Đường tắc vì… cầu

Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM đầu tư xây dựng thêm 3 cây cầu nhằm xóa cầu yếu và để đi lại thông suốt trên tuyến đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Cầu Lê Văn Sỹ chưa có đường chui ở dưới nên người dân chưa thể đi một mạch từ đầu đến cuối tuyến đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Tấn Thạnh

Theo Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 1 - Sở GTVT TPHCM, việc cải tạo tuyến đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến Nguyễn Hữu Cảnh sẽ hoàn thành vào tháng 9-2012. Khi đó, cùng với đoạn đường từ hợp lưu đến cầu Lê Văn Sỹ đã được cải tạo trước kia, toàn bộ đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Hoàng Sa và Trường Sa) dài 10 km sẽ có một diện mạo khang trang nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, do một số cây cầu trên tuyến nằm chắn ngang nên người dân chưa thể đi một mạch từ đầu đến cuối tuyến đường.

Bảy cây cầu chắn lối

Đường Trường Sa, Hoàng Sa từ cầu Lê Văn Sỹ đến cầu Thị Nghè có 9 cây cầu bắc ngang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, gồm: Lê Văn Sỹ, Công Lý, Kiệu, Trần Khánh Dư, Hoàng Hoa Thám, Bông, Bùi Hữu Nghĩa, Điện Biên Phủ, Thị Nghè. Trong đó, cầu Công Lý và cầu Hoàng Hoa Thám mới được xây lại gần đây có đường chui dưới cầu cho phép người dân đi lại.

Ở 7 cây cầu còn lại đa phần chỉ có đường kết nối vòng lên cầu hoặc nối thông với các tuyến đường gần đó chứ không thể đi thẳng. Chẳng hạn, đường Trường Sa và Hoàng Sa kết nối với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (cầu Thị Nghè); kết nối với đường Điện Biên Phủ (cầu Điện Biên Phủ) hoặc kết nối đường Hoàng Sa bằng đường hẻm với đường Hai Bà Trưng (cầu Kiệu). Như vậy, theo Sở GTVT, để giao thông được liên tục trên đường Trường Sa, Hoàng Sa cần kết nối giao thông tại các cầu Lê Văn Sỹ, Kiệu, Trần Khánh Dư, Bông, Bùi Hữu Nghĩa, Điện Biên Phủ, Thị Nghè.

600 tỉ đồng xây mới 3 cây cầu

Với nhận định trên, Sở GTVT đưa ra 2 phương án để kết nối thông suốt đường Trường Sa, Hoàng Sa. Theo đó, phương án 1 đưa ra giải pháp vuốt nối đường Trường Sa, Hoàng Sa lên đường đầu cầu các cây cầu bắc ngang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đồng thời kết nối với các trục đường ngang kênh (giao cắt đồng mức). Với phương án này có thể tận dụng đường hiện tại và mở rộng mặt đường ở cầu Lê Văn Sỹ, Trần Khánh Dư, Điện Biên Phủ, Thị Nghè, đồng thời nâng mặt đường Trường Sa, Hoàng Sa để nối vào đường đầu cầu Bông và cầu Kiệu.

Đối với cầu Bùi Hữu Nghĩa, do có rạch cầu Bông nên phải xây cầu mới bắc qua rạch. Tuy nhiên, phương án này có thể gây ùn tắc giao thông tại các đầu cầu, không cải thiện được tĩnh không thông thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và có thể phải giải tỏa thêm nhà dân để làm đường dân sinh.

Phương án 2, Sở GTVT kiến nghị giữ nguyên các cây cầu hiện hữu, chỉ làm đường chui 2 đầu cầu, tương tự việc “khoét lỗ” phía dưới 2 đầu cầu. Phương án này có mức đầu tư vừa phải, tạo ra giao thông thuận lợi nhưng do mặt đường chui thấp hơn mực nước triều cường nên phải bố trí hệ thống máy bơm thoát nước làm tăng chi phí duy tu, khai thác hằng năm. Vì vậy, Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM chọn phương án làm cầu mới và xây dựng đường chui 2 đầu cầu. Theo đó, các cây cầu được đề nghị làm mới gồm: Lê Văn Sỹ, Kiệu, Bông, Thị Nghè; giữ nguyên hiện trạng ở khu vực cầu Điện Biên Phủ, Bùi Hữu Nghĩa, mở rộng mặt đường ở cầu Trần Khánh Dư. Phương án này tuy có tổng mức đầu tư cao nhưng xóa được cầu cũ, cầu yếu vốn được xây dựng từ trước năm 1975 và cải thiện được tĩnh không thông thuyền trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè.

Cũng do nguồn vốn ngân sách TP còn eo hẹp nên thay vì xây mới 4 cây cầu, Sở GTVT chỉ kiến nghị xây mới 3 cây cầu: Lê Văn Sỹ, Bông, Kiệu. Kinh phí khoảng 600 tỉ đồng, dự kiến mỗi cây cầu sẽ được hoàn thành sau 18 tháng thi công. Khi có điều kiện sẽ tiếp tục nghiên cứu hướng giải quyết triệt để hơn.

35 cây cầu cần sửa chữa

Theo danh mục các cây cầu có nhiều xe tải nặng lưu thông trên địa bàn TPHCM, có 35 cầu bị hư hỏng cần sửa chữa. Các cây cầu này đều cần phải được thay thế khe co dãn, thay lớp nhựa mặt cầu, sửa chữa đường vào cầu, hệ thống dầm cầu, kết cấu thép. Trong danh mục này có 5 cây cầu có tải trọng từ 13-20 tấn bị xuống cấp, đề nghị thay thế bằng cầu mới hoặc có lộ trình nâng cấp tải trọng, gồm các cầu: Bông, Thị Nghè, Lê Văn Sỹ, Trần Quang Diệu, Kiệu.

Ánh Nguyệt

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20120415094817705p0c1002/duong-tac-vi-cau.htm