Hiệu quả của các điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã xây dựng được 3 điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ. Được đặt tại những tuyến đường vốn là 'điểm đen' về tai nạn giao thông, mỗi năm, các điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ đã giúp đỡ, sơ cứu cho hàng trăm người không may bị nạn trong quá trình tham gia giao thông. Sự hỗ trợ ấy không chỉ giúp việc điều trị cho bệnh nhân được kịp thời, hiệu quả, mà còn góp phần lan tỏa hành động đẹp trong cộng đồng dân cư.

Ra mắt một điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ ở thành phố Tam Điệp.

Thành phố Tam Điệp là địa phương có lưu lượng xe cộ tham gia giao thông khá dày đặc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Với mục đích hỗ trợ kịp thời cho những người không may bị tai nạn khi tham gia giao thông, hiện nay, trên địa bàn có 3 điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ, trong đó điểm sơ cấp cứu ở Ga Ghềnh đã được Sở Y tế ra quyết định thành lập từ tháng 4/2017.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Tam Điệp cho biết: Trước khi có quyết định thành lập, chúng tôi cũng đã thành lập các điểm sơ cứu ban đầu tại một số “điểm đen” về tai nạn giao thông với mục đích hỗ trợ kịp thời cho người bị nạn.

Tham gia vào các điểm sơ cấp cứu này là các tình nguyện viên, làm việc trong các ngành nghề và ở các độ tuổi khác nhau, là những người tâm huyết, sống có trách nhiệm với cộng đồng. Đặc biệt, một thuận lợi lớn đối với hoạt động của các điểm sơ cấp cứu, đó là chúng tôi đã vận động và thu hút được sự tham gia của chính những người hoạt động trong ngành y tế.

Dẫn chúng tôi đi tham quan điểm sơ cấp cứu được đặt tại khu vực Ga Ghềnh, do gia đình tình nguyện viên Đinh Thị Hiền phụ trách. Một gian phòng nho nhỏ do gia đình chị Hiền dành riêng để phục vụ cho việc sơ cấp cứu người bị tai nạn giao thông. Điểm sơ cấp cứu này được trang bị giường, tủ đựng dụng cụ và cả cáng thương.

Chị Hiền là bác sĩ răng hàm mặt, với những kiến thức, chuyên môn trong ngành nên việc sơ cứu cho bệnh nhân được thực hiện rất kịp thời, hiệu quả. Chị Hiền cho biết, nhà tôi gần nơi thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Bản thân tôi làm nghề y, nên trước đó, mỗi khi có người gặp nạn tôi đều cố gắng sơ cứu.

Khi điểm sơ cấp cứu Ga Ghềnh được cấp phép của Sở y tế, thì việc hỗ trợ người bị nạn cũng được thực hiện bài bản hơn. Cùng tham gia với tôi, có những bác chỉ là lao động bình thường, nhưng rất tâm huyết, trách nhiệm. Các tình nguyện viên điểm sơ cấp cứu hàng ngày mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhau, nhưng khi có tai nạn, họ lập tức bắt tay vào nhiệm vụ sơ cấp cứu nhằm cứu giúp người bị nạn. Khi phát hiện có người bị tai nạn giao thông, các tình nguyện viên nhanh chóng đưa nạn nhân vào nơi an toàn, sau đó sơ cứu ban đầu như băng bó, cầm máu, cố định xương bị gãy, đồng thời gọi xe cấp cứu đưa nạn nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất.

Tính riêng trong năm 2018, điểm sơ cấp cứu khu vực Ga Ghềnh đã hỗ trợ trên 30 trường hợp bị tai nạn giao thông đi cấp cứu kịp thời. Bà Trần Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh chia sẻ: sơ cấp cứu ban đầu là một trong 7 nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Chữ thập đỏ.

Hiện nay, mọi người phải đối mặt với biết bao tai nạn thường gặp như: tai nạn giao thông, đuối nước, tai nạn lao động và các tai nạn khác. Nếu chúng ta có kiến thức và kỹ năng để sơ cấp cứu ban đầu thì sẽ hạn chế được rất nhiều thiệt hại về người. Với tầm quan trọng đó, thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ các huyện, thành phố thành lập được 3 điểm sơ cấp cứu ở những địa bàn có “điểm đen” về tai nạn giao thông như: Ngã ba Chạm, xã Gia Tường (huyện Nho Quan); Ga Ghềnh (thành phố Tam Điệp) và Cầu Yên (huyện Hoa Lư).

Mỗi điểm sơ cấp cứu đều trang bị được giường, tủ đựng dụng cụ, cáng… và có hồ sơ sổ sách ghi chép theo dõi ngày giờ, tình trạng tai nạn các vụ việc xảy ra. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ các cấp cũng xây dựng những điểm hỗ trợ người bị tai nạn, rủi ro. Những điểm sơ cấp cứu này đã kịp thời sơ cấp cứu được rất nhiều trường hợp tai nạn, tránh được những rủi ro đáng tiếc xảy ra. Những hoạt động thiết thực đó đã tạo được hiệu ứng và niềm tin rất lớn trong nhân dân và cộng đồng. ở mỗi điểm sơ cấp cứu đều có số điện thoại nóng để không may có tai xảy ra đều có thể điện cho các tình nguyện viên đến cấp cứu kịp thời.

Nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho các tình nguyện viên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh luôn quan tâm mở các lớp tập huấn, trọng tâm vào những kiến thức như: Nguyên tắc cơ bản trong sơ cấp cứu, cách di chuyển nạn nhân, kỹ thuật di chuyển nạn nhân, thổi ngạt ép tim, dị vật đường thở, gãy xương, cứu đuối nước… chấn thương phần mềm, chấn thương sọ não, cột sống… sau mỗi học viên, các học viên được trực tiếp các thao tác và sẽ được đánh giá, cấp giấy chứng nhận. Và quan trọng nữa, qua các lớp tập huấn, cung cấp cho học viên kỹ năng để tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức để mọi người dân đều có thể tự cứu mình và sẵn sàng tham gia cứu người bị nạn.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/hieu-qua-cua-cac-diem-so-cap-cuu-chu-thap-do-20190920094340480p4c7.htm