Giá đắt của tận diệt môi trường

Ngày 25-8, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, để điều tra về những sai phạm liên quan vụ án vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát của Công ty CP Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 tại mỏ cát trên địa bàn xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Trước đó, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam 18 đối tượng, trong đó có ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang.

Công ty Trung Hậu được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác cát trên sông Tiền với tổng khối lượng hơn 1,5 triệu m3 để cung cấp cho 4 công trình quan trọng trên địa bàn An Giang và các tuyến cao tốc tại ĐBSCL. Tuy nhiên, công ty này tổ chức khai thác hơn 4,7 triệu m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu m3, có trị giá tạm tính khoảng 253 tỉ đồng và bỏ ngoài sổ sách, không khai báo, không nộp nghĩa vụ tài chính đối với số cát khai thác vượt giấy phép này…

Tình trạng khai thác cát bất chấp ảnh hưởng môi trường, hủy hoại các dòng sông đã đem đến hậu quả nhãn tiền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản nhân dân và tài nguyên quốc gia, làm hao tốn ngân sách để khắc phục các sự cố, bảo vệ môi trường. Những vụ sạt lở bờ sông, hư hại nhà dân, đường sá xảy ra nhiều nơi ở ĐBSCL thời gian qua có một phần nguyên nhân từ tình trạng khai thác cát theo kiểu tận diệt môi trường, làm ảnh hưởng kết cấu lòng sông, ảnh hưởng dòng chảy, gây ra nhiều hiểm họa cho môi trường và đời sống người dân.

Ngay tại An Giang, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 70 vụ sạt lở, rạn nứt, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch (tăng gần 3 lần so cùng kỳ năm 2022), với tổng chiều dài 3.391 m, ảnh hưởng 95 căn nhà... Toàn tỉnh có 13.070 hộ với 51.080 nhân khẩu sống trong vùng chịu rủi ro thiên tai cao phải di dời. Tỉnh An Giang đề nghị trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí xử lý các khu vực sạt lở và đầu tư xây dựng cụm, tuyến để di dời dân cư bị ảnh hưởng sạt lở, thiên tai với 14 dự án (11 dự án kè, 3 cụm tuyến dân cư), kinh phí hơn 2.200 tỉ đồng.

Việc khởi tố, bắt giam, điều tra vụ án trên là một bài học cho những kẻ hám lợi mà hủy hoại tài nguyên đất nước, làm giàu bất chính, bất chấp hậu quả gây ra cho đất nước, cho nhân dân. Hiện trên đất nước ta, tình trạng khai thác cát theo kiểu tận diệt như ở An Giang hầu như xảy ra trên khắp 3 miền, người dân ở những nơi đó chịu nhiều thiệt hại và kêu cứu nhiều lần với cơ quan chức năng. Không ít đại biểu Quốc hội đã mạnh mẽ bày tỏ tại nghị trường, nhưng tình hình chậm cải thiện, chỉ có một số vụ án hình sự được khởi tố, điển hình như năm 2020, Công an Hà Nội khởi tố, bắt giam 15 đối tượng. Nay với vụ án, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đang tiến hành, người dân mong chờ cơ quan chức năng sẽ đưa ra mức xử lý nghiêm minh để từ đó làm gương cho các địa phương khác.

Hãy nhớ, đối xử tệ với môi trường thì không ai khác, chúng ta hôm nay và con cháu chúng ta mai sau là những người phải chịu những hậu quả tàn khốc nhất.

HOÀNG HOA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/gia-dat-cua-tan-diet-moi-truong-20230825221610576.htm