Gỡ 'nút thắt' về nhà ở xã hội

Sáng nay, 17.2, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Hội nghị được kỳ vọng đưa ra được các giải pháp hữu hiệu để làm 'ấm' thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển bền vững, cũng như tháo gỡ được 'nút thắt' về nhà ở xã hội.

“An cư lạc nghiệp”, tuy vậy, để có được căn nhà ở xã hội với nhiều người vẫn là một ước mơ xa vời, bởi nguồn cung nhà ở xã hội còn rất khiêm tốn. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó, các quy định, chính sách hiện hành chưa thực sự hấp dẫn các doanh nghiệp, cá nhân quan tâm đầu tư vào nhà ở xã hội. Theo quy định, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn tiền sử dụng đất. Quy định này làm phát sinh thủ tục hành chính, bởi theo các doanh nghiệp, để thực hiện được thủ tục này, doanh nghiệp đã mất thời gian từ 1 - 2 năm, gây khó, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc quy định, dự án nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội là điều khó khả thi. Bởi thực tế, nhiều địa phương không bố trí quỹ đất để phát triển dự án nhà ở xã hội độc lập. Ngoài ra, việc quy định quyền và ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng phát sinh những bất cập. Trong đó, các ưu đãi cho chủ đầu tư như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế, được dành 20% tổng diện tích đất ở, hoặc diện tích sàn xây dựng để kinh doanh nhà ở thương mại, hoặc sàn kinh doanh thương mại, được vay vốn với lãi suất ưu đãi là không thực chất. Bởi, chủ đầu tư không được hưởng vì theo quy định, không được tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội. Nhiều chuyên gia và các nhà đầu tư cho rằng, quy định này đang “bó” các nhà đầu tư khi tham gia vào dự án nhà ở xã hội. Do đó, nguồn cung nhà ở xã hội thời gian qua chưa đáp ứng nhu cầu cũng là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, việc quy định, các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng là quy định chưa sát với thực tế. Bởi có không ít dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến sự lãng phí không nhỏ. Ngoài ra, Luật Nhà ở hiện chưa có quy định cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trong khi trên thực tế nhu cầu của các doanh nghiệp, hợp tác xã muốn mua, thuê nhà ở xã hội để cho người lao động của họ thuê lại để ở là rất lớn. Đây là những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Các chính sách để phát triển nhà ở xã hội đã có. Tuy nhiên, khi triển khai các chính sách này lại gặp không ít khó khăn, trở ngại. Những nút thắt về thủ tục, chính sách chưa đủ hấp dẫn đã làm cho các cá nhân, doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà đầu tư vào dự án nhà ở xã hội.

Để thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở xã hội, Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội yêu cầu khẩn trương hoàn thiện chính sách ưu đãi thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhất là nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua. Sớm ban hành và thực hiện hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Có giải pháp tích cực triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất đối với các dự án cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê, thuê mua theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Phát triển nhà ở xã hội là một trong những chính sách nhân văn của Nhà nước ta nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho đối tượng là hộ nghèo, người lao động, công nhân và người có thu nhập thấp. Để triển khai yêu cầu Quốc hội về nhà ở xã hội, Chính phủ cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về vấn đề này để bảo đảm tính khả thi. Trong đó, quy định hợp lý về quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội, lựa chọn chủ đầu tư, quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư. Cần xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội.
Cùng với đó, cần dành nguồn vốn cấp cho các ngân hàng thương mại để đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn. Đơn giản các thủ tục để cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào dự án nhà ở xã hội dễ dàng tiếp cận được các chính sách ưu đãi, tránh tình trạng “chính sách thì rất hay”, nhưng triển khai trên thực tế thì “mệt thay”!

Hà An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/go-nut-that-ve-nha-o-xa-hoi-i316406/