Đón em về

Cho đến hết cuộc đời, tôi vẫn chỉ có một ước ao cháy lòng 'Giá như đêm ấy được ôm chặt em vào lòng, được cùng em ôn lại những quãng đời thơ ấu và kể lại cho em nghe những ký ức chiến trường nóng hổi để khỏa lấp những tháng ngày anh em biền biệt xa nhau...

"Gia đình tôi có bảy anh chị em, (ba trai, bốn gái). Anh cả, Nguyễn Văn Nuôi, nhập ngũ năm 1947, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp năm 1952. Hiện tại hài cốt của anh vẫn nằm lại đâu đó nơi chiến trường Điện Biên Phủ xa xôi. Em trai - liệt sĩ Nguyễn Văn Nhuận, hy sinh trong Chiến dịch “Quế Sơn - Hiệp Đức” - mặt trận Quảng Nam. Còn tôi (Nguyễn Tân Chính), hai lần tham gia quân đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vì thế, nỗi nhớ về em chẳng bao giờ có thể nguôi ngoai...", ông Nguyễn Tân Chính tâm sự.

Tháng 6 năm 1967, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Nguyễn Văn Nhuận cùng bao trai làng hăng hái lên đường nhập ngũ. Sau ba tháng huấn luyện, em tôi được cấp trên cử đi học lớp quân y, ra trường được điều về Trung đoàn 1, Sư đoàn 304B - Quân khu Việt Bắc nhận nhiệm vụ vào Nam chiến đấu. Nhận được tin, tôi vội sắp xếp thời gian đến đơn vị thăm em. Nhưng thật không may, anh em không gặp nhau vì đơn vị của Nhuận đang trên đường hành quân dã ngoại. Chỉ vài tuần sau, tôi cũng nhận được lệnh tái ngũ.

 Tác giả bồi hồi nhớ lại cuộc hành trình “đón em về với đất mẹ”.

Tác giả bồi hồi nhớ lại cuộc hành trình “đón em về với đất mẹ”.

Bẵng đi gần 3 năm bị mất liên lạc, tình cờ tháng 11 năm 1970, đơn vị tôi hành quân vào B2 (Nam Bộ), khi đi qua đất bạn Lào, gặp nhiều đơn vị, hỏi ra mới biết, đó là quân của Sư đoàn 2 (Quân khu V) mà em tôi cũng là lính Trung đoàn 31 thuộc sư đoàn này. Những thông tin qua người đồng đội cũ của em, dù ít ỏi nhưng tôi vẫn hy vọng. Nhưng niềm hy vọng ấy mỗi lúc một “tắt dần”, bởi suốt chặng đường hành quân qua 18 trạm giao liên của hai tỉnh Xa-Va-Na-khẹt và Xa-Ra-Van (Hạ Lào), tôi luôn tìm cách hỏi thăm về em mà vẫn bặt vô âm tín. “Có phải ông trời như muốn thử thách lòng kiên nhẫn của người lính như tôi?”. Đó là vào một buổi chiều, đơn vị tôi hành quân về Bãi Khách của Trạm giao liên T62 nằm trên đỉnh núi. Để tới được đó, phải hành quân qua một đơn vị khác ở dưới chân đồi. Vừa mỏi mệt, vừa buồn vì thất vọng. Ngờ đâu, đơn vị ngay dưới chân đồi kia chính lại là đơn vị em tôi, hai anh em chỉ cách nhau chừng một trăm mét mà bỗng trở nên “nghìn trùng xa cách”. Ngay sau đó, tình cờ tôi gặp một số chiến sĩ lính Sư đoàn 2 đi lấy gạo, té ra họ đều là đồng đội của em tôi. Thông qua họ, biết tin em vẫn khỏe, tôi mừng lắm và ao ước, nếu có đôi cánh, tôi sẽ bay trở lại để thăm em, dù chỉ một lần. Đã mấy chục năm qua, mỗi khi nhớ lại chuyện này tôi vẫn cảm thấy vô cùng nuối tiếc, xót xa và tự trách mình đã thiếu kiên nhẫn để cơ hội tuột khỏi tầm tay.

