Đổi thay ở bản Huổi Ái

Là bản duy nhất của xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, những năm qua, cùng với sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước, nhân dân bản Huổi Ái đã đoàn kết, nỗ lực vươn lên phát triển sản xuất, giảm nghèo, diện mạo nông thôn của bản ngày càng đổi thay.

Nhân dân bản Huổi Ái, xã Sốp Cộp thu hoạch sắn cao sản.

Nhân dân bản Huổi Ái, xã Sốp Cộp thu hoạch sắn cao sản.

Tháng 12/2022, bản Co Hịnh và Pá Hốc sáp nhập lấy tên là Huổi Ái. Bản có 71 hộ, hơn 320 nhân khẩu. Ông Vừ Bả Khứ, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Chi bộ, Ban quản lý bản đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa cây giống, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Bản có điện lưới quốc gia, các tuyến đường nội bản, liên bản được bê tông hóa, điểm trường được xây dựng khang trang. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể của bản đã nhận ủy thác gần 1 tỷ đồng của Ngân hàng CSXH huyện cho 25 hộ vay để phát triển sản xuất.

Hiện nay, các hộ dân trong bản trồng 2 ha cây mận hậu, đào; 31 ha cây lương thực có hạt, sản lượng đạt trên 180 tấn/năm; 80 ha sắn cao sản, sản lượng gần 800 tấn/năm; bảo vệ hơn 300 ha rừng tự nhiên. Hằng năm, nhân dân được nhận hơn 100 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Trong chăn nuôi, cả bản có hơn 200 con gia súc, bà con quan tâm tiêm vắc xin phòng bệnh, phun thuốc khử trùng khu vực chuồng trại định kỳ 4 lần/năm; làm chuồng trại kiên cố, chống rét, trồng hơn 2 ha cỏ voi, ủ ướp làm thức ăn cho gia súc những tháng mùa đông. Ngoài ra, còn nuôi hơn 200 con lợn giống địa phương và trên 1.000 con gia cầm... Kinh tế phát triển, bản có trên 30% số hộ có mức sống khá; nhiều hộ có thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm. Từ năm 2021 đến nay, mỗi năm có 3-5 hộ thoát nghèo.

Từ năm 2020, gia đình anh Vàng A Pó trồng 2 ha sắn cao sản; nuôi 12 con trâu, bò sinh sản, 30 lợn giống địa phương. Anh Pó chia sẻ: Mỗi năm, gia đình bán từ 6-8 con trâu, bò, 50-60 con lợn giống và bán thịt, tổng thu nhập hơn 200 triệu đồng. Năm 2021, gia đình tôi đã thoát nghèo, cuộc sống đã dần khá hơn.

Còn gia đình anh Vừ A Hạ trồng gần 6 ha sắn cao sản, nuôi 3 con trâu bò; nuôi thêm gà, vịt thịt... Anh Hạ nói: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng ngô, do canh tác lâu năm, đất đã bạc màu, năng suất thấp. Năm 2021, gia đình chuyển sang trồng sắn cao sản, ngay vụ đầu đã thu hoạch gần 60 tấn củ tươi, được thương lái thu mua tại nương, thu hơn 130 triệu đồng. Nhờ trồng sắn cao sản mà cuộc sống của gia đình đã ổn định hơn, có điều kiện để mua sắm đồ dùng phục vụ đời sống và sản xuất.

Bên cạnh đó, bà con tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Việc cưới mang bản sắc văn hóa dân tộc Mông, nhưng văn minh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình; việc hiếu tổ chức gọn nhẹ, không tốn kém. Bản đã thành lập 3 nhóm liên gia tự quản về an ninh trật tự, 1 tổ hòa giải hoạt động hiệu quả. 100% số hộ dân được sử dụng điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, được xem truyền hình. Lớp học cắm bản từ mẫu giáo đến tiểu học; nhà văn hóa bản được xây dựng kiên cố; có sân thể thao phục vụ bà con luyện tập hằng ngày.

Huổi Ái đang có nhiều đổi thay, nhân dân trong bản luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết, đồng lòng, chung sức xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/doi-thay-o-ban-huoi-ai-tC5nUCFIg.html