Họ đã 'phù phép' biến quặng thành xỉ như thế nào?

Cơ quan ANĐT Bộ Công an ngày 4/8 cho biết đơn vị vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án buôn lậu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, tỉnh Lào Cai và một số địa phương khác gửi đến Viện kiểm sát, đề nghị truy tố 8 đối tượng về hai tội danh buôn lậu và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Đối tượng phạm tội là cán bộ kiểm định Hải quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã vì những động cơ khác nhau, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để cố ý làm trái công vụ, gây thiệt hại cho Nhà nước và uy tín của ngành Hải quan. Vụ án được ngăn chặn kịp thời đã khắc phục tình trạng "chảy máu tài nguyên" và gây thất thu cho ngân sách Nhà nước với số lượng tiền lớn.

Các đối tượng bị truy tố về tội buôn lậu gồm: Vũ Quốc Tuấn (sinh năm 1979, trú tại tỉnh Phú Thọ), đối tượng có 2 tiền án, tiền sự về các tội tàng trữ trái phép chất ma túy, đánh bạc; Nguyễn Thành Chung (sinh năm 1984, trú tại tỉnh Hưng Yên), Giám đốc Công ