Hài trên truyền hình: Tre đã già...

Sự kiện chương trình hài kịch thực tế 'Gặp nhau cuối năm' – thường được gọi là Táo quân – phát sóng vào đêm 30 Tết hằng năm dừng phát sóng sau 16 năm khiến nhiều người 'giật mình' và đặt câu hỏi: Chương trình nào sẽ thay thế?

“Gặp nhau cuối năm” lần đầu tiên phát sóng năm 2003. Đây là chương trình hài kịch lớn luôn được đông đảo các gia đình, các tầng lớp trong xã hội theo dõi trong lúc chờ đợi thời khắc giao thừa.

Kế thừa những chương trình ngắn trước đó như “Góc thư giãn”, “Gặp nhau và cười”, “Gặp nhau cuối tuần”... “Gặp nhau cuối năm” có một sức hút đặc biệt khi được coi là một chương trình mang tính chất tổng kết các vấn đề trong năm ở nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao, giao thông, y tế... một cách hài hước. Bằng sự hài hước một cách trí tuệ, bằng các hình tượng dân gian như Ngọc Hoàng, Táo quân, Nam Tào, Bắc Đẩu... các vấn đề nóng bỏng, nổi cộm của đời sống diễn ra trong năm cũ được đặt ra để tất cả cùng nhìn lại. Từ đó, ngoài tiếng cười còn mang đến những sự chiêm nghiệm về đời, về người.

Đây còn là một chương trình hài được đánh giá là giúp cân bằng lực lượng các nghệ sĩ hài ba miền Bắc, Trung, Nam, góp phần loại bỏ được sự “phân biệt vùng miền” trong đất diễn hài khi sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, từ cổ điển tới hiện đại như chèo, tuồng, cải lương, kịch nói, nhạc chế...

Sau 16 năm, “Gặp nhau cuối năm” đã giúp nhiều nghệ sĩ ghi dấu vào tâm trí khán giả như: Quốc Khánh trong vai Ngọc Hoàng; bộ đôi Xuân Bắc, Công Lý trong vai Nam Tào, Bắc Đẩu; các diễn viên khác như Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung... cũng đều đạt được nhiều thành tựu khi tham gia chương trình này.

Nhưng cũng sau 16 năm, VFC – đơn vị tổ chức sản xuất “Gặp nhau cuối năm” – đã ra thông báo sẽ ngừng phát sóng Táo quân 2020.

Việc dừng lại này khiến nhiều người hẫng hụt nhưng có thể coi đây như một “cái chết được dự báo trước”. Nghệ sĩ Chí Trung, sau chương trình Táo quân năm 2018 từng chia sẻ rằng đây là năm cuối cùng anh tham gia đóng Táo quân. Thậm chí, như chính anh nhận xét là những năm gần đây chương trình này đã “hơi đuối một chút”.

Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh - một trong những người am hiểu sâu sắc về đời sống hài kịch Việt Nam và gắn bó với hài kịch trên truyền hình, có lần vui chuyện kể rằng, từ “Gặp nhau cuối năm”, nhiều nghệ sĩ rất khổ bởi họ bị “đóng đinh” vào vai diễn, như trường hợp diễn viên Quốc Khánh: “Nhắc đến Quốc Khánh là nhắc tới Ngọc Hoàng, nhắc tới Ngọc Hoàng là nhắc tới Quốc Khánh. Chính Quốc Khánh cũng rất khó tìm vai mới. Còn cứ ở đâu cần Ngọc Hoàng người ta lại tìm nghệ sĩ này. Đây là một thế mạnh nhưng cũng là một điểm yếu chí mạng bởi nghệ sĩ sẽ khó tìm được vai diễn khác, còn vai ấy mà thay người khác thì sẽ khó được khán giả chấp nhận”.