Tôi vào B2, đến nửa năm sau, đơn vị của em rút sang Lào nghỉ ngơi, củng cố, rồi trở về miền Nam từ năm 1971-1972, trực tiếp tham gia các chiến dịch: Nông Sơn, Trung Phước, Quế Sơn, Hiệp Đức… (mặt trận Quảng Nam).

Tháng 3 năm 1972, tôi ra Bắc nhận nhiệm vụ mới, được bố mẹ và gia đình trao lại lá thư của em viết từ chiến trường gửi ra. Trong thư em có nói đã nhận được lá thư viết vội của tôi gửi qua người đồng đội (cùng đơn vị với em) trên đường đi lấy gạo mà tôi đã gặp họ trên cao nguyên Bô-Lô-Ven hơn một năm về trước. Đọc thư em lòng tôi trào dâng xúc động và nuối tiếc, nỗi nhớ em càng tăng lên gấp bội.

Cuối năm 1973, tôi được đơn vị cho phục viên. Sau 5 tháng rời quân ngũ về địa phương (xã Tiên Dược). Tại Đại hội Đảng bộ, tôi được tín nhiệm bầu vào Ban Thường vụ Đảng ủy xã, sau đó về Thị trấn công tác. Kể từ đây, tôi lại bước vào một mặt trận mới - mặt trận không tiếng súng với bao lo toan, khó khăn, vất vả nhưng không kém phần gay go, phức tạp. Đó cũng là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, trong đó có tôi. Trước bao công việc bộn bề, cần giải quyết, cần tập trung cao độ cho việc chung, tôi tạm gác lại việc riêng tư để lo toan phát triển kinh tế-xã hội địa phương, chăm lo xử lý hài hòa các mối quan hệ: An sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao trình độ dân trí… và cho đến khi nghỉ hưu (tháng 10 năm 2001).

Cũng thời gian này, tôi nghe phong thanh qua những thông tin chắp nối: “Nhuận đã hy sinh”!. Mặc dù còn bán tín, bán nghi song tôi chỉ biết âm thầm lặng lẽ mà không dám thổ lộ cùng ai, nhất là với bố mẹ lại càng phải giữ kín. Có điều làm tôi cứ ám ảnh suốt bấy lâu nay, vào dịp tháng 6 năm 1973, khi hoàn thành nhiệm vụ “trao trả nhân viên quân sự” từ Quảng Trị trở về, tôi được mẹ kể lại: Tháng Giêng năm Quý Sửu (1973) bà được “báo mộng” và khẳng định, nếu gặp lần nữa chắc sẽ chết. Tôi phá lên cười vì mẹ là người nhát và sợ “ma” nhất. Theo bà kể lại, hôm đó bà thấy một con đom đóm to (bằng bóng đèn) có màu đỏ chứ không xanh như đom đóm thường, bay từ ngoài sân vào trong nhà, lượn đi, lượn lại trước bàn thờ tổ tiên rồi ra đậu ở cây đào trước sân nhà, sau đó chỉ trong chớp mắt bay đi đâu không rõ? Tôi nói vui với mẹ: “Con ở Trường Sơn, đom đóm như sao sa bên suối, nó cũng to như bóng đèn đấy mẹ ạ!”. Mẹ tôi bực mình không nói nữa.

 Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Nhuận.

Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Nhuận.

Câu chuyện tưởng như rơi vào quên lãng, ai ngờ đúng một năm sau, tháng 6 năm 1974, gia đình nhận được giấy báo tử em tôi. Theo trong giấy báo tử, ngày hy sinh 31-12-1972. Đối chiếu ngày em hy sinh với chuyện con đom đóm mẹ kể, chỉ cách nhau hơn một tháng (đúng vào tuần tứ cửu 49 - 50 ngày mất của em). Cây đào trước sân nhà sau đó cũng héo dần (có thể do già hoặc bị sâu) nên bố tôi đã chặt đi để không còn nỗi ám ảnh trong mẹ nữa.

