Giáo dục Môi trường học đường hạnh phúc

TTH - Trường học hạnh phúc hiện đã trở thành một từ khóa quen thuộc và quan trọng của ngành giáo dục. Thế nhưng, làm thế nào để xây dựng môi trường học đường hạnh phúc trên thực tế không dễ.

Học sinh nêu ý kiến tại chương trình đối thoại học đường

Học sinh nêu ý kiến tại chương trình đối thoại học đường

Từ chương trình đối thoại học đường

Đầu năm học 2021- 2022, Trường THPT Hai Bà Trưng tổ chức chương trình “Đối thoại học đường vì môi trường học đường hạnh phúc”. Tại buổi đối thoại, học sinh đặt ra nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề mà lãnh đạo nhà trường, các thầy cô giáo không khỏi trăn trở, như: Chúng em mong muốn sau mỗi học kỳ nhà trường có thể khảo sát học sinh về các giáo viên (dạy như thế nào, chất lượng ra sao, tốt hay không); đối với những học sinh có học lực yếu, kém thì nhà trường có hình thức hỗ trợ, giúp đỡ như thế nào?...

Qua đối thoại, học sinh đã chỉ ra những tồn tại trong công tác dạy và học mà chính các em là người cảm nhận rõ nhất, đồng thời đưa ra những đề xuất, hướng giải quyết cho nhà trường phù hợp với nguyện vọng của các em… Việc lắng nghe trực tiếp ý kiến từ học sinh mang đến cho lãnh đạo nhà trường, thầy cô không chỉ những bài học thực tiễn mà còn giúp họ có cái nhìn cụ thể, kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác quản lý và giáo dục của mình. Qua đối thoại, phụ huynh lắng nghe được suy nghĩ, mong muốn của con em mình, từ đó phối hợp chặt chẽ với nhà trường giáo dục các em có hiệu quả, để các em thực sự hạnh phúc trong ngôi nhà thứ hai của mình.

Cần tin cậy, lắng nghe, thấu hiểu

Chương trình đối thoại học đường được Trường THPT Hai Bà Trưng tổ chức đầu mỗi năm học trong 3 năm qua. Thực tế cho thấy, các em học sinh rất vui khi được ban giám hiệu, các thầy cô giáo quan tâm giải quyết, tháo gỡ những băn khoăn; được đại diện cha mẹ học sinh, được thầy cô chủ nhiệm và đại diện các tổ chức đoàn thể lắng nghe.

Sau buổi đối thoại, Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo thực hiện ngay những yêu cầu chính đáng của học sinh trong khả năng của nhà trường. Một số vấn đề lớn hơn được đưa ra trong hội nghị cán bộ công chức - viên chức để bàn bạc, giải quyết. Những mong muốn của học sinh liên quan đến Đoàn Thanh niên, các tổ chuyên môn được nhà trường chỉ đạo thực hiện trong suốt năm học với các hoạt động ngoại khóa, hội thi... phong phú, đa dạng. Các câu lạc bộ, đội, nhóm được quan tâm tạo điều kiện để các em tham gia sinh hoạt, vừa tạo sân chơi bổ ích cho các em vừa giúp các em phát triển năng lực, sở thích và rèn luyện kỹ năng sống.

“Đối thoại học đường” là một trong những hoạt động thiết thực để lãnh đạo nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh và học sinh có cơ hội gần gũi, gắn bó với nhau sau những giờ học trên lớp. Đây cũng là một trong những yêu cầu mới góp phần hình thành môi trường học thân thiện, học sinh tích cực, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc.

Để tạo được các diễn đàn cho học sinh, nhà trường phải tôn trọng quyền được bày tỏ ý kiến; quyền được tham gia... của các em. Thầy cô giáo phải luôn thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của học sinh, giúp các em tin tưởng, mạnh dạn bày tỏ quan điểm, suy nghĩ. Đối với giáo viên bộ môn, bên cạnh những bài giảng có “lửa” vẫn chưa đủ. Để hiểu các em, đòi hỏi giáo viên không chỉ tâm huyết, nhiệt tình, có trách nhiệm mà còn phải có năng lực, có phương pháp dạy hiệu quả, khả năng quan sát, gần gũi và tận tình với các em. Đối với giáo viên chủ nhiệm, việc làm “mẹ” của hơn 40 đứa con ở mỗi lớp học là một áp lực không hề nhỏ. Mỗi một học sinh có một tính cách khác nhau nên phương pháp giáo dục cho mỗi em cũng phải khác.

Tại Trường THPT Hai Bà Trưng, Trưởng ban tư vấn tâm lý học sinh là thành viên của ban giám hiệu nhà trường và là người luôn đồng hành với giáo viên chủ nhiệm để tìm giải pháp giáo dục đối với những trường hợp học sinh cá biệt, học sinh gặp khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống. Giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý học sinh trong nhà trường không chỉ đòi hỏi có kỹ năng tư vấn mà còn phải nhiệt tình, yêu thương, có trách nhiệm cao đối với học sinh. Chỉ khi giáo viên được học sinh yêu mến, tin tưởng, các em mới dám chia sẻ những khó khăn, những vấn đề khó giải quyết trong cuộc sống. Việc phòng tư vấn được mở cửa thường xuyên tạo cho học sinh cảm giác yên tâm, nhưng không phải khi nào gặp vướng mắc tâm lý, các em cũng đến phòng tư vấn, nhiều em ngại không dám thổ lộ. Vì vậy, trong nhà trường cần xây dựng hộp thư “Điều em muốn nói”, ban tư vấn cần cung cấp số điện thoại nóng để bất cứ lúc nào các em cần đều có thầy cô bên cạnh để tư vấn, chia sẻ, giúp các em giải quyết những vướng mắc.

Điều quan trọng không chỉ dừng lại ở việc lắng nghe học sinh chia sẻ, kiến nghị hay đề xuất mà những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của các em phải được lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo cùng các ban, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường hành động để đáp ứng, trả lời, giải quyết thấu đáo những vấn đề mà học sinh đặt ra.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hoa Phượng

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/moi-truong-hoc-duong-hanh-phuc-a106360.html