Giáo dục nghề nghiệp: Một năm vượt khó nâng tầm kỹ năng lao động Ninh Bình

Năm 2021, trước những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tỉnh Ninh Bình đã linh hoạt thích ứng và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Quan trọng hơn nữa, công tác đào tạo nghề đã góp phần nâng tầm kỹ năng lao động của tỉnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Giờ thực hành của sinh viên Khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Cơ điện, Xây dựng Việt - Xô.

Giờ thực hành của sinh viên Khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Cơ điện, Xây dựng Việt - Xô.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với mục tiêu thích ứng an toàn, duy trì chuỗi cung ứng lao động và các hoạt động chuyên môn, ngay từ đầu năm, với tinh thần sáng tạo, đổi mới và linh hoạt, các cơ sở đào tạo nghề đã triển khai các giải pháp thiết thực, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, công tác đào tạo nghề năm 2021 vẫn hoàn thành 100% kế hoạch được giao.

Ông Phạm Ngọc Vũ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện, Xây dựng Việt- Xô cho biết: Với vai trò là cơ sở đào tạo, cung ứng nhân lực, nhà trường cũng như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác đã phát huy nội lực, chủ động triển khai các biện pháp để duy trì hoạt động đào tạo.

Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc tuyển sinh của nhà trường trở nên khó khăn hơn khi không thể tổ chức được các buổi tư vấn tuyển sinh trực tiếp ở các trường THPT, các địa phương. Đây cũng là lúc nhà trường ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào hoạt động tuyển sinh. Từ việc tuyên truyền qua hệ thống Website của nhà trường, đến việc tiếp nhận hồ sơ, làm các thủ tục nhập học…

Thời gian qua, công tác tư vấn, gửi hồ sơ nhập học đến đóng học phí, nhập học của nhà trường đều được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Cùng với việc tuyển sinh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã triển khai mạnh mẽ việc dạy học bằng hình thức online đối với những môn học phù hợp. Để thích ứng với phương pháp giảng dạy mới, nhà trường tăng cường thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học.

Đặc biệt, 155 giáo viên của 19 ngành, nghề đào tạo được tập huấn sử dụng thành thạo các thiết bị thông minh, các phần mềm dạy học. Trên cơ sở đó, các giáo viên cũng chủ động học hỏi, sáng tạo trong việc xây dựng nguồn học liệu để cung cấp tài liệu học tập cho sinh viên dưới hình thức số hóa; thiết kế các bài giảng đảm bảo chất lượng và sự phong phú, hấp dẫn của phương pháp giảng dạy mới. Đến nay, trên 70% giáo viên của nhà trường đều đáp ứng tốt việc thích ứng với phương pháp dạy học trực tuyến.

Với việc chủ động để thích ứng linh hoạt, an toàn trước tình hình mới, chất lượng công tác đào tạo nghề của tỉnh vẫn đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Nổi bật nhất là các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh Ninh Bình cũng đã tham gia và để lại nhiều dấu ấn thành công tại kỳ Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 bằng hình thức trực tuyến. Với 3 giải ba và 7 giải khuyến khích, đây được coi là mùa hội giảng thành công nhất từ trước tới nay đối với các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Ninh Bình.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Chất lượng đào tạo nghề phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề. Bởi vậy, trong năm qua, mặc dù diễn biến dịch COVID-19 vẫn hết sức phức tạp, song tỉnh ta cũng vẫn tạo mọi điều kiện để các nhà giáo tham gia vào các sân chơi nghề nghiệp bổ ích, qua đó nâng cao chất lượng chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp.

Với những kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình hoạt động nghề nghiệp thực tiễn, qua trao đổi nghiệp vụ tại các kỳ hội giảng, chất lượng các bài giảng của các môn học trong các cơ sở đào tạo nghề đã được nâng lên. Các nhà giáo đã kết hợp nhuần nhuyễn phương pháp giảng dạy truyền thống với các phương pháp dạy học mới, hiện đại.

Đồng thời, khắc phục được những hạn chế của phương pháp giảng dạy trực tuyến, tạo môi trường học tập tích cực, sinh động, phát huy tính tự chủ, sáng tạo của người học. Nhiều bài giảng đã thành công trong việc áp dụng công nghệ mới, ứng dụng hiệu quả, thành thạo công nghệ thông tin, các phần mềm mô phỏng vào việc minh họa các kỹ năng khó, đòi hỏi tiêu chuẩn, độ chính xác cao tạo nên sức hấp dẫn với người học, nâng cao hiệu quả giờ giảng, giúp người học tiếp thu dễ dàng.

Từ đó, nâng cao chất lượng dạy và học trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, góp phần đào tạo ra lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh.

Cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội còn tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai kế hoạch tuyển sinh, đào tạo nghề năm 2021. Trong đó, chú trọng đào tạo các ngành, nghề phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Đánh giá, đề xuất sửa đổi ngành, nghề trọng điểm, trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm và điều chỉnh ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Ngành Lao động cũng đã thẩm định hồ sơ đề nghị miễn giảm học phí cho 436 học sinh, sinh viên Trường Trung cấp KTKT và Du lịch Ninh Bình theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ. Với những nỗ lực đó, tính đến hết tháng 11 năm 2021, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo cho 16.309 người, đạt 93,2% kế hoạch năm.

Trong đó, có 4.655 người được đào tạo dài hạn; 11.654 người được đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Đáng chú ý, chất lượng học sinh, sinh viên của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn ngày càng được nâng cao. Điển hình, có sinh viên đạt giải cao tại kỳ thi kỹ năng nghề toàn quốc năm 2021. Đối với những sinh viên ra trường đều đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà tuyển dụng trong và ngoài tỉnh.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/giao-duc-nghe-nghiep-mot-nam-vuot-kho-nang-tam-ky-nang-lao/d2022010608143852.htm