Đổi thay ở vùng ven TP. Sóc Trăng

Sau 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng, cùng với sự phát triển của TX. Sóc Trăng (nay là TP. Sóc Trăng), các phường vùng ven của TP. Sóc Trăng ngày càng chuyển mình, tạo diện mạo mới ở vùng ven đô thị.

Trong ký ức nhiều người, cách đây 30 năm, Phường 5 là một vùng nông thôn ven TX. Sóc Trăng, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, kinh tế của người dân nơi đây chủ yếu là độc canh cây lúa. Đời sống nhiều gia đình lúc ấy còn khó khăn, thậm chí thiếu thốn. Nhớ lại 3 thập niên trước, đồng chí Lý Hồng Lộc - Phó Chủ tịch UBND Phường 5 cho biết, khi đó hạ tầng giao thông rất hạn chế, người dân canh tác lúa bằng những phương tiện thô sơ, chủ yếu sử dụng sức kéo của trâu, bò và 1 năm chỉ trồng được 1 vụ lúa với năng suất cao nhất khoảng 3 tấn/ha.

Vẫn trên mảnh đất ấy nhưng mọi mặt của cuộc sống hiện nay đã thay đổi. Vùng ven thành phố ngày nào đã chuyển mình với hạ tầng giao thông được đầu tư liền mạch, những con đường với nhiều ổ voi, ổ gà nay cũng được mở rộng bê tông hóa, láng nhựa; những căn biệt thự, nhà tường khang trang được mọc lên, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, nhịp sống đổi mới từng ngày... Đáng chú ý là, sau khi được áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất, nông nghiệp của Phường 5 ngày càng phát triển, ngoài canh tác 2 vụ lúa chính/năm với năng suất đạt từ 5 - 6 tấn/ha trở lên, nông dân còn tận dụng bờ kênh trồng màu để nâng cao thu nhập.

Đồng chí Lý Hồng Lộc cho biết, thực hiện nghị quyết của Thành ủy, kế hoạch của UBND TP. Sóc Trăng về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, phường đã triển khai đến các chi bộ, nhất là các chi bộ khóm để tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện. Qua đó, ngoài diện tích trồng lúa cao sản và đặc sản, trên địa bàn phường còn có những mô hình hiệu quả như: trồng sen; nuôi bò thịt, bò sinh sản; cải tạo vườn tạp trồng cây lâu năm; trồng màu trong nhà lưới…

Ngoài trồng lúa, Phường 5, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) còn hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi hiệu quả. Ảnh: THIỆN HẢI

Ngoài trồng lúa, Phường 5, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) còn hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi hiệu quả. Ảnh: THIỆN HẢI

Để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và xu thế phát triển, trong giai đoạn 2021 - 2025, Phường 5 còn tập trung phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa, cây trồng, vật nuôi, phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác đạt 250 triệu đồng/năm; đồng thời chú trọng phát huy hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân để giúp người dân vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Ông Trần Xuân, ở Khóm 3 chia sẻ: “Nhờ được hỗ trợ vay 50 triệu đồng mà tôi mua được 2 con bò đang trong giai đoạn sinh sản để phát triển đàn bò của gia đình, nay đã lên đến 18 con. Mô hình này giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định hơn chăn nuôi heo. Mới năm ngoái, tôi đã bán được 9 con bê giống và thu về hơn 100 triệu đồng”.

Cùng với sự phát triển của Phường 5, 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự hỗ trợ của các ngành, các cấp mà hệ thống điện, đường, trường, trạm trên địa bàn Phường 10 được đầu tư. Người dân vùng ven Phường 10 đã chuyển dịch hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi và khai thác tiềm năng, lợi thế làm thay đổi bộ mặt đời sống người dân. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: mô hình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” đã mang lại năng suất lúa cao.

Chứng kiến sự đổi thay của Phường 10, ông Sơn Đên - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phường 10 chia sẻ: “Ngoài những kết quả nổi bật trong sản xuất nông nghiệp, thương mại - dịch vụ của phường cũng có bước phát triển. Nếu trước đây, trên địa bàn phường chỉ có chợ “chồm hổm” tự phát thì nay chợ Phường 10 được đầu tư đã giúp việc mua bán của người dân thuận lợi và đảm bảo mỹ quan đô thị hơn”.

Hiện nay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Phường 10 ngày càng được nâng cao với những tiện ích đầy đủ đã xóa mờ đi những hình ảnh khó khăn vùng ven của 30 năm trước khi một số nơi không điện thắp sáng, không nước máy hợp vệ sinh và hệ thống giao thông chỉ có đường đất, mùa mưa sình lầy cản trở việc đi lại. Hạ tầng kỹ thuật gần như chẳng có gì đáng kể.

Xuất phát điểm từ những cái “không” ấy nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân qua các thời kỳ của Phường 10 đã nỗ lực vươn mình phát triển. Để có được kết quả như hiện nay, theo đồng chí Nguyễn Việt Dũng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND Phường 10, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, thành phố, thời gian qua, Đảng ủy Phường 10 đã xây dựng các nghị quyết sát với tình hình thực tiễn của địa phương để kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. UBND phường cũng chỉ đạo Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp tập trung tìm các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững.

Bên cạnh các mô hình trồng lúa, rau màu, những năm gần đây, Phường 10 còn chú trọng hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt thông qua các chương trình cho vay vốn và tập huấn khoa học kỹ thuật. Chị Lý Thị Thu Hiền, ở Khóm 1 chia sẻ: “Trước đây trồng lúa thu nhập khá bấp bênh, nhờ được chính quyền hỗ trợ vay vốn mà gia đình tôi có thêm điều kiện để chăn nuôi bò sữa. Với 18 con bò sữa hiện nay, mỗi ngày cho thu hoạch bình quân 100kg sữa, giúp gia đình tôi có thu nhập hơn 1 triệu đồng”. Từ những mô hình hay, cách làm hiệu quả, hiện nay Phường 10 chỉ còn 3 hộ nghèo và 220 hộ cận nghèo, giảm nhiều hơn so với những năm mới chia tách phường - lúc đó hộ nghèo và cận nghèo lên tới 300 - 400 hộ.

Chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển của TP. Sóc Trăng đã có sự đóng góp không nhỏ của đảng bộ, chính quyền và nhân dân ở các phường vùng ven. Những kết quả từ sự nỗ lực đó càng thêm ý nghĩa khi TP. Sóc Trăng được công nhận đạt chuẩn đô thị loại II, tạo thêm niềm tin và động lực để các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân thành phố phấn đấu hơn nữa trong quá trình xây dựng đô thị ngày càng phát triển.

THIỆN HẢI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/soc-trang-30-nam-tai-lap-tinh/doi-thay-o-vung-ven-tp-soc-trang-56311.html