Gìn giữ nét xuân trong tranh truyền thống

Với lịch sử rất lâu đời, được giữ gìn, bảo tồn và phát triển qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, tranh dân gian không chỉ là tài sản riêng của các làng tranh mà còn là tài sản chung của dân tộc.

Tuy nhiên, cùng với những đổi thay của thời gian, với sự xuất hiện của các dòng tranh hiện đại, tranh dân gian đang dần bị mai một. Chúng chỉ thịnh hành trở lại mỗi dịp năm hết Tết đến.

Những dòng tranh được ưu ái

Ở Việt Nam, tranh dân gian gần như đồng nghĩa với tranh Tết, bởi có phân chia ra tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt hay tranh châm biếm, thì những tấm tranh ấy được mua nhiều nhất vẫn là vào dịp Tết. Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ, Bắc Ninh. Tranh Đông Hồ khá gần gũi với đại đa số dân chúng Việt Nam, nhắc tới hầu như ai cũng đều biết cả. Tranh gần gũi còn vì hình ảnh của nó đã đi vào thơ, văn trong chương trình giáo dục phổ thông.

Cho dù, tập tục mua tranh Đông Hồ treo ngày Tết đã mai một, nhưng hiện nay dòng tranh này đang quay trở lại. Thực tế, ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của người dân đã được nâng cao, nhất là giới trẻ. Những năm gần đây, tranh Đông Hồ đã xuất hiện tại thị trường và được công chúng đón nhận, ủng hộ rất lớn. Các quầy tranh Tết tại các di tích và các hội chợ đều rất đắt hàng. Những bức tranh truyền thống như “Đàn gà”, “Lợn đàn”, “Đám cưới chuột”, “Vinh hoa - Phú quý”... được nhiều người chọn mua.

Khó có thể phủ nhận thực tế đang lụi tàn của dòng tranh dân gian truyền thống.

Khó có thể phủ nhận thực tế đang lụi tàn của dòng tranh dân gian truyền thống.

Khác với tranh dân gian Đông Hồ, tranh dân gian Hàng Trống được in từ bản khắc nét màu đen trên giấy dó sau đó nghệ nhân mới dùng màu nước tô vờn màu theo khối. Nhiều khi chỉ bằng một nét bút, một lần lấy mực là có thể diễn tả màu sắc thành đậm, nhạt, sáng tối, hình khối. Bởi vậy nên tranh dân gian Hàng Trống có độ sâu, uyển chuyển và sống động. Tranh Hàng Trống có nhiều mẫu đẹp, sang trọng, được đặc tả kỹ như tranh “Tứ quý”, “Tứ bình”, “Tố nữ”, “Tứ dân”, “Lý ngư vọng nguyệt”... thể hiện lối chơi và phong cách của người Hà thành. Tranh thờ Hàng Trống còn gắn bó mật thiết với sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu, phần nào mang tranh Hàng Trống bước lên một vị thế cao hơn trong bản đồ tranh dân gian Việt Nam. Bởi vậy, dòng tranh này rất được ưu ái mỗi dịp xuân về.

Tranh Kim Hoàng là tên thường gọi của một dòng tranh dân gian phát triển khá mạnh từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19 của làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Làng này vốn là sự hợp nhất của hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng, thành Kim Hoàng. Hai làng này đã xây dựng đình chung “Trưởng bảng hội đình” vào năm Chính Hòa thứ 22 (1701), cũng được xem là thời gian cho sự bắt đầu nghề in tranh của làng.

Tranh dân gian Kim Hoàng mang một nét đặc trưng khác biệt với hầu hết các dòng tranh dân gian khác có lẽ chính là màu sắc. “Tranh Đỏ” là cái tên thường được dân gian gọi để phân biệt tranh dân gian Kim Hoàng và các loại tranh dân gian khác như Đông Hồ hay Hàng Trống. Giấy in không quét điệp như tranh Đông Hồ (tranh giấy điệp trắng hay còn gọi là tranh trắng), cũng không dùng giấy xuyến, giấy dó như tranh Hàng Trống (tranh trắng mộc), mà in trên giấy màu đỏ, giấy hồng điều, giấy tầu vàng. Tranh lợn bột in hình con lợn mình đen, viền trắng cách điệu rất ngộ nghĩnh giống như những con lợn đất bán ở chợ, trên nền giấy đỏ tạo một vẻ đẹp riêng gây ấn tượng mạnh mẽ của tranh Kim Hoàng.

