Hai năm khổ sở của những người tên Kovid

Vô tình có tên trùng với cách phát âm Covid-19, những người tên là Kovid tại Ấn Độ trải qua các rắc rối như bị ghi nhầm tên, người xung quanh thường xuyên trêu chọc.

“Tên tôi là Kovid và tôi không phải virus”.

Tháng 2/2020, Kovid Kapoor (bang Bangalore, Ấn Độ) viết ở phần thông tin cá nhân trên trang mạng xã hội Twitter, ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới WHO công bố tên chính thức cho căn bệnh do virus mới gây ra: Covid-19.

Kovid Kapoor không hề lường trước anh vẫn phải sử dụng câu nói đó sang tới năm 2022, khi đại dịch bước sang năm thứ 3, theo Washington Post.

 Kovid Kapoor (31 tuổi) đồng sáng lập công ty du lịch Holidify ở Ấn Độ. Ảnh: Washington Post.

Kovid Kapoor (31 tuổi) đồng sáng lập công ty du lịch Holidify ở Ấn Độ. Ảnh: Washington Post.

Trong các hoạt động đơn giản hàng ngày như gọi một ly cà phê tại Starbucks hay xuất trình giấy tờ tùy thân tại khách sạn, hộ chiếu ngoài sân bay, người đàn ông gặp không ít tình huống khó xử vì có tên trùng với dịch bệnh hoành hành khắp toàn cầu.

“Bỗng nhiên, mọi chuyện trở nên rắc rối hơn vì cái tên đã gắn với tôi từ lúc ra đời”, Kovid nói.

Không dám dùng tên thật

Kovid là một cái tên tiếng Phạn, có nghĩa “học giả hoặc người uyên bác” và không phải là tên hiếm ở Ấn Độ.

Những người có cái tên này dần cảm thấy mệt mỏi với những trò đùa. Một số thậm chí còn tìm đến, lập hội nhóm trên mạng xã hội, kể về những trải nghiệm “dở khóc dở cười” họ trải qua suốt 2 năm vừa rồi.

Với Kovid Kapoor, khi bay đến Sri Lanka, lần đầu tiên rời khỏi quê nhà sau khi xảy ra dịch, anh bị các nhân viên sân bay xem xét thông tin hộ chiếu cẩn thận hơn bình thường và nhân viên y tế đề nghị anh kiểm tra thêm lần nữa để đảm bảo an toàn.

Hoặc khi anh gõ tên mình lên Google, kết quả luôn gợi ý sang dịch bệnh Covid-19.

 Bạn bè chụp lại cảnh Kovid cầm chai bia Corona. Ảnh: AFP.

Bạn bè chụp lại cảnh Kovid cầm chai bia Corona. Ảnh: AFP.

Một lần khác, vào bữa tiệc sinh nhật, bạn bè đặt cho Kovid chiếc bánh sinh nhật đề tên anh. Nhưng người thợ làm bánh đã nhầm lẫn và ghi thành Covid. Tiệm bánh sau đó xin lỗi và gửi lại bánh miễn phí cho Kovid.

“Dịch bệnh khiến tôi và những người khác có tên như vậy vô tình vướng vào những tình huống khó xử. Điều tích cực là tôi nhìn nhận nó một cách hài hước và không quá bực bội. Phần vui buồn lẫn lộn là trong tương lai tôi sẽ còn gặp nhiều tình huống tương tự”, Kovid Kapoor bày tỏ.

Khi Tổ chức Y tế Thế giới công bố tên gọi chính thức của dịch bệnh vào tháng 2/2020, tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các chuyên gia đã cân nhắc kỹ.

 Chiếc bánh sinh nhật bị ghi nhầm tên của Kovid. Ảnh: Twitter.

Chiếc bánh sinh nhật bị ghi nhầm tên của Kovid. Ảnh: Twitter.

