Hiệu quả từ việc ứng dụng thành tựu nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế

Xác định ứng dụng các thành tựu khoa học là một trong những giải pháp trọng tâm, giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), những năm qua, ngành y tế đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật y học tiên tiến, các kinh nghiệm của y học cổ truyền trong công tác KCB, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Trung đã điều trị thành công nhiều trường hợp bất thường ở trẻ sơ sinh.

Hằng năm, Sở Y tế đã chỉ đạo và khuyến khích các đơn vị đăng ký tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học. Đồng thời, tập trung đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ y, bác sĩ, khuyến khích cán bộ, y, bác sĩ các đơn vị tham gia nghiên cứu, có các sáng kiến cải tiến kỹ thuật để phục vụ các hoạt động chuyên môn tại cơ sở.

Các đề tài nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực KCB, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; đánh giá thực trạng và đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Trong đó, nhiều sáng kiến triển khai hiệu quả, điển hình là kỹ thuật xét nghiệm Cyfra21-1, NSE, CEA, SCC và ProGRP trong chẩn đoán và theo dõi điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; phẫu thuật nội soi kết hợp với phẫu thuật mở điều trị dị tật không hậu môn và kỹ thuật thay máu cho trẻ vàng da sơ sinh bằng phương pháp tự động; kỹ thuật can thiệp tim mạch qua da trong điều trị tim bẩm sinh có luồng thông trái phải tại Bệnh viện Nhi; kỹ thuật chuyển phôi ngày 5 để điều trị vô sinh, hiếm muộn tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa; phẫu thuật nội soi cắt dạ dày điều trị một số bệnh ngoại khoa dạ dày - tá tràng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa; phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối bằng gân tự thân tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc... Ngành y tế triển khai thực hiện 11 đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành; 876 đề tài nghiên cứu của các bệnh viện, các đơn vị trực thuộc tuyến tỉnh, tuyến huyện. Đặc biệt, với việc chủ động đầu tư trang thiết bị, kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao, như: Phẫu thuật nội soi sử dụng cánh tay Robot Dex lấy sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên; kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học Solitare ở bệnh nhân nhồi máu não cấp do tắc mạch máu lớn; ứng dụng Microsoft Access trong quản lý sử dụng hóa chất, vật tư y tế của máy xét nghiệm COBAS 8000 tại Khoa Hóa sinh; cắt khối tá tụy tại Khoa ngoại Gan mật; phẫu thuật điều trị hội chứng ống cổ tay tại Khoa Chấn thương; Ứng dụng kỹ thuật điện xung trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng máy điện xung phisomed... góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Chia sẻ về hoạt động ứng dụng nghiên cứu khoa học trong ngành y tế, ông Nguyễn Bá Cẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Năm 2020, ngành y tế đã triển khai thành công 115 kỹ thuật mới tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, như: ghép thận, phẫu thuật tim hở, can thiệp mạch não, điện sinh lý tim trong điều trị rối loạn nhịp tim, ứng dụng robot một cánh tay vào phẫu thuật nội soi bụng trong tiết niệu, đặt Coil điều trị phình động mạch não, đặt stent mạch cảnh trong điều trị hẹp mạch cảnh, đặt Catheter ổ bụng để lọc màng bụng chu kỳ, ứng dụng điện não số hóa (BIS hoặc ENTROPY) theo dõi độ mê trong phẫu thuật, phẫu thuật ghép xương hàm tự thân, phẫu thuật nội soi cắt khâu kén khí, chẩn đoán và sàng lọc di truyền tiền làm tổ...

Có được thành tựu trên, ngành y tế đã xác định việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ là một trong những khâu đột phá căn bản. Ngành đã đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng thành công các công nghệ sinh học, kỹ thuật tiên tiến góp phần chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả các bệnh hiểm nghèo, bệnh khó, đưa công nghệ một số lĩnh vực y học đạt tầm quốc gia. Làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh, tật ở người như ghép tạng, trị liệu tế bào gốc, mổ nội soi, kỹ thuật sinh học phân tử trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm, trong chẩn đoán bất thường phôi thai, bệnh di truyền, bệnh ung thư; nghiên cứu sưu tầm và bảo tồn giống dược liệu ở Thanh Hóa. Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước... Năm 2020, có 1 công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh đã được nghiệm thu và 7 công trình đang được triển khai thực hiện. Ngành đã tổ chức và báo cáo tham luận tại nhiều diễn đàn khoa học quốc tế về ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực huyết học truyền máu, ung thư, y tế dự phòng, KCB, dược và an toàn vệ sinh thực phẩm..., được Bộ Y tế và các nhà khoa học đánh giá cao.

Để tiến tới chủ động kiểm soát tốt bệnh tật và cung ứng các dịch vụ kỹ thuật KCB trình độ cao, chất lượng cao, ngành y tế tiếp tục khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tích cực tìm tòi, sáng tạo nhiều sáng kiến cải tiến; nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu theo hướng ưu tiên về tính ứng dụng thực tiễn trong hoạt động KCB. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở y tế tập trung đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chuyên môn có chất lượng; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ưu tiên và tạo đột phá một số kỹ thuật chuyên sâu thuộc các lĩnh vực mũi nhọn, cần thiết. Qua đó, từng bước thực hiện dịch vụ kỹ thuật cao ngang tầm với các bệnh viện Trung ương, tiến đến năm 2025 Thanh Hóa trở thành trung tâm y học công nghệ cao của khu vực Bắc miền Trung.

Bài và ảnh: Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/hieu-qua-tu-viec-ung-dung-thanh-tuu-nghien-cuu-khoa-hoc-trong-linh-vuc-y-te/131339.htm