Giải pháp nào cho hòa bình ở Libya?

Cuộc xung đột kéo dài ở Libya đang kéo theo những nguy cơ đẩy quốc gia Bắc Phi này tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng. Các vụ tiến công nhằm vào những cơ sở sản xuất dầu mỏ đe dọa ngành kinh tế vốn là xương sống của nước này. Số dân thường chết và bị thương do xung đột gia tăng là nguyên nhân khiến cộng đồng quốc tế lo ngại có thể xảy ra thảm họa nhân đạo.

Một cơ sở sản xuất dầu mỏ ở Libya. Ảnh: NHẬT BÁO PHỐ WALL

Một cơ sở sản xuất dầu mỏ ở Libya. Ảnh: NHẬT BÁO PHỐ WALL

Công ty Dầu khí quốc gia Libya (NOC) cho biết, đã nối lại hoạt động sản xuất tại mỏ dầu Al-Sharara lớn nhất nước này cũng như hoạt động tiếp nhận dầu thô tại cảng dầu quan trọng Zawiya thuộc quyền kiểm soát của chính phủ. Những hoạt động này đã bị gián đoạn sau khi đường ống nối giữa mỏ dầu và cảng dầu nêu trên bị cắt đứt bởi các cuộc tiến công. Đường ống dẫn dầu bị một nhóm chưa xác định danh tính đóng van một cách bất hợp pháp. Mỏ dầu Al-Sharara nằm cách thủ đô Tripoli khoảng 900 km về phía nam có công suất 315 nghìn thùng/ngày, tương đương gần một phần ba sản lượng dầu thô của Libya. Mỏ dầu này thường xuyên là mục tiêu tiến công của các nhóm vũ trang. NOC từng tuyên bố tình huống “bất khả kháng” tại Al-Sharara vào cuối năm ngoái sau khi mỏ dầu bị một nhóm vũ trang chiếm giữ. Sau đó, mỏ dầu này chỉ được nối lại hoạt động khi quân đội miền đông giành quyền kiểm soát vào tháng 2-2019.

Hành động cố ý phá hoại các đường ống dẫn dầu và cơ sở sản xuất dầu mỏ ở Libya đã gây tổn thất doanh thu của quốc gia cũng như nguồn cung cấp năng lượng quan trọng hằng ngày cho người dân. Việc đình trệ sản xuất dầu mới đây đã khiến Libya thiệt hại khoảng 19 triệu USD từ xuất khẩu dầu mỗi ngày. Xuất khẩu dầu mỏ vốn mang lại nguồn thu chính cho Libya, quốc gia có trữ lượng dầu thô được chứng minh lớn nhất châu Phi. Các giếng dầu, đường ống và cảng dầu thường xuyên bị các nhóm vũ trang tiến công, chiếm giữ để đưa ra những yêu sách về chính trị hoặc tiền bạc.

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo M.Gaddafi, Libya hiện vẫn rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực. Ở quốc gia Bắc Phi này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Lực lượng của Tướng K.Haftar ủng hộ chính quyền ở miền đông, trong khi Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn. Hồi đầu tháng 4 vừa qua, lực lượng của Tướng K.Haftar đã tiến công thủ đô Tripoli nhằm giành quyền kiểm soát từ GNA. Giao tranh đã khiến hơn 1.000 người chết và hơn 5.500 người bị thương.

Lo ngại về khả năng bùng phát một cuộc nội chiến mới cũng như thảm họa nhân đạo tại Libya, các nước Pháp, Anh, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Mỹ và Italy mới đây đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch chung quanh thủ đô của Libya và cảnh báo những âm mưu của các nhóm khủng bố lợi dụng khoảng trống chính trị và an ninh ở quốc gia Bắc Phi này. Trong một tuyên bố chung, sáu quốc gia này đã nhắc lại lo ngại sâu sắc của họ về các hành động thù địch đang tiếp diễn ở Tripoli và kêu gọi ngay lập tức giảm căng thẳng, chấm dứt các cuộc giao tranh hiện nay, đồng thời thúc giục các bên xung đột nhanh chóng quay trở lại các tiến trình chính trị dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Trong lúc Liên hợp quốc nỗ lực thúc đẩy các cuộc đối thoại ở Libya, cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên tham chiến ở Libya chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, con đường hòa bình cho Libya còn đầy chông gai bởi sự hậu thuẫn từ bên ngoài dành cho các bên đối địch ở Libya khiến tình hình quốc gia này vô cùng phức tạp.

HÀ LÂM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/41193202-giai-phap-nao-cho-hoa-binh-o-li-bi.html