Hạn chế các quyết định đình chỉ không đúng quy định

Theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC), năm qua, một số đơn vị qua kiểm sát án đình chỉ phát hiện quyết định đình chỉ không đúng quy định pháp luật.

Chuyện pháp luật

Cụ thể, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) các cấp hủy bỏ 11 quyết định đình chỉ điều tra vụ án, tám quyết định đình chỉ điều tra bị can; kiến nghị yêu cầu cơ quan điều tra (CQÐT) ra quyết định hủy hai quyết định đình chỉ điều tra vụ án trái quy định của pháp luật... Một số vụ điển hình được đề cập trong báo cáo từ thực tiễn địa phương. Ðơn cử, thực hiện Kiến nghị số 53 ngày 31-10-2017 của CQÐT Viện KSNDTC, Viện KSND tỉnh An Giang đã hủy hai quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với hai vụ "buôn lậu" do Cục Ðiều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan khởi tố vụ án chuyển. Ngày 29-1-2018, Cơ quan CSÐT - Công an tỉnh An Giang ra quyết định phục hồi điều tra đối với hai vụ án nêu trên và khởi tố ba bị can để điều tra xử lý theo luật định. Vụ án sau đó đã được TAND tỉnh An Giang đưa ra xét xử vào cuối năm ngoái.

Ở một vụ việc khác, Viện KSND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Viện KSND huyện Lục Nam ra văn bản kiến nghị yêu cầu CQÐT Công an huyện Lục Nam ra quyết định hủy hai quyết định đình chỉ điều tra vụ án, bị can trái quy định của pháp luật (trong đó, vụ án "Vi phạm quy định về tham gia giao thông" đã truy tố, xét xử; vụ án "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng" hiện còn đang điều tra). Hoặc như vụ Cơ quan CSÐT - Công an huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) đình chỉ điều tra vụ án, bị can Trương Ðỗ Vinh Quân phạm tội "Ðánh bạc" do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Viện KSND thành phố Cần Thơ phát hiện vụ án, bị can đã được tạm đình chỉ điều tra nên không tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và có văn bản yêu cầu Viện KSND huyện Thới Lai ban hành quyết định hủy quyết định đình chỉ vụ án, bị can của Cơ quan CSÐT Công an huyện Thới Lai, phục hồi điều tra theo thẩm quyền...

Từ thực tế, nguyên nhân của những hạn chế trong việc đình chỉ do không phạm tội và đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự xuất phát từ những vướng mắc trong quy định của pháp luật. Xảy ra tình trạng án đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự bị hủy bỏ và phục hồi điều tra xuất phát từ những vướng mắc trong quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, theo đó, một số địa phương có cách nhận thức và vận dụng các quy định tại Ðiều 29 BLHS chưa thống nhất, dẫn đến áp dụng không đúng tinh thần của Ðiều 29 BLHS.

Mặt khác, một số vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng (trong đó có Viện KSND) chưa thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật. Qua đó để xảy ra tình trạng án bị đình chỉ do bị can không phạm tội và án đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự bị hủy bỏ để phục hồi điều tra. Như vậy, có phần Viện KSND chưa thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư hướng dẫn liên ngành và các quy chế nghiệp vụ của ngành Kiểm sát. Trách nhiệm công tố của Viện KSND các cấp trong giai đoạn khởi tố, điều tra chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa thật sự gắn công tố với điều tra.

Thời gian tới, Viện KSNDTC đề nghị Viện KSND các cấp chủ động phối hợp CQÐT thực hiện tốt các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trong việc phân loại, thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm. Ðồng thời, Viện KSND các cấp tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ để tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra theo Chỉ thị số 06/CT-VKSTC, các biện pháp phòng, chống oan sai theo Chỉ thị số 04 của Viện trưởng KSNDTC. Thủ trưởng đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thuộc Viện KSNDTC phối hợp Thanh tra Viện KSNDTC, Viện trưởng KSND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư phải chỉ đạo tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các vụ án do CQÐT, Viện KSND đình chỉ vụ án, bị can do không phạm tội hoặc đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự không có căn cứ, không đúng quy định của pháp luật mà có khiếu nại, tố cáo hoặc kêu oan. Từ đó hạn chế thấp nhất các trường hợp đình chỉ không phạm tội, đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự trái quy định của pháp luật, né tránh việc bồi thường.

Ðược biết, năm 2018, Viện KSNDTC ban hành Hướng dẫn số 33/HD-VKSTC về công tác quản lý, kiểm tra và báo cáo đánh giá việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, bị can do không phạm tội và đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự theo Ðiều 29 BLHS năm 2015. Theo đó, yêu cầu các Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, các Viện KSND địa phương tổ chức triển khai, thực hiện đúng quy định. Viện KSND một số địa phương cũng đề nghị lãnh đạo Viện KSNDTC kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành hướng dẫn việc thực hiện Ðiều 29 BLHS năm 2015 để CQÐT và Viện KSND các cấp thực hiện thống nhất, tránh lạm dụng việc đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự trái quy định của pháp luật.

THÁI TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/40758202-han-che-cac-quyet-dinh-dinh-chi-khong-dung-quy-dinh.html