'Nghĩa đồng bào' trong mùa lũ: Hành trình 15 ngày chở miễn phí hơn 300 tấn hàng

'Lan tỏa tinh thần vì đồng bào' là điều ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đúc kết khi chia sẻ về hành trình 15 ngày triển khai 'Cầu vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ nhân dân vùng bão lũ'.

Chương trình được phát động từ ngày 12/9 và kết thúc ngày 27/9, do Báo Giao thông và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phát động, với sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp vận tải.

Ông Nguyễn Công Hùng.

Ông Nguyễn Công Hùng.

Chuẩn bị kỹ lưỡng để an toàn tuyệt đối

Cầu vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ nhân dân vùng bão lũ lần đầu phát động nhưng đã rất hiệu quả. Đến nay đã có bao nhiêu chuyến hàng được vận chuyển miễn phí đến bà con vùng lũ, thưa ông?

Chỉ trong thời gian rất ngắn, đã có hơn 50 chuyến xe vận chuyển miễn phí hơn 320 tấn hàng cứu trợ đến với bà con các vùng lũ Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ.

Tôi mong những việc làm của các doanh nghiệp vận tải khi tham gia cầu vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ cho bà con vùng lũ sẽ được lãnh đạo Bộ GTVT ghi nhận và có những động viên, khen thưởng kịp thời.

Ông Nguyễn Công Hùng

Ngay khi đăng tải thông tin chương trình trên Báo Giao thông và kêu gọi trong Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ban tổ chức nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các nhà hảo tâm có hàng cứu trợ mà chưa tìm được xe vận chuyển.

Những ngày đầu, chúng tôi cố gắng đáp ứng tối đa mong muốn của người gọi, bởi tất cả đều muốn đưa hàng nhanh nhất tới giúp đồng bào.

Nhưng sau đó, vì nhu cầu vận chuyển quá lớn, chúng tôi phải bàn bạc để đưa ra các nguyên tắc như: Chỉ nhận vận chuyển các đơn hàng đủ một chuyến xe 3,5 tấn, 5 tấn, 7 tấn. Người có hàng cần vận chuyển cần cung cấp rõ giờ xếp hàng, số lượng, loại hàng, trọng lượng, điểm đón/trả, người giao, người nhận và bố trí người xếp hàng, bốc hàng cùng ban tổ chức. Đặc biệt, các chuyến hàng chỉ giao tại các điểm có sự đồng ý hoặc giám sát của các cơ quan, tổ chức của địa phương nơi đến.

Cái khó với bộ phận điều phối của chương trình là ghép hàng, ghép chuyến thế nào, mỗi chuyến xe xuất phát, ban tổ chức phải tính toán thời gian hàng đến nơi, thời gian xe quay đầu về tới Hà Nội để sẵn sàng cho chuyến sau.

Từ ngày 12 - 27/9, Báo Giao thông phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phát động chương trình lập "Cầu vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ nhân dân vùng bão lũ", với sự tham gia đồng hành của các doanh nghiệp vận tải.

Theo đó, các doanh nghiệp vận tải bố trí phương tiện, nhân lực thường trực để kịp thời vận chuyển hàng cứu trợ của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm tới các tỉnh, thành đang chịu ảnh hưởng nặng nề do bão lũ.

Sau 15 ngày triển khai, cầu vận chuyển đã đưa hơn 320 tấn hàng cứu trợ xuyên đêm, vượt mưa lũ tới đồng bào đang gặp khó khăn.

Danh sách các công ty tham gia cầu vận chuyển miễn phí chở hàng viện trợ quốc tế: Công ty TNHH MTV Bách Việt, Công ty Cổ phần Quốc tế Delta, Công ty Cổ phần Đầu tư xuyên Á Khải Long, Công ty TNHH KA Logistics, Công ty TNHH Logistics XNK, Công ty Cổ phần Vận tải Vitranimex, Công ty Cổ phần Tiếp vận Hòa Phát…

Danh sách các công ty tham gia cầu vận chuyển miễn phí chở hàng cứu trợ trong nước: Công ty Cổ phần Quốc tế Delta, Nhà xe Sao Việt, Công ty TNHH Alphat, Công ty X.E Việt Nam, Công ty Văn Minh…

Vì sao ban tổ chức chỉ nhận vận chuyển các đơn hàng đủ một chuyến xe 3,5 tấn, 5 tấn, 7 tấn? Với các đơn hàng lẻ thì sao, thưa ông?

