Giải bài toán căn cơ để Hà Nội bớt ùn tắc giao thông

Áp lực giao thông ở Hà Nội đã và đang tồn tại hàng chục năm nay và chủ trương xén dải phân cách, vỉa hè để mở rộng đường cho xe lưu thông chỉ là giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài, nhiều người lo ngại Hà Nội sẽ chẳng còn nhiều tuyến đường có dải phân cách, vỉa hè đủ rộng để xén nếu không có những giải pháp lâu dài, căn cơ.

Đường chật, xe đông vào đầu giờ đi làm buổi sáng, người đi xe máy không còn cách nào khác đành phải chiếm làn BRT, lúc này buýt nhanh cũng thành buýt... chậm

Đường chật, xe đông vào đầu giờ đi làm buổi sáng, người đi xe máy không còn cách nào khác đành phải chiếm làn BRT, lúc này buýt nhanh cũng thành buýt... chậm

Chi 225 tỷ đồng xén vỉa hè, dải phân cách 7 tuyến đường

Cuối năm 2021, nhiều người thường xuyên lưu thông trên đường Hoàng Quốc Việt tỏ ra tiếc nuối hàng cây xanh có tuổi đời hàng chục năm buộc phải di dời khi Hà Nội tiến hành xén dải phân cách để mở rộng đường.

Nhưng Hoàng Quốc Việt không phải là con đường đẹp duy nhất của Hà Nội bị xén dải phân cách để mở rộng đường. Chủ trương này được ngành chức năng Thủ đô thực hiện từ năm 2015. Từ đó đến nay, nhiều tuyến đường buộc phải xén dải phân cách để mở rộng cho phương tiện lưu thông, hạn chế ùn tắc, có thể kể đến như Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai, Phạm Hùng, Trần Duy Hưng...

Mới đây, tháng 8/2024, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục đề xuất Thành phố chi 225 tỷ đồng (thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2027) để xén vỉa hè và dải phân cách tại các vị trí phù hợp trên 7 tuyến đường chính của thành phố, gồm: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Khuất Duy Tiến. Điểm chung của 7 trục đường này đều là những tuyến có mật độ phương tiện giao thông đông, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Có một nghịch lý đang diễn ra là trong khi cơ quan chức năng và chính quyền thành phố đã và đang triển khai hoặc đề xuất nhiều giải pháp để hạn chế ùn tắc giao thông thì các cao ốc, chung cư cao tầng vẫn mọc lên cạnh những tuyến đường trung tâm.

Dư luận cũng nhiều lần đặt câu hỏi về tính hiệu quả của tuyến buýt BRT trên trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ. Vào giờ cao điểm, người đi xe máy không còn cách nào khác phải nhào vào làn BRT, án ngữ trước đầu những chiếc xe buýt nhanh. Lúc này thì buýt nhanh cũng thành buýt chậm.

Không cần phải kiến thức cao siêu để nhận ra tính hiệu quả của tuyến buýt nhanh, nhưng nó vẫn tồn tại, từ năm này qua năm khác. Trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ vẫn ngày ngày điệp khúc ùn và tắc.

Xén dải phân cách, vỉa hè chỉ là một trong rất nhiều giải pháp được TP. Hà Nội triển khai trong những năm qua để chống ùn tắc

Xén dải phân cách, vỉa hè chỉ là một trong rất nhiều giải pháp được TP. Hà Nội triển khai trong những năm qua để chống ùn tắc

Loay hoay triển khai giải pháp căn cơ, chống ùn tắc lâu dài

Xén dải phân cách, vỉa hè chỉ là một trong rất nhiều giải pháp được TP. Hà Nội triển khai trong những năm qua để chống ùn tắc và chủ trương này nằm trong Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo ATGT trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, được HĐND TP. Hà Nội khóa XVI thông qua vào tháng 12/2021. Tổng kinh phí để thực hiện chương trình này là hơn 1.865 tỷ đồng và được phân bổ theo từng năm từ ngân sách thành phố, trong đó năm 2024 kinh phí là 425,8 tỷ đồng.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, Hà Nội mới chỉ đang giải quyết phần ngọn, ngắn hạn, trong khi vấn đề mấu chốt là quy hoạch, đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông cùng với lộ trình di dời trụ sở các bộ, ngành, trường đại học ra khỏi nội đô lại chậm được triển khai.

Một trong những mục tiêu chính của 6 đồ án quy hoạch phân khu tại 4 quận lõi nội đô Hà Nội là kéo dân số khu vực này giảm 215.000 người từ nay đến năm 2030. Thời điểm 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử (bao trùm 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) được UBND TP. Hà Nội phê duyệt (tháng 3/2021), theo rà soát của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, có 28 cơ quan bộ, ngành Trung ương nằm tại khu vực nội đô lịch sử giới hạn từ bờ Nam sông Hồng đến đường Vành đai 2, trên địa bàn 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ (không tính đến cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội ở trung tâm Ba Đình). Đến nay, nhiều cơ quan đã được cấp thẩm quyền chấp nhận chủ trương đề xuất di dời nhưng chủ trương này vẫn trì trệ suốt nhiều năm qua.