Là một người lính, được rèn luyện và đã từng chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, nhưng khi cầm tờ giấy báo tử của em, tôi không khỏi bàng hoàng, đau đớn đến tột cùng. Với cha mẹ tôi thì sự đau đớn còn tăng lên gấp bội khi lần lượt mất đi hai khúc ruột của mình. Cú sốc quá lớn cộng với nỗi đau mất mát không gì bù đắp nổi khiến mẹ ngày một kiệt sức, không sao gượng dạy, mắt mờ dần vì khóc nhớ con...

Sau khi mẹ qua đời vào tháng 4 năm 1985, tôi càng nung nấu ước nguyện đi đón em về để thỏa lòng mong mỏi của bố mẹ. Ý định đó ngày càng thôi thúc tôi, nhưng thông tin về em không nhiều, chỉ biết Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu V và thời điểm em hy sinh theo như trong giấy báo tử trùng hợp với chiến dịch “Quế Sơn - Hiệp Đức” - Quảng Nam. Tôi phán đoán, rất có thể em đã hy sinh trong chiến dịch đó. Nhưng phải bắt đầu từ đâu, thì câu hỏi này vẫn chưa có lời giải. Đang trong lúc loay hoay “tìm hướng” thì “vận may” đã đến. Tôi có người anh họ, bộ đội chống Mỹ, công tác tại cơ quan Binh vận của tỉnh Quảng Đà. Sau ngày giải phóng, anh chuyển sang ngành Thương binh - Xã hội của tỉnh (nay là Sở LĐTB-XH TP Đà Nẵng).

Giữa năm 1997, anh về thăm quê, tình cờ biết chuyện hy sinh của Nhuận và ý định gia đình tôi muốn đi tìm hài cốt và đón em về. Khoảng hai tháng sau tôi nhận được tin anh thông báo: Đã có manh mối về mộ phần liệt sĩ Nguyễn Văn Nhuận tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Quế Long, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Niềm vui đến bất ngờ, chẳng mấy chốc lan tỏa rộng rãi tới toàn thể anh em họ hàng, làng xóm… Một không khí thật náo nức giống như ngày nào dân làng lưu luyến tiễn đưa thanh niên lên đường nhập ngũ và mừng vui phấn khởi đón các anh hoàn thành nghĩa vụ trở về. Bởi đã mấy chục năm qua, kể từ ngày xa cha mẹ, xa quê hương cầm súng chiến đấu, hy sinh ở nơi chiến trường xa - mấy chục năm với biết bao nỗi đau, thương xót, sự mong mỏi đến tột cùng của người thân, có lúc tưởng như vô vọng… thì giờ đây, vỡ òa trong hân hoan, như tìm thấy một báu vật. Có được thông tin chính xác, kế hoạch đi đón em về đã hình thành trong tôi. Mặc dù ở thời điểm đó, việc đưa hài cốt liệt sĩ không được thuận lợi như bây giờ.

Đầu tháng 3 năm 1998, buổi tối trước ngày lên đường, anh em họ hàng, làng xóm đến chơi chật nhà, động viên thăm hỏi và chúc chuyến đi gặp nhiều may mắn. Sau khi tiễn khách ra về, tôi thắp cho em nén hương và định đi nghỉ sớm để hôm sau lên đường thì bỗng xuất hiện một con đom đóm bay từ ngoài sân vào trong nhà soi đi, soi lại trước bàn thờ tổ tiên rồi bay ra ngoài hiên lượn soi ngay trước mặt vợ tôi. Vốn là người không mê tín nên tôi cũng không để ý mà lên giường nằm nghỉ. Sau này nghe vợ kể lại, tôi mới biết chuyện xảy ra: Lúc ấy vợ tôi đang lẩm bẩm khấn: “Nếu có phải em Nhuận thì hãy đậu vào bên vai trái của chị. Ngày mai anh và cháu đi đón em về nhà, hãy phù hộ cho anh, chị, các cháu cùng toàn thể gia đình” Lạ thay! Vừa dứt lời, con đom đóm liền sà đậu vào đúng vai trái vợ tôi rồi vụt bay đi trong chớp mắt.