Với các đơn hàng lẻ từ vài tấn nhưng chỉ sẵn các xe từ 10 tấn trở lên sẽ được tính toán ghép lại để vận chuyển chung một chuyến nếu có chung lộ trình.

Vì mỗi đơn hàng của một nhà hảo tâm khác nhau, tuy chung lộ trình nhưng điểm đến cuối cùng không giống nhau, hàng xuống trước, hàng xuống sau.

Lúc này, tinh thần chuyên nghiệp của các lái xe được phát huy, họ chủ động lên ý tưởng xếp hàng, phân loại, niêm phong từng đơn ngay trên thùng xe, đảm bảo cho việc bốc xếp thuận lợi, đúng hàng, đúng địa chỉ.

Mới đây nhất, ngày 25/9, chúng tôi đã điều động cả xe container vận chuyển 35 tấn hàng viện trợ đặc biệt gồm: Lều bạt, thiết bị y tế, thực phẩm khối lượng lớn của Nga gửi tới Việt Nam để hỗ trợ đồng bào tỉnh Lào Cai. Đáng chú ý, trong lô hàng này có chiếc máy phát điện di động thiết kế dạng kéo, có thể đáp ứng nhu cầu điện tạm thời hoặc lâu dài ở các điều kiện, địa hình khác nhau.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, đã kết nối với nhiều đơn vị vận tải nhưng không điều động được các xe siêu trường siêu trọng vận chuyển. Sau đó, Bộ kết nối với chương trình Cầu vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ do Báo Giao thông và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phát động đã được đáp ứng ngay.

Có thể nói, trong nửa tháng qua là sự nỗ lực hết mình không chỉ của ban điều hành chương trình mà còn của cả các doanh nghiệp vận tải, lái xe, các nhà hảo tâm, sao cho mọi chuyến hàng được vận chuyển đến nơi an toàn tuyệt đối.

Sự tận tâm của doanh nghiệp vận tải, lái xe

Khi chương trình được phát động, chính các doanh nghiệp vận tải cũng đang gặp khó khăn vì mưa bão, tuy nhiên nhiều công ty vẫn nỗ lực đưa xe vào tham gia. Theo ông, việc này nói lên điều gì?

Rõ ràng, nếu không có các doanh nghiệp vận tải, chúng tôi sẽ không thể triển khai chương trình cầu vận chuyển đầy ý nghĩa này.

Chiếc xe tham gia Cầu vận chuyển miễn phí mắc kẹt giữa lớp bùn nhão khi chở theo hàng cứu trợ lên các xã Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) ngày 20/9.

Chiếc xe tham gia Cầu vận chuyển miễn phí mắc kẹt giữa lớp bùn nhão khi chở theo hàng cứu trợ lên các xã Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) ngày 20/9.

Còn nhớ, 18h tối 12/9, chỉ 2 tiếng sau cuộc họp thống nhất lập cầu vận chuyển hàng cứu trợ miễn phí giữa Báo Giao thông và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, chuyến hàng cứu trợ đầu tiên đã được bốc lên xe đến với bà con vùng lũ Yên Bái ngay trong đêm.

Chuyến xe này được chính Chủ tịch Công ty TNHH Alphat Lê Giang Nam huy động từ Bắc Giang về Hà Nội để nhận hàng, sau khi đọc được thư kêu gọi của ban tổ chức. Cũng chính ông Nam là người trực tiếp bốc hàng cùng các nhà hảo tâm lên xe.

Xe container của Công ty Cổ phần vận tải Thái Việt Trung tham gia cầu vận chuyển miễn phí, chở hàng cứu trợ của CHLB Nga đến vùng lũ. Ảnh: Toàn Vũ.

Chương trình vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ tới đồng bào bị bão lũ của Báo Giao thông và Hiệp hội Vận tải ô tô VN từ 23/9 đã tham gia chở hàng viện trợ quốc tế từ cảng hàng không Nội Bài đi các tỉnh phía Bắc.

