Hàng loạt nông sản Việt 'đổ bộ' thị trường EU theo Hiệp định EVFTA

Trong hơn một tuần qua, đã liên tiếp diễn ra lễ xuất khẩu những lô hàng đầu tiên sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA như: tôm nước lợ, cà phê, chanh leo, bưởi, dừa, thanh long…

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau hơn 1 tháng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Ước tính sơ bộ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào EU tháng 8/2020 đạt 350 triệu USD, tăng trưởng ở mức 17% so với tháng 7/2020.

Chanh leo có nhiều dư địa để xuất khẩu

Chanh leo có nhiều dư địa để xuất khẩu

Chỉ tính trong hơn một tuần qua, đã liên tiếp diễn ra lễ xuất khẩu những lô hàng nông sản Việt sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA. Cụ thể như lô tôm nước lợ tại Ninh Thuận (ngày 11/9); cà phê, chanh leo tại Gia Lai (ngày 16/9); xuất khẩu trái cây gồm bưởi, dừa, thanh long (ngày 17/9)...

Việc giảm thuế theo EVFTA đang giúp trái cây Việt Nam có lợi thế rất lớn tại thị trường châu Âu, hứa hẹn trái cây Việt Nam sẽ có thị phần lớn tại thị trường tiềm năng này trong thời gian tới, nhất là sau khi dịch bệnh Covid-19 lắng dịu, nhu cầu tiêu dùng tại EU tăng cao trở lại.

Trước khi có EVFTA, tại EU trái cây Việt Nam có giá khá cao so với trái cây các nước khác như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia…, vì vậy mà khó cạnh tranh. Với Hiệp định EVFTA, nhờ thuế giảm nên các nhà nhập khẩu sẽ ưu tiên mua hàng của Việt Nam.

Đón đầu cơ hội xuất khẩu trái cây sang EU khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến, trang thiết bị hiện đại trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu trái cây. Hiện tại, một số công ty đã đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn GlobalGAP, các nhà máy chế biến, đóng gói trái cây áp dụng tiêu chuẩn như ISO, HACCP, phát triển các sản phẩm chế biến sâu đáp ứng quy định của thị trường EU.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, dư địa xuất khẩu trái cây sang EU của Việt Nam rất lớn do sản phẩm trái cây hai bên có tính bổ trợ nên không phải cạnh tranh trực tiếp. EU mở cửa về thuế quan nhưng yêu cầu rất chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm nên bà con nông dân, doanh nghiệp cần tìm hiểu cặn kẽ để đáp ứng tốt. Vì thế, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ cùng nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Theo Hiệp định EVFTA, rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực khi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.

Sau hơn một tháng triển khai Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đã hưởng lợi khá lớn bởi thuế suất mặt hàng này về 0%. Nhờ đó, giá xuất khẩu gạo đã tăng từ 80 - 200 USD/tấn so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực.

Bên cạnh mặt hàng nông sản, nhiều mặt hàng khác như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ… cũng đang kỳ vọng lớn vào việc gia tăng xuất khẩu sang EU khi EVFTA có hiệu lực, trong bối cảnh xuất khẩu nói chung đang gặp nhiều khó khăn.

Từ nay đến cuối năm, để duy trì những kết quả đạt được, Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm/xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường của EVFTA để nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định.

Đ.M

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/hang-loat-nong-san-viet-do-bo-thi-truong-eu-theo-hiep-dinh-evfta-578811.html