Hậu quả của sự tùy tiện dùng thuốc không rõ nguồn gốc

Thời gian qua, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã cấp cứu nhiều trường hợp nhập viện vì dùng thuốc chữa đái tháo đường (ĐTĐ) không rõ nguồn gốc.

Với tâm lý mong muốn nhanh chóng khỏi bệnh, rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ đã tin vào những bài thuốc truyền miệng hoặc quảng cáo trên mạng xã hội, tự ý bỏ liệu trình điều trị của bác sĩ để sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần... Việc làm này khiến bệnh không những không thuyên giảm mà còn làm cho các biến chứng trở nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Đầu năm 2021, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân N.V.T, 58 tuổi, ngụ tại huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đường huyết và huyết áp tăng cao, da niêm mạc phù nề, cơ thể mệt mỏi, hoạt động chậm. Theo người nhà bệnh nhân: Bệnh nhân T. tự ý bỏ thuốc theo đơn của bác sĩ và dùng thuốc nam cùng viên sủi không rõ nguồn gốc được quảng cáo trên mạng xã hội. Bệnh nhân T. đã mua loại thuốc này với giá gần 3 triệu đồng cho một liệu trình với cam kết của người bán là "khỏi hoàn toàn bệnh ĐTĐ". Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm trong khi tình trạng đường huyết lại tăng lên. Càng dùng thuốc, bệnh nhân càng thấy cơ thể và mặt phù nặng lên kèm theo cảm giác khó thở về đêm và sáng sớm. Tình trạng trên có dấu hiệu nặng dần, nên bệnh nhân T. được người nhà đưa tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương cấp cứu. Bệnh nhân T. không phải trường hợp duy nhất nhập viện cấp cứu do tự ý ngừng thuốc điều trị. Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân nữ 68 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội với những triệu chứng tương tự khi dùng viên thuốc dạng sủi để trị ĐTĐ.

Bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương tư vấn cho bệnh nhân đái tháo đường sử dụng thuốc.

Bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương tư vấn cho bệnh nhân đái tháo đường sử dụng thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Công Bình, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: "Thời gian qua, đặc biệt là tháng cuối năm 2020, Khoa Cấp cứu tiếp nhận liên tiếp nhiều bệnh nhân mắc ĐTĐ tăng huyết áp với nguyên nhân tự ý dùng thuốc được quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Nhiều bệnh nhân khi đưa vào cấp cứu đã trong tình trạng rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng". Ngoài hai bệnh nhân điển hình trên, bệnh viện cũng tiếp nhận thêm một số trường hợp khác, trong đó đặc biệt có bệnh nhân nam 64 tuổi, mắc ĐTĐ 3 năm nay, tăng huyết áp hai năm kèm theo biến chứng bệnh thận mạn tính giai đoạn 2. Bệnh nhân đã tự ý bỏ hoàn toàn thuốc do đơn bác sĩ chỉ định mà thay vào đó dùng sang thuốc dạng thực phẩm chức năng được quảng cáo trên mạng. Sau khoảng 20 ngày uống bắt đầu phù toàn thân, khó thở, hoa mắt chóng mặt đau tức ngực. "Bệnh nhân này khi vào viện đã ở tình trạng suy hô hấp tràn dịch đa màng, màng tim, màng phổi, màng bụng. Quá trình cấp cứu hồi sức rất khó khăn, chúng tôi đã phải tiến hành cấp cứu điều trị tích cực mới giúp bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch", bác sĩ Nguyễn Công Bình thông tin.

Hiện tại, chưa có loại thuốc nào, dù là tây y hay y học cổ truyền có thể điều trị dứt điểm hoàn toàn bệnh ĐTĐ. Do đó, những bệnh nhân đã mắc ĐTĐ cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Với bệnh nhân ĐTĐ đã được chẩn đoán và điều trị nhưng tự ý bỏ thuốc thì khi vào cấp cứu thường đã rất nặng, như: Suy thận, suy gan, biến chứng tim mạch dẫn tới nguy cơ tử vong cao. Trong quá trình điều trị những bệnh nhân đó, bác sĩ phải tiếp cận nhanh để hỗ trợ chức năng gan, thận, bù điện giải, đặc biệt có bệnh nhân phải tiến hành lọc máu để phục hồi bởi nguy cơ biến chứng tăng đe dọa tới tính mạng. Qua điều trị và cấp cứu nhiều bệnh nhân dùng thuốc không rõ nguồn gốc, bác sĩ Nguyễn Công Bình khuyến cáo người bệnh cần đi khám định kỳ, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa nội tiết, ĐTĐ. Khi thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để kiểm tra hoặc tái khám.

Theo các bác sĩ, ĐTĐ là một bệnh lý mạn tính, gây ra nhiều biến chứng. Bệnh này có thể kiểm soát và ngăn ngừa được biến chứng nếu người bệnh tuân thủ điều trị đúng cách, theo dõi định kỳ. Bệnh nhân ĐTĐ cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc và không lạm dụng rượu bia để dự phòng mắc ĐTĐ nói riêng cũng như các bệnh không lây nhiễm nói chung. Bên cạnh đó, thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đường máu tại các cơ sở y tế, đây là biện pháp hiệu quả nhất để phát hiện bệnh sớm. Người mắc bệnh ĐTĐ vẫn có thể sống khỏe và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm, tuân thủ việc dùng thuốc theo lời khuyên của thầy thuốc. Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng các loại thuốc không có chỉ định của bác sĩ vì có thể làm cho các biến chứng ngày càng nặng nề, nguy hiểm đến tính mạng. Các bác sĩ lưu ý, đối với những bệnh nhân ĐTĐ phải sử dụng thuốc theo tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý ngưng sử dụng thuốc; tái khám khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường. Bác sĩ Tôn Thất Kha, Trưởng khoa Điều trị tích cực (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) đưa ra lời khuyên: “Bệnh cảnh nhiễm trùng ở bệnh nhân ĐTĐ rất phức tạp và nguy hiểm mặc dù ban đầu trông có vẻ nhẹ. Bệnh nhân ĐTĐ khi có bất kỳ nhiễm trùng nào dù nhẹ đều nên đến khám tại các cơ sở y tế để điều trị đúng chuyên khoa, giảm thiểu tối đa chi phí điều trị và biến chứng”.

Bài và ảnh: THÚY QUỲNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/hau-qua-cua-su-tuy-tien-dung-thuoc-khong-ro-nguon-goc-650282