Đổi mới giáo dục: 'Tất cả nên nhìn nhận một cách bình tĩnh và biện chứng'

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, không nên vì một số điểm chưa hài lòng, khiếm khuyết gần như đương nhiên trong quá trình đổi mới mà mất đi lòng tin vào sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Tại Hội nghị trực tuyến ngành Giáo dục năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây không chỉ là dịp để đánh giá nhiệm vụ năm học vừa qua mà còn là cơ hội để tổng kết lại chặng đường hơn 6 năm từ khi thực hiện Nghị quyết 29.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì giáo dục luôn luôn có nhiều bất cập nhưng ông nhấn mạnh: “Tất cả nên nhìn nhận một cách bình tĩnh và biện chứng”.

Theo đó, một nước đang phát triển như Việt Nam, thu nhập trên đầu người còn thấp, không thể đòi hỏi cơ sở vật chất hiện đại, trường lớp, trang thiết bị, dụng cụ học tập, lương giáo viên như các nước phát triển được.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đổi mới trong giáo dục là quá trình liên tục, chúng ta nên bình tĩnh nhìn nhận (ảnh minh họa - nguồn internet).

Cho nên câu chuyện thiếu trường lớp, cơ sở vật chất, thiếu biên chế, thu nhập giáo viên… đương nhiên là vấn đề bất cập hàng năm.

Những câu chuyện tiêu cực khác trong ngành giáo dục, từ bạo hành học đường, dạy thêm, học thêm, biên chế giáo viên hay sự cố thi cử là có, nhưng không mang tính biểu tượng chung cho ngành giáo dục.

“Hay trong thời điểm dịch Covid-19, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng chúng ta vẫn kiên định thực hiện, 6 năm qua đã hoàn thành được chặng đầu của đổi mới và sẽ tiếp tục đổi mới.

Đổi mới trong giáo dục là quá trình liên tục, chúng ta nên bình tĩnh nhìn nhận", Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng đánh giá, ngành giáo dục đã nỗ lực vượt lên khó khăn, vượt lên chính mình và đã có được những bước tiến bộ toàn diện, rõ ràng, nhiều mặt và vững chắc.

Điển hình như việc trước đây, khi đi khảo sát lúc mới ra Nghị quyết 29, một trường có hơn 20 cuốn sổ. Nhưng giờ đây, khi đưa công nghệ vào, rõ ràng đã giảm cải cách hành chính trong hệ thống giáo dục tốt hơn rất nhiều.

Còn ở bậc đại học, 1 tỷ USD đã được đầu tư cho các trường đại học lớn. Có những trường đại học ngoài quốc doanh, tư thực phi lợi nhuận như VinUni cũng đã được đầu tư mang tầm vóc quốc tế. Đánh giá theo PISA, đánh giá theo chỉ số nguồn nhân lực của Ngân hàng Thế giới cũng có bước tiến rất tốt,…

GDP trên đầu người đứng 130 trên thế giới, kể cả Chính phủ điện tử dù rất nỗ lực cũng chỉ đứng thứ 80, chỉ có chỉ số đổi mới sáng tạo đứng thứ dưới 50 và giờ là chỉ số về phổ thông rất tốt.

Đại học trước đây, từ chỗ ngoài 100 nước không được xếp hạng, bây giờ từng năm một tiến bộ dần, hiện đứng thứ dưới 70.

6 năm qua, cơ sở vật chất giáo dục từ mầm non đến đại học có những bước tiến rất lớn. Đất nước còn nghèo nhưng chúng ta đã đầu tư rất lớn, đi đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chỗ nào tốt nhất, mới nhất đều là trường học.

Cho nên, Phó Thủ tướng nêu quan điểm: Không nên vì một số điểm chưa hài lòng, khiếm khuyết gần như đương nhiên trong quá trình đổi mới mà mất đi lòng tin vào sự nghiệp đổi mới giáo dục.

“Giáo dục năm nào cũng có những chuyện nọ chuyện kia. Nếu không thận trọng, chúng ta sẽ chỉ nhìn vào những vụ việc cụ thể.

Có những cái trục trặc, mình mất niềm tin mà đòi xóa bỏ những kết quả. Hoặc khi có những chỉ số tốt, chúng ta lại lạc quan tếu. Hai cái cực đoan đều không được do vậy cần bình tĩnh nhìn lại để có lòng tin tiếp tục phấn đấu", Phó Thủ tướng nói.

Cũng theo Phó Thủ tướng, giáo dục trước mắt không làm ra tiền, lại tiêu tiền nhiều, nhưng không có giáo dục thì sau này, tất cả các điều kiện làm ra tiền, phát triển kinh tế - xã hội đều không có.

Cho nên, tới đây các cấp phải tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến chuyện tinh giảm biên chế.

"Ai cũng biết tinh giản biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên là cần thiết, nhưng chúng ta không thể để trường lớp thiếu giáo viên được.

Cả nước giờ thừa thiếu cục bộ giáo viên, hiện còng hàng chục nghìn giáo viên dạy hợp đồng từ 10-15 năm vẫn không có biên chế trong khi giáo viên thì vẫn thiếu. Lãnh đạo các tỉnh/thành phố, ngoài lo trường lớp thì cần phải chăm lo cho giáo viên”.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doi-moi-giao-duc-tat-ca-nen-nhin-nhan-mot-cach-binh-tinh-va-bien-chung-post103785.html