Một vấn đề khác của “Gặp nhau cuối năm” gặp phải là khâu biên tập để phát sóng. Thực tế, kịch bản của chương trình được quay và tổng duyệt trong khoảng 3 tiếng. Thế nhưng, thời lượng trên truyền hình thường bị “gò” lại còn 2 tiếng để đáp ứng yêu cầu về thời lượng. Riêng điều này đã làm mất đi sự mạch lạc của nội dung. Có nhiều năm thậm chí bị ngắt quãng một cách khó hiểu, khiến khán giả không hiểu nổi nội dung nói về điều gì.

“Có những năm 12 giờ trưa ngày 30, tôi đã về quê rồi còn phải quay lại bàn dựng để điều chỉnh một vài chi tiết. Đây là chương trình phát sóng quốc gia, phải chỉn chu từng chút một. Nhưng dù chỉ điều chỉnh một chi tiết nhỏ thì cũng ảnh hưởng tới nhiều người trong ê kíp” - anh Thịnh tâm sự.

Một chương trình truyền hình có tuổi đời 16 năm và có lượng rating lớn là một điều đáng mơ ước với mọi chương trình. Nhưng đã bị đuối như ở bên kia triền dốc thật ra không khó hiểu.

Nguyễn Tuấn Anh - một đạo diễn và là một nhà sản xuất TVC trẻ cho biết: “Nhu cầu về hài kịch của công chúng vẫn rất lớn”. Tuy vậy, trong thời đại công nghệ này, người ta có nhiều lựa chọn so với truyền hình. Youtube và Facebook chẳng hạn. Chỉ cần một chiếc smartphone với mức giá không quá cao, người ta thỏa sức vào rất nhiều các chương trình giải trí với các video clip hài, hoặc họ tự đăng clip của chính mình để người khác xem.

Sự ra đời và cách làm nội dung “phi truyền thống” của các V-log với vô vàn các tên tuổi trong và ngoài nước khiến khán giả không mặn mà với các chương trình truyền hình vốn được đóng khung về nội dung và cố định về thời gian.

Đứng trước sự cạnh tranh của các công cụ giải trí trên mạng internet thì các chương trình truyền hình cũng phải thay đổi. Các gameshow ra đời nhiều và thu hút các nghệ sĩ thay vì chương trình hài theo kiểu “truyền thống”. Sau 16 năm, các nghệ sĩ hài già thì đã... già, còn các nghệ sĩ hài trẻ, có triển vọng thì tham gia gameshow nhiều hơn – thứ hấp dẫn khán giả hơn.

Bản thân các công cụ mạng xã hội tự phát triển công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) một cách mạnh mẽ, định hướng người xem vào các nhà sản xuất nội dung khiến dòng nội dung hài trở nên bất tận. Đây cũng là một nguyên nhân khiến các nhà sản xuất chương trình hài truyền hình buộc phải đưa chương trình của mình lên mạng bất chấp việc đối diện với nạn xâm phạm về bản quyền.

Đạo diễn Nguyễn Tuấn Anh nhận xét: “Các nghệ sĩ hài trẻ như Trấn Thành, Trường Giang, Lâm Vỹ Dạ, Mạc Văn Khoa v.v... trên thực tế đều có thể diễn hài khi tham gia các gameshow, còn các nhà sản xuất gameshow thì tận dụng khả năng này của họ để càng ngày càng mời nghệ sĩ xuất hiện ở đó nhiều hơn. Vậy thì có cần một chương trình chuyên về hài trên truyền hình không? Đây cũng là một lý do khiến cho chương trình hài trên truyền hình luôn vắng người trẻ”.

“Gặp nhau cuối năm” dừng lại có thể coi như một cột mốc đánh dấu đáng ghi nhớ về sự kiện một chương trình lớn chuyên về hài kịch trên truyền hình dừng lại. VFC hứa hẹn sẽ có một chương trình “hoàn toàn mới” nhưng sẽ mới thế nào nếu chúng ta lại bắt gặp những gương mặt cũ? Giữa thời công nghệ này, thực ra hài kịch trên truyền hình đang gặp phải những bài toán khó do những đặc điểm về loại hình của chính mình.

Tử Hưng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hai-tren-truyen-hinh-tre-da-gia-post71210.html