Đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, 29/30 quận, huyện, thị xã của TP. Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được trên 2.769 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 12 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 1.485 sản phẩm đạt 4 sao và 1.266 sản phẩm đạt 3 sao. Dù trở thành đầu tàu trong thực hiện chương trình OCOP, song việc tiêu thụ các sản phẩm vẫn còn những khó khăn nhất định. Do đó, Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp để sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực địa phương và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM). Chương trình ra đời với 3 mục tiêu: phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

 Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp xúc tiến thương mại để sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Linh

Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp xúc tiến thương mại để sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Linh

Tại Hà Nội, sau gần 5 năm triển khai, đến nay, 29/30 quận, huyện, thị đã đánh giá, phân hạng được trên 2.769 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 12 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 1.485 sản phẩm đạt 4 sao và 1.266 sản phẩm đạt 3 sao. Hiện, nhiều sản phẩm OCOP của Hà Nội đã có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước, được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận. Kết quả này là nhờ cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội đã chung tay thực hiện nhiều giải pháp xúc tiến thương mại với những hình thức đa dạng, đem lại hiệu quả thiết thực.

Xác định xúc tiến thương mại là then chốt để mở rộng thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm OCOP, thời gian qua, Sở NN - PTNT Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố lồng ghép các nguồn kinh phí để đẩy mạnh truyền thông về Chương trình OCOP. Sau khi chứng nhận sản phẩm OCOP, thành phố tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Sở NN - PTNT đã tham mưu UBND thành phố tổ chức các sự kiện công bố quyết định công nhận sản phẩm OCOP kết hợp trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP; Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội; tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, các tỉnh đồng bằng Nam Bộ.

Ngoài ra, TP. Hà Nội còn tổ chức đoàn giới thiệu sản phẩm OCOP tại các chương trình xúc tiến thương mại ở trong và nước ngoài. Qua đó, sản phẩm OCOP thành phố đã được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn. Thành phố Hà Nội đã khai trương, đưa vào hoạt động 105 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn các quận, huyện, thị.

Chia sẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị” vừa qua, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, hiện nay hạ tầng thương mại của TP. Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ với nhiều hệ thống phân phối lớn, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích, cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và các sàn thương mại điện tử. Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tổ chức hoạt động bán hàng lưu động, các phiên chợ Việt, hội chợ hàng Việt, tuần hàng Việt, tuần sản phẩm OCOP, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm Việt; các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư. Đặc biệt, tổ chức hội nghị liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các kênh phân phối, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP của thành phố đã mở rộng được kênh tiêu thụ, đến gần hơn với người tiêu dùng.

Đồng hành từ hệ thống siêu thị

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, mặc dù TP. Hà Nội đã có những giải pháp hỗ trợ chủ thể, nhưng việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định: sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở, kinh doanh còn thấp, thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu dẫn đến năng suất, chất lượng, số lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế. Vì vậy, việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn.

Thời gian tới, các sở, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội tiếp tục phối hợp tổ chức có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị giao thương, hội chợ, triển lãm, tuần hàng... để đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP giới thiệu đến người tiêu dùng, kết nối vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm; tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại, tạo địa điểm bán, trao đổi hàng hóa, sản phẩm OCOP cố định giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất có nơi trao đổi, mua bán hàng hóa thường xuyên; phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP rộng khắp trên địa bàn thành phố để người tiêu dùng nhận diện, ưu tiên trong quá trình mua sắm.

Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) Phạm Thị Lý, HTX Tiên Dương có 4 sản phẩm được công nhận OCOP, chủ yếu là sản phẩm rau hữu cơ, cùng các sản phẩm dược liệu như trà hoa vàng và một số dược liệu bảo hộ được bản quyền giống. Mặc dù chất lượng sản phẩm rau ăn lá của HTX được người tiêu dùng đánh giá cao, tuy nhiên do huyện Đông Anh đang trong quá trình lên quận nên HTX phải đối mặt với khó khăn do toàn bộ vùng trồng rau đều trong quy hoạch. Hiện, HTX không thể sản xuất đủ số lượng để đưa vào các siêu thị. “Năm nay, HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương đã phải đầu tư liên kết với một số địa phương lân cận để có nguồn trồng ổn định nhằm bảo đảm nguồn cung, chất lượng đầu ra của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các siêu thị”.

Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (Mê Linh) Đàm Văn Đua chia sẻ: HTX Đông Cao canh tác trên diện tích 200ha với sản lượng rau 60.000 tấn/năm. Mặc dù TP. Hà Nội đã có hệ thống siêu thị hiện đại nhưng hiện việc tiêu thụ rau của HTX chủ yếu thông qua các thương lái của hệ thống chợ truyền thống Hà Nội và các tỉnh. Quá trình đưa sản phẩm rau xanh đạt tiêu chuẩn OCOP vào hệ thống siêu thị tiêu thụ gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo quản, vận chuyển. “Để tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ, HTX đang phối hợp với doanh nghiệp Hàn Quốc để chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Chúng tôi rất mong cơ quan quản lý hỗ trợ trong việc tiếp cận đối tác chế biến quốc tế; đồng thời, đề nghị Sở Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp dán tem nhãn sản phẩm OCOP khi đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ, qua đó HTX có thể chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm”.

Bám sát tình hình thực tế, đồng hành cùng doanh nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội đã và đang thực hiện nhóm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị. Đó là tuyên truyền quảng bá sâu rộng các vùng sản xuất, sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên tiến hành rà soát danh mục sản phẩm OCOP cần kết nối vào các kênh phân phối; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối để tổ chức kết nối, tiêu thụ theo nhu cầu.

Bên cạnh đó, ngành công thương Hà Nội tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP như: triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, trưng bày, kết nối trên các sàn giao dịch thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP; khuyến nghị các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm ký kết hợp đồng lâu dài về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP cho các đơn vị sản xuất để yên tâm sản xuất bảo đảm số lượng, chất lượng; hướng dẫn các đơn vị cung ứng sản phẩm OCOP đưa ra các dòng sản phẩm phù hợp mẫu mã, thị hiếu người tiêu dùng, ưu tiên đẩy mạnh kết nối sản phẩm có bao gói thân thiện với môi trường.

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội.

Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dua-san-pham-ocop-den-voi-nguoi-tieu-dung-post391553.html