Theo đề nghị từ Bộ NN-PT&NT, Báo Giao thông và Hiệp hội Vận tải ô tô VN đã kêu gọi Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, Hiệp hội Kinh doanh hàng hóa quá cảnh Việt Nam – Asean và các doanh nghiệp vận tải siêu trường siêu trọng đưa các xe đầu kéo kéo container 40 feet, 45 feet và sơ-mi rơ-moóc vào phục vụ chương trình miễn phí.

Chuyến xe container 45 feet đầu tiên chở hàng viện trợ của Singapore đã xuất phát từ Nội Bài đi Bắc Kạn, Lào Cai tối 23/9 là xe miễn phí của Công ty Cổ phần Quốc tế Delta. Sáng 25/9, 2 chuyến xe của Công ty TNHH Đầu tư xuyên Á Khải Long và Công ty Cổ phần vận tải Thái Việt Trung đã chở hàng viện trợ của Cộng hòa liên bang Nga từ Nội Bài đi Lào Cai.

Ngay sau đó là hàng chục chuyến xe khác của Công ty Cổ phần Quốc tế Delta, Công ty TNHH Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt), Công ty TNHH X.E Việt Nam, Trung tâm đào tạo lái xe Hà Thành, nhà xe Văn Minh…

Trong bão lũ, chính các doanh nghiệp vận tải cũng bị ảnh hưởng khi nhiều tuyến không thể hoạt động do sạt lở, hư hỏng đường… Nhưng ngay khi nhận được lời kêu gọi của ban tổ chức, họ vẫn sẵn sàng tham gia, tự bỏ chi phí xăng dầu, tiền lương lái xe, phụ xe, khấu hao phương tiện, tiền phí cầu đường (khi chưa được hưởng chính sách miễn phí tại một số trạm).

Ước tính mỗi doanh nghiệp như Alphat, Delta, Sao Việt, X.E Việt Nam đã bỏ ra cả trăm triệu đồng để "cõng" hàng cứu trợ lên vùng lũ.

Thậm chí, có những doanh nghiệp dẫu đang "gồng" tiền lãi vay mỗi ngày để trả lương cho nhân viên, tài xế nhưng họ vẫn tích cực tham gia, một lòng vì đồng bào.

Họ tham gia cầu vận chuyển mà không hề quan tâm tới câu chuyện truyền thông hay đòi hỏi gì. Tôi biết, khi chị Nga - Tổng biên tập Báo Giao thông đề nghị cung cấp logo nhà xe để đăng bài trên báo, in băng rôn chăng trên xe, nhiều chủ doanh nghiệp nói việc đang gấp, cứ cho xe chạy đã, mọi việc tính sau. Tôi thật sự cảm kích tinh thần tương thân tương ái, sẵn sàng đồng hành cùng ngành GTVT để hỗ trợ người dân gặp hoạn nạn của các doanh nghiệp tham gia chương trình.

Vất vả nhưng nụ cười luôn hiện hữu

Với tính chất cấp bách cần đưa hàng cứu trợ đến người dân sớm nhất, cầu vận chuyển được lập ra cũng rất nhanh chóng, vậy quá trình thực hiện có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Có chứ, rất nhiều, nhưng tất cả đều vượt qua được.

Đoàn công tác của Báo Giao thông cùng đại diện các nhà hảo tâm trực tiếp về xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng thăm hỏi, trao quà hỗ trợ người dân ngày 19/9.

Đoàn công tác của Báo Giao thông cùng đại diện các nhà hảo tâm trực tiếp về xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng thăm hỏi, trao quà hỗ trợ người dân ngày 19/9.

Đầu tiên là việc huy động phương tiện. Rất nhiều mặt hàng cứu trợ từ TP.HCM mong muốn được vận chuyển đến bà con bị bão lũ nhưng không thể điều được xe từ Nam ra Bắc. Nếu có điều được xe thì thời gian vận chuyển quá dài, trong khi hàng hóa, nhu yếu phẩm nếu để lâu có thể không sử dụng được. Vì vậy sau đó, chúng tôi phải điều chỉnh phạm vi, chỉ tiếp nhận các đơn hàng ở khu vực phía Bắc. Một số đơn hàng từ Cần Thơ, TP.HCM ra được Báo Giao thông kết nối vận chuyển miễn phí bằng đường hàng không và xe của cầu vận chuyển.

