Hải Chánh khai thác thế mạnh vùng gò đồi

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng của Đảng bộ, chính quyền xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng) cùng sự nỗ lực, quyết tâm của Nhân dân đã tập trung phát triển kinh tế vùng gò đồi, biến nơi đây trở thành những cánh rừng trồng, vườn cây cao su, hồ tiêu, cây ăn quả xanh tốt và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm số lượng lớn. Từ những thành quả trong khai thác kinh tế vùng gò đồi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; diện mạo xã Hải Chánh khởi sắc từng ngày.

 Một mô hình trồng tiêu trên vùng gò đồi Hải Chánh mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: M.Đ

Một mô hình trồng tiêu trên vùng gò đồi Hải Chánh mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: M.Đ

Có dịp tham quan các mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình của xã Hải Chánh, chúng tôi càng cảm phục sự nỗ lực, quyết tâm và khát vọng chinh phục khó khăn, vươn lên làm giàu của người dân nơi đây. Bao nhiêu công sức đổ ra đã được đền đáp xứng đáng bằng màu xanh bạt ngàn của các loại cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Anh Cáp Quốc Hà, thôn Mỹ Chánh, một tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế vùng gò đồi Hải Chánh vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi. Anh cho hay, những năm 90 của thế kỷ trước, vùng gò đồi Hải Chánh hoang vu, cách trở. Đã có rất nhiều người lên đây phát triển kinh tế, nhưng rồi lần lượt ra về vì không chịu nổi khó khăn. Gia đình anh Hà vẫn luôn quyết tâm bám trụ với niềm tin đất không phụ công người. Trên vùng đất này, gia đình anh quyết tâm đẩy mạnh trồng rừng. Khi bắt tay vào thực hiện trồng rừng, anh cũng gặp nhiều khó khăn, đó là thiếu nước cho cây trồng, cây con mới phát triển thì bị trâu bò phá hoại…

Trải qua bao nỗ lực vượt khó để trồng rừng, gia đình anh Hà đã xây dựng được mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Hiện gia đình anh có 200 ha rừng, hơn 1.200 gốc tiêu và nhiều loại cây ăn quả, phát triển chăn nuôi bò, gia cầm, nuôi cá…, với tổng thu nhập bình quân hằng năm trên 2 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí, lãi ròng từ 700 - 800 triệu đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động và hơn 40 lao động thời vụ khi khai thác rừng trồng. Trên vùng gò đồi Hải Chánh hôm nay, đã xuất nhiều tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi, luôn năng động, sáng tạo đầu tư phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tổng hợp theo hướng trang trại, gia trại, đạt hiệu quả cao.

Anh Nguyễn Hồng Phong, thôn Mỹ Chánh cho biết, hưởng ứng chủ trương của xã về phát triển kinh tế vùng gò đồi gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gia đình anh đã đầu tư phát triển mô hình nuôi cá leo, cá trê… trên diện tích gần 1 ha được khoảng 2 năm nay. Mô hình phát triển khá tốt, trong khoảng 1 tháng tới dự kiến thu hoạch cá leo, ước thu nhập khoảng 160 triệu đồng và thu hoạch thêm các loại cá khác, dự kiến cũng khoảng 50 triệu đồng. Đây là một hướng đi mới, sẽ được nhân rộng trong thời gian tới trên địa bàn xã Hải Chánh nhằm phát triển đa dạng các mô hình kinh tế, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng gò đồi, nâng cao đời sống người dân về nhiều mặt.

Anh Bùi Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Chánh cho biết, những năm qua, xã đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng gò đồi; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền, động viên, hỗ trợ người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là hỗ trợ các nguồn vốn phát triển các mô hình kinh tế, tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp địa phương... Từ đó, người dân xã Hải Chánh thêm tự tin để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao. Chính từ sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự nỗ lực của người dân, sản xuất nông nghiệp xã Hải Chánh có nhiều bước phát triển.

