVN nói riêng, Vĩnh Phúc hiện nay đã trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển…

Đây chính là tiền đề để Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước trong tương lai gần.

Bài, ảnh: Thành Nam

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/71202/doanh-nghiep-nho-dong-gop-lon.html