Khó khăn nữa là thiếu lái xe trầm trọng, chưa vận chuyển xong chuyến hàng này đã có chuyến khác cần tập kết và di chuyển. Có lái xe phải quay đầu nhiều chuyến, nếu không có tài xế khác thay sẽ không đảm bảo sức khỏe, an toàn cho chuyến đi.

Bài toán lái xe được đặt ra cũng là lúc tinh thần đoàn kết các doanh nghiệp được nâng cao. Các doanh nghiệp không thể hỗ trợ phương tiện như Công ty TNHH Mai Linh, đã sẵn lòng huy động lái xe dày dạn kinh nghiệm tham gia vận chuyển các chuyến hàng.

Rồi hàng hóa đủ chủng loại, đủ mọi điểm tập kết, các bạn cầm đường dây nóng quay như chong chóng tiếp nhận đơn hàng, đàm phán, thuyết phục cả chủ hàng lẫn nhà xe, sao để kết nối hợp lý nhất.

Người dân xã Phong Dụ Thượng (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) phấn khởi nhận đồ cứu trợ từ những chuyến xe miễn phí ngày 20/9.

Người dân xã Phong Dụ Thượng (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) phấn khởi nhận đồ cứu trợ từ những chuyến xe miễn phí ngày 20/9.

Đâu là điều ông ấn tượng qua chương trình này?

Ấn tượng nhất là sự quyết đoán của lãnh đạo Báo Giao thông trong việc quyết tâm phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tổ chức chương trình.

Lãnh đạo Báo đã trực tiếp vào cuộc, không chỉ tham gia bốc xếp hàng hóa mà còn trực tiếp đến các vùng bị ảnh hưởng, chia sẻ và trao các phần quà hỗ trợ cho bà con.

Tôi cũng rất ấn tượng trước sự nhiệt tình, chuyên nghiệp của các tài xế tham gia cầu vận chuyển. Dù phải vận chuyển hàng vào các khu vực nguy hiểm, một bên là vực, bên còn lại đất đá sạt lở, rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng họ không nề hà.

Nụ cười là thứ luôn hiện hữu trên gương mặt những bác tài bất kể phải di chuyển đêm hôm, sáng sớm hay khi xe bị mắc kẹt trong bùn lầy cả tiếng đồng hồ, lúc phải dầm mưa xúc bùn đất, khơi thông đường đi để vào với bà con vùng lũ hay lúc họ lăn lưng bê vác hàng hóa.

Trong chương trình, tôi có dịp đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cùng lãnh đạo Báo Giao thông đi trao quà hỗ trợ cho bà con hai huyện Trấn Yên, Văn Yên (Yên Bái). Chính sự hỗ trợ nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của Sở GTVT, chính quyền địa phương khiến tôi rất xúc động.

Họ nắm rõ điều kiện, hoàn cảnh từng hộ dân, lên danh sách các trường hợp cần hỗ trợ chu đáo, thậm chí, bố trí nhân lực hỗ trợ đoàn cứu trợ bốc xếp hàng, trao quà cho bà con rất nhiệt tình.

Lan tỏa tinh thần xả thân vì cộng đồng

Theo ông, chương trình đã mang lại giá trị gì cho chính các doanh nghiệp vận tải tham gia, cho ngành GTVT và cho xã hội nói chung?

Tôi cho rằng đó là giá trị nhân văn, tinh thần tương thân tương ái, sẵn sàng xả thân vì đồng bào. Qua việc này cũng cho thấy tinh thần đoàn kết của các doanh nghiệp vận tải về cam kết luôn đồng hành cùng Chính phủ, ngành GTVT trong các hoạt động xã hội.

Hàng cứu trợ được chuyển tới bà con xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, ngày 19/9. Ảnh: Tạ Hải.

Hàng cứu trợ được chuyển tới bà con xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, ngày 19/9. Ảnh: Tạ Hải.