Về lĩnh vực trồng trọt, xã tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo đề án của tỉnh, kế hoạch của huyện và của xã, trong đó, chú trọng phát triển các loại cây, con có lợi thế cạnh tranh gắn với vùng quy hoạch tập trung và sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học- kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Năm 2020, toàn xã gieo trồng 774,89 ha lúa, năng suất lúa bình quân đạt 65,15 tạ/ha, sản lượng 5.048,07 tấn. Bên cạnh đó, xã tập trung phát triển diện tích các loại cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày, cụ thể như cây ngô có diện tích 6ha, được trồng ở vùng ven sông, bãi bồi, đất màu, áp dụng biện pháp thâm canh để tăng năng suất, sản lượng; đẩy mạnh phát triển khoai các loại với diện tích 28 ha, cây sắn 230 ha, cây lạc 20 ha; chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng thiếu nước, cho năng suất thấp sang trồng cây ném, kiệu, ớt, mướp đắng… đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Xã Hải Chánh cùng với người dân tập trung khôi phục diện tích trồng chè 57 ha, có chính sách khuyết khích, hỗ trợ phát triển cây chè thành cây trồng thế mạnh ở vùng gò đồi gắn với việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm chè Hải Chánh; đồng thời chú trọng phát triển diện tích cây hồ tiêu hơn 7,5 ha; giữ vững diện tích cây cao su 34 ha; duy trì ổn định diện tích cây ăn quả 17 ha, vận động người dân xây dựng từ 1-2 mô hình cam có diện tích từ 0,5-1 ha trở lên.

Xác định thế mạnh về phát triển kinh tế gò đồi chính là trồng rừng, xã Hải Chánh thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng; chỉ đạo đầu tư thâm canh, sử dụng giống cây có chất lượng để tăng năng suất, sản lượng; vận động người dân trồng rừng gỗ lớn, đảm bảo tỉ lệ độ che phủ rừng đạt 59%. Hiện nay, toàn xã có hơn 3.000 ha rừng trồng. Năm 2020, đã khai thác 250 ha rừng, với thu nhập hơn 17 tỉ đồng. Lĩnh vực chăn nuôi được xã Hải Chánh quan tâm đầu tư phát triển theo hướng trang trại, gia trại, đảm bảo vệ sinh môi trường. Toàn xã hiện có khoảng 300 con trâu, 261 con bò; đàn lợn gần 1.000 con, đàn gia cầm 28.500 con… mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Bên cạnh đó, xã còn tập trung phát triển nuôi cá nước ngọt với diện tích 16,6 ha, với nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như cá chính, cá trắm, cá leo…

Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp được duy trì và có bước phát triển, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương. Toàn xã có 210 cơ sở, với 402 lao động, giá trị sản xuất đạt 96,51 tỉ đồng. Những sản phẩm thế mạnh của địa phương như mứt gừng, bánh lọc mang lại hiệu quả kinh tế cao. Làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh tổ chức sản xuất mứt gừng đạt 75 tấn/năm, doanh thu 3,4 tỉ đồng; Tổ hợp tác bánh lọc Mỹ Chánh hoạt động hiệu quả, sản lượng hằng năm đạt 2,5 tấn, thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Cụm Công nghiệp Hải Chánh đi vào hoạt động, thu hút 4 doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 60 lao động. Xã Hải Chánh tích cực chỉ đạo Tổ hợp tác bánh lọc Mỹ Chánh, Làng nghề chổi đót Văn Phong và mứt gừng Mỹ Chánh duy trì, giữ vững thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Về lĩnh vực thương mại-dịch vụ, toàn xã có 520 cơ sở kinh doanh, với 1.095 lao động. Tổng doanh số bán lẻ thương mại - dịch vụ năm 2020 ước đạt 168,5 tỉ đồng. Với việc khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng gò đồi đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội xã Hải Chánh, nâng cao đời sống Nhân dân về nhiều mặt.

Hoài Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=158478&title=hai-chanh-khai-thac-the-manh-vung-go-doi