Theo lộ trình, 5 giờ sáng hôm sau xe xuất phát, ngày đi, đêm nghỉ, trưa hôm sau chúng tôi đã tới thành phố Đà Nẵng. Buổi chiều, anh họ dẫn tôi sang Bộ tư lệnh Quân khu V (nhà anh chỉ cách đó mấy trăm mét). Khi được xem lại toàn bộ hồ sơ liệt sĩ, phần nào tôi đã hiểu được thời điểm, hoàn cảnh và sự hy sinh của em mình. Đó là trận đánh trong chiến dịch “Quế Sơn - Hiệp Đức” vào cuối tháng 12 năm 1972 diễn ra vô cùng ác liệt giữa ta và địch tại xóm 9, xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Đơn vị em tôi đã giành chiến thắng giòn giã, làm chủ hoàn toàn trận địa, trong trận chiến đấu này, em tôi đã bị thương, được đồng đội đưa về tuyến sau cấp cứu, xong do vết thương quá nặng, em đã hy sinh tại Viện 20E (Quân y tiền phương). Tôi chăm chú đọc những dòng chữ ghi rất rõ thành tích của em tôi trong hồ sơ liệt sĩ: “Sau hơn bốn năm chiến đấu, trải qua nhiều chiến dịch ác liệt, liệt sĩ Nguyễn Văn Nhuận luôn kiên cường, dũng cảm, không chùn bước trước mọi hiểm nguy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ được cấp trên tin tưởng, đồng đội yêu mến tôn vinh là chiến sĩ thi đua của trung đoàn, được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba cao quý và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng”. Nỗi đau xót, xen lẫn niềm tự hào, kiêu hãnh có một người em xứng đáng với truyền thống gia đình, quê hương, đất nước cứ trào dâng trong tôi.

Sáng sớm hôm sau, rời khỏi thành phố Đà Nẵng, có cả người anh họ cùng đi về Quế Long, Quế Sơn, nơi em đang yên nghỉ tại nghĩa trang của xã. Được sự giúp đỡ nhiệt tình, chu đáo của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và đồng đội (cũ) của em, việc cất bốc đưa em về quê nhà diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Xong công việc, xe rời khỏi Quế Sơn, ra Quốc lộ 1, hướng về phía Bắc. Chiều muộn, xe về đến thị xã Đông Hà - Quảng Trị (nay là Thành phố Đông Hà), tôi quyết định dừng chân và nghỉ qua đêm tại “khách sạn Công viên”. Thật ra chỉ là hai dãy nhà cấp 4 đơn sơ giống như ở nhà mình ở quê. Hài cốt em để bên cạnh song song với giường tôi nằm. Trằn trọc, lo âu, chỉ sợ kẻ gian bê trộm mất hòm vì nghĩ là tiền bạc. Nếu điều đó xảy ra thì đồng nghĩa với việc để mất em lần thứ hai và sẽ là mất em vĩnh viễn. Đêm Đông Hà khá yên tĩnh vì thị xã thành lập chưa lâu, hạ tầng kiến trúc còn khiêm tốn.

Dưới ánh sáng vàng vọt, yếu ớt của bóng đèn tròn, trong lúc mọi người ngon giấc qua mấy ngày đi đường mệt nhọc, vất vả, thì tôi thao thức chập chờn, miên man suy nghĩ. Bao nhiêu chuyện xa xưa tái hiện về. Bao nỗi thăng trầm từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, nhọc nhằn, vất vả lại nghĩ về em.

Cùng cả một thế hệ lên đường đánh giặc, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, em “ra đi” chưa từng biết đến một tình yêu, một nụ hôn của người con gái,… biết đến hương vị của hạnh phúc gia đình, nước mắt tôi cứ tuôn trào ướt gối. Lúc này đây tôi muốn nghe em nói, gọi tên “ANH”, mà sao chỉ thấy lặng thinh một miền xa thẳm… Nhớ thương em - nghĩa tình “huynh-đệ”, tôi vội lấy giấy bút viết mấy vần thơ như lời tâm sự hòa quyện vào làn khói hương nghi ngút vấn vít quanh hài cốt của em: “Đón em về với quê nhà/ Dừng chân nghỉ lại Đông Hà qua đêm/ Trong phòng “Khách sạn Công Viên”/ Đã lâu có dịp anh, em “ngủ cùng”/ Âm dương cách biệt muôn trùng/ Gần em mà chẳng nói cùng được chi/ Chỉ nghe tiếng gió thầm thì/ Như hồn em cũng bay về đâu đây/ Thương em nước mắt rơi đầy/ Bồi hồi nhớ lại những ngày xa xưa...”.