“Chúng tôi đã tìm một cái tên không đề cập đến vị trí địa lý, con vật, cá nhân hay nhóm người nào”, ông Tedros tuyên bố.

Nhưng WHO đã không tính đến những người có tên phát âm trùng với tên dịch bệnh.

“Năm đầu tiên thật vui nhộn”, Kovid Jain (28 tuổi) đến từ thành phố Indore, Ấn Độ cho biết.

“Tôi lấy chồng vào tháng 12/2020. Bạn bè của tôi vẫn thường nói ‘Kovid đã kết hôn trong thời đại Covid-19’ và chúng tôi cùng cười về điều đó”, cô kể lại.

Giờ đây, cô thường chọn không sử dụng tên thật của mình ở nơi công cộng, thay vào đó sử dụng tên chồng hoặc các biệt danh khác để tránh những lời chế giễu không mong muốn.

“Tôi dùng tên viết tắt KJ hoặc tên thú cưng Koko tại các cửa hàng cà phê, nhà hàng để tránh sự chú ý. Điều này khá khó khăn vì tôi yêu tên của mình và nó có ý nghĩa sâu sắc khi cha tôi đã chọn nó”.

Một lần, sau khi chúc một người bạn năm mới vui vẻ, cô nhận được câu trả lời: “Chúng tôi không muốn nhận lời chúc mừng năm mới từ bạn, Covid-19”.

Kovid Sonawane (34 tuổi), đến từ Nagpur thuộc bang Maharashtra, cho biết mặc dù mọi người chỉ có ý đùa vui, đôi lúc anh vẫn thấy khó chịu khi trò đùa đến từ những người không thân thiết.

Vạ lây vì có tên liên quan đến dịch bệnh

Trên thực tế, không chỉ những người tên Kovid bị ảnh hưởng, các cá nhân, tổ chức khác có tên liên quan đến Covid-19 cũng rơi vào tình huống rắc rối.

Nghệ sĩ Omarion, tên thật là Omari Ishmael Grandberry, phải đính chính trên Twitter gần đây để làm sáng tỏ các nhầm lẫn xung quanh tên của mình với biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

“Tôi là một nhạc sĩ và ca sĩ, không phải một biến thể”, anh viết.

Mùa hè năm ngoái, đại diện hãng hàng không Delta Air Lines từng lên tiếng phản đối chuyện đặt tên biến thể mới là Delta vì trùng với tên hãng, dễ gây ảnh hưởng xấu đến chuyện kinh doanh.

 Cụm từ “virus trong bia Corona” chứng kiến sự gia tăng đột biến về lượt tìm kiếm khi dịch bệnh xuất hiện. Ảnh: Getty.

Cụm từ “virus trong bia Corona” chứng kiến sự gia tăng đột biến về lượt tìm kiếm khi dịch bệnh xuất hiện. Ảnh: Getty.

Hãng bia Corona của Mexico là một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng đầu tiên.

“Loại vius mới gây bệnh được ghi nhận đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc), không liên quan gì đến loại bia có tên gọi Corona”, trích một bài báo vào tháng 1/2020 của Forbes, khi người dân trên khắp thế giới còn lạ lẫm với dịch bệnh mới.

Trên trang tìm kiếm Google, các cụm từ như “virus bia”, “virus bia Corona” xuất hiện nhiều vào thời điểm đó, khi nhiều người dùng vẫn cố gắng tìm hiểu xem loại bệnh mới có liên quan gì tới hãng bia hay không. Theo Vice, những lượt tìm kiếm về cụm từ này khá phổ biến ở Bắc Mỹ, khu vực phía Tây châu Âu, Australia, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và New Zealand.

Bạn bè của Kavid Kapoor từng tận dụng sự nhầm lẫn để trêu chọc anh. Họ chụp lại cảnh anh cầm chai bia, đăng lên mạng xã hội với chú thích: “Kovid đang có Corona”.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-nam-kho-so-cua-nhung-nguoi-ten-kovid-post1289275.html