Trong khi đó, đối với hơn 20 trường đại học, cao đẳng ở 4 quận lõi trung tâm, đến nay những cơ sở giáo dục này di dời cũng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thực chất, việc di dời cơ sở, trụ sở này đã có trong quy hoạch năm 1998. Sau đó, quy hoạch năm 2011 cũng tái khẳng định. Vừa rồi, Bộ Xây dựng đã thống nhất xây dựng khu trụ sở Trung ương các cơ quan. Ngoài ra, sau năm 2011, Thủ tướng có chỉ đạo xác định lộ trình và đề xuất đến năm 2025 phải hoàn tất việc di dời cơ sở không phù hợp ra khỏi nội đô, nhưng đến nay chưa thực hiện được hoặc tiến độ rất chậm.

Việc trụ sở Đại học Quốc gia Hà Nội chuyển về Hòa Lạc tạo tiền đề để các trường đại học, bộ, ngành… di chuyển, góp phần giảm áp lực giao thông cho nội đô. (Trong ảnh: Một góc khuôn viên Hòa Lạc của Đại học Quốc gia Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thành)

Việc trụ sở Đại học Quốc gia Hà Nội chuyển về Hòa Lạc tạo tiền đề để các trường đại học, bộ, ngành… di chuyển, góp phần giảm áp lực giao thông cho nội đô. (Trong ảnh: Một góc khuôn viên Hòa Lạc của Đại học Quốc gia Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thành)

Mới đây, tại Kết luận số 80-KL/TƯ ngày 24/5/2024 về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Bộ Chính trị nêu rõ yêu cầu Hà Nội có lộ trình và cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở sản xuất, y tế không phù hợp quy hoạch; chuyển các trường đại học, trụ sở các cơ quan, doanh nghiệp lớn ra ngoài khu vực nội đô; có phương án mở rộng không gian phát triển sang phía Bắc sông Hồng, đồng thời tiến hành cải tạo, tái thiết đô thị để nâng cao chất lượng, điều kiện sống, an toàn cho người dân.

Trước đó, tháng 4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030. Theo Đồ án, hệ thống trụ sở mới này sẽ là nơi làm việc của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ và 6 cơ quan Trung ương của các đoàn thể. Đồ án quy hoạch này gồm 2 bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại hai khu vực là Mễ Trì và Tây Hồ Tây.

Theo quy hoạch phát triển GTVT TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519 ngày 31/3/2016, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt từ 20 - 26%. Nhưng thực tế hiện nay tỷ lệ này mới đạt khoảng trên 12,1%. Nguyên nhân là do nhiều dự án đường vành đai, đường xuyên tâm trên địa bàn Thủ đô hiện còn chậm tiến độ.

Theo tìm hiểu của Tạp chí GTVT, Bộ Xây dựng mới đây đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc Khu trụ sở bộ, ngành Trung ương tại Hà Nội, theo đó có nêu chi tiết vị trí cụ thể, chiều cao công trình... của 36 trụ sở bộ, ngành. Khu đất quy hoạch được duyệt trong Đồ án quy hoạch trụ sở bộ, ngành Trung ương tại Tây Hồ Tây thuộc địa giới hành chính phường Xuân La (quận Tây Hồ) và phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội). Quy mô khu đất trong Đồ án quy hoạch được duyệt là khoảng 35 ha. Trong đó, 20,7 ha thuộc phường Xuân La (quận Tây Hồ) và 14,3 ha thuộc phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm).

Trong khu đất được quy hoạch khoảng 35 ha bố trí đất xây dựng trụ sở các cơ quan (12 cơ quan, 1 cơ quan dự trữ); đất công trình dịch vụ, công cộng; đất cây xanh, quảng trường, công viên, cầu vượt, mặt nước và đất đường giao thông. Đất xây dựng trụ sở, cơ quan với số người làm việc khoảng 14.500 người.

Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, một trong những nguyên nhân của việc các bộ, ngành chậm di dời và giao lại đất cho Hà Nội quản lý, sử dụng là do đang vướng ở Luật Đất đai. Vì khi được giao đất có thời hạn, các bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học… có toàn quyền sử dụng, khai thác, dù đã được Hà Nội bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở mới. Do đó, theo ông Nghiêm, Hà Nội cần một cơ chế đặc thù để có thể sớm thu hồi đất sau khi các đơn vị di dời. "Có cơ chế đặc thù thì việc phân khu đô thị nội đô theo quy hoạch mới có thêm những yếu tố thuận lợi để giải quyết vấn đề quy hoạch phức tạp hiện nay như giãn dân, bổ sung quỹ đất cho phát triển hạ tầng, xây dựng các công trình công cộng, không gian xanh, giảm ùn tắc giao thông...", TS. Đào Ngọc Nghiêm nêu ý kiến.

Còn GS. TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội nhận định, sở dĩ việc di chuyển trụ sở bộ, ngành, trường đại học ra khỏi nội đô chậm do đầu tư hạ tầng phát triển ở cơ sở mới, hạ tầng kết nối giao thông chưa thật sự đồng bộ để có thể kết nối hoạt động của các bộ, ngành. Ngoài ra, đâu đó vẫn còn tâm lý chờ đợi giữa các bộ, ngành nên chưa tạo ra quyết tâm cao. "Trách nhiệm trong việc di dời trụ sở bộ, ngành, trường đại học đến từ hai phía, trong đó ngành Xây dựng quy hoạch địa điểm di chuyển và đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ở khu vực này", ông Cường cho hay.

Bình Minh

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/giai-bai-toan-can-co-de-ha-noi-bot-un-tac-giao-thong-183240919153639678.htm