 Lễ đón hài cốt và truy điệu liệt sĩ Nguyễn Văn Nhuận tại nghĩa trang quê nhà /Ảnh gia đình cung cấp.

Lễ đón hài cốt và truy điệu liệt sĩ Nguyễn Văn Nhuận tại nghĩa trang quê nhà /Ảnh gia đình cung cấp.

Tiếng gà gáy đổ dồn, báo hiệu màn đêm đã qua. Trong lúc trời còn đẫm sương, tôi đánh thức mọi người dậy lên xe tiếp tục cuộc hành trình. Bởi lúc này đây, tôi, các thành viên trong đoàn và cả những người thân nơi quê nhà đang trông ngóng từng giờ để được đón em về với đất mẹ. Từ Đông Hà - Quảng Trị, xe vượt chặng đường hơn 600km, đến 20 giờ 30 đêm hôm đó em đã về tới ngôi nhà thân yêu của mình, nơi em cất tiếng khóc chào đời và nơi 31 năm em đã rời xa đi chiến đấu vì dân, vì nước. Một không khí hân hoan và xúc động trào dâng trong tình thân thương bao la không bút nào tả hết được.

Ngày em ra đi, lúc cuộc chiến đấu giữa ta và địch đang diễn ra quyết liệt. Kẻ đi, người ở diễn ra đơn giản như một lẽ thường tình bởi khi đất nước chiến tranh. Thì hôm nay, đón em trở về đất mẹ, đất nước đã thanh bình. Em trở về trong vòng tay yêu thương, chào đón của anh em, họ hàng, làng xóm, bạn bè, bằng hữu. Nếu có linh thiêng, chắc rằng cha mẹ, tổ tiên từ “trên cao” cũng thấy ấm lòng, mãn nguyện và em hẳn cũng sẽ tự hào vì đã làm tròn bổn phận của “trai thời loạn”, để hôm nay được về an nghỉ nơi đất mẹ thân thương.

Lễ đón hài cốt và truy điệu em được diễn ra trọng thể tại nghĩa trang quê nhà với sự có mặt của đại diện lãnh đạo huyện, xã, các ban, ngành, đoàn thể, bạn bè, đồng đội và nhân dân địa phương. Trong tiếng nhạc “hồn tử sĩ” trầm hùng của buổi lễ, một không khí trang nghiêm, xúc động. Mọi người như lặng đi, như lạc vào cõi linh thiêng.

Hoàn thành trọn vẹn cuộc hành trình đón em về quê nhà, tôi như được cởi mở tâm hồn, thanh thản, nhẹ nhõm bởi đã thực hiện được ước nguyện của mẹ, cha, gia đình, bè bạn. Cũng có lúc tôi tự hỏi mình, động lực nào đã giúp tôi vượt qua được khó khăn, trở ngại trước, trong và sau chuyến đi hàng tháng trời, căng thẳng đến mất ăn, mất ngủ mà vẫn đủ sức chịu đựng? Phải chăng, linh hồn em vẫn theo sát bên tôi phù hộ, chở che, tiếp cho tôi luồng sinh khí mới, hướng cho tôi những việc cần làm, để công việc “đón em về” gặp may mắn gần như tuyệt đối. Giờ đây em yên nghỉ dưới hàng cây xanh mát, nơi nghĩa trang linh thiêng ấm áp, có bao người đồng đội ở bên nhau cùng nghe khúc ru của mẹ từ trong lòng đất vọng về...

Bút ký của NGUYỄN TÂN CHÍNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/don-em-ve-627727