Đến những ngày giáp Tết xưa, không khí làm tranh lại càng nhộn nhịp ở các gia đình làm tranh, mọi người làm việc tất bật, làm ngày rồi tối đến lại chong đèn ba dây mà chấm phẩm. Sau một tháng làm tranh, đến ngày rằm tháng Chạp thì phường làm Lễ Thánh sư, rồi mới mang tranh đi bán. Tranh bán rộ nhất là từ ngày Tết ông Táo (23 tháng Chạp). Tranh Kim Hoàng được quẩy về các chợ như: Sấu Giá, chợ Sơn Đồng, chợ Chùa Thầy, chợ Phùng, chợ Vạng, chợ Trám Trôi, chợ Canh, chợ Diễn, chợ Tây Tựu... Thời thịnh nhất, mỗi chợ có đến 5 - 10 chiếu tranh. Ngày nay, khi làng nghề hoàn toàn thất truyền, một vài ván in của dòng tranh này còn được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Một số khác, được nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế ở Làng Hồ (Đông Hồ) sưu tập được.

Hơi thở hiện đại trong tranh truyền thống

Việc chơi tranh Tết dân gian có xu hướng quay trở lại nhưng người ta khó có thể phủ nhận thực tế đang lụi tàn của dòng tranh dân gian truyền thống. Mang theo bên mình cùng cái “nghiệp” với nhiều nét văn hóa truyền thống khác, tranh dân gian dần đi vào lãng quên tại các tư gia, chỉ còn được lưu giữ trong bảo tàng và trong những nỗ lực của các nhà sưu tầm tranh hiếm hoi. Trước cơn lốc biến đổi của đời sống văn hóa đương đại, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã ít nhiều bị phai mờ và ngắt quãng. Những năm gần đây, khi nhiều giá trị văn hóa dân gian truyền thống bắt đầu được “hồi sinh”, tranh dân gian, tranh Tết mới bắt đầu rục rịch trở lại.

Tranh Tết giờ đây không bó hẹp với các dòng tranh dân gian truyền thống mà được đón nhận dưới góc nhìn cởi mở hơn, hiện đại hơn. Ngoài những bức tranh dân gian theo lối vẽ và chất liệu truyền thống còn xuất hiện tranh Tết có chất liệu đa dạng như: tranh chạm khắc gỗ, tranh đá quý, tranh gốm sứ, tranh đồng, tranh thêu, tranh khảm trai... Bên cạnh đó còn là những tác phẩm hội họa, mang đậm dấu ấn cá nhân. Tuy hình thức, chất liệu có thể đổi mới, nhưng vẫn dựa trên những đề tài của tranh dân gian xưa và hàm chứa quan niệm sống, có mục đích giáo dục ngay từ đầu năm mới, như rèn đức, luyện tài, tích phúc, để đức cho con cháu đời sau.

Một người trong giới cho rằng, tranh Tết hiện đại đã có sự thay đổi rất nhiều trong cách thể hiện, trở nên phong phú và thu hút được đông đảo người xem. Mỗi họa sĩ gửi gắm trong tranh những nội dung, ý nghĩa khác nhau. Người xem tranh được cộng hưởng cùng thưởng thức những bức tranh và có thêm những suy đoán riêng.

Nhìn chung, thú chơi tranh Tết dù là tranh dân gian hay tranh hiện đại đều thể hiện ước vọng của con người cho một năm mới tốt lành. Trong xã hội hiện đại, các họa sĩ vẫn hướng tác phẩm của mình với ý nghĩa làm sống lại thú chơi tranh ngày Tết. Hy vọng rằng, thú chơi tao nhã này sẽ mãi là một nét đẹp văn hóa quý báu, đồng thời được bảo tồn và phát huy cho muôn đời sau.

Việt Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gin-giu-net-xuan-trong-tranh-truyen-thong-n168099.html