Hậu quả của cơ bão số 3 Yagi rất nặng nề, nhưng trong khó khăn chúng ta cũng ấm lòng khi khắp các nẻo đường từ miền Tây, miền Nam, miền Trung ra miền Bắc, hình ảnh những chuyến hàng cứu trợ ngược xuôi đến với bà con vùng lũ lụt, sạt lở bất kể đêm ngày.

Đó là tinh thần dân tộc, sự đoàn kết toàn dân, không phân biệt vùng miền, tất cả cùng hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Thủ tướng Chính phủ… một lòng hướng về đồng bào gặp khó khăn.

Theo ông có điều gì cần rút kinh nghiệm để chương trình hiệu quả và lan tỏa hơn không, thưa ông?

Thiên tai là điều không ai muốn xảy ra, tuy nhiên cũng rất khó lường trước. Nếu phải khởi động chương trình cầu vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ cho bà con vùng lũ những lần sau, ban tổ chức chương trình sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm để tổ chức bài bản hơn, hiệu quả hơn.

Chúng tôi chắc chắn sẽ có sự chủ động hơn trong việc huy động các doanh nghiệp vận tải tham gia hỗ trợ. Tôi tin rằng, các doanh nghiệp vận tải cũng như tất cả chúng ta đều sẽ luôn cố gắng hết sức có thể khi đồng bào cần.

Cảm ơn ông!

Ông Trần Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Delta:

Cơ hội để thể hiện trách nhiệm xã hội

Khi nhận được thông tin Cầu vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ do Báo Giao thông và Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam tổ chức, chúng tôi hưởng ứng ngay. Đây là việc làm cần thiết, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái đối với nhân dân vùng bão lũ.

Kể từ lúc tham gia, Delta đã đóng góp hơn 30 chuyến xe lớn nhỏ vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ, đưa 200 tấn hàng tới tay người dân vùng bão lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái. Đường sá xa xôi, hiểm trở, nhiều khi phải đi xuyên đêm, nhưng anh em lái xe đều phấn khởi vì góp một phần nhỏ giúp bà con trong tình cảnh khó khăn.

Được tham gia vào Cầu vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ là hoạt động nhiều ý nghĩa đối với chúng tôi. Đó không chỉ là nơi Delta chứng tỏ sức vóc của một doanh nghiệp vận tải hàng đầu trên thị trường, mà còn là dịp để chúng tôi thể hiện trách nhiệm xã hội.

Ông Lê Giang Nam, Giám đốc Công ty TNHH Alphat Việt Nam:

Làm hết sức, không cân nhắc thiệt hơn

Ông Lê Giang Nam, Giám đốc Công ty TNHH Alphat Việt Nam bốc hàng lên xe cứu trợ bà con vùng lũ.

Chở hàng cứu trợ người dân là việc làm thường xuyên của công ty chúng tôi. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Công ty TNHH Alphat Việt Nam được tham gia vào Cầu vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ chuyên nghiệp và quy mô như vậy.

Ngay sau khi trao đổi với lãnh đạo Báo Giao thông và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, tôi đã họp gấp công ty, điều chỉnh lại lịch chạy hợp đồng của Alphat Việt Nam, phân công nhân sự sẵn sàng cho Cầu vận chuyển.

Vì Alphat Việt Nam chuyên sử dụng xe container, nên chúng tôi phải thuê xe trọng tải nhỏ hơn (từ 13 tấn trở xuống) phục vụ cho các chuyến hàng đi đến vùng sâu, vùng xa của các tỉnh như Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái hay Lạng Sơn. Với Alphat, đây không phải là lúc để cân nhắc thiệt hơn, mà phải làm tất cả những gì có thể vì cộng đồng.

Quá trình chứng kiến anh em tất bật, bản thân tôi cũng muốn được trực tiếp tham gia đóng góp một phần công sức vào hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ. Đặc biệt, tôi cũng được cùng đoàn công tác của Báo Giao thông hỗ trợ tiền, hàng hóa giúp người dân khôi phục cuộc sống tại tỉnh Yên Bái. Đó là chuyến đi gian truân, nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc.

Đức Bình (ghi)

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hanh-trinh-15-ngay-va-hon-300-tan-hang-den-vung-lu-192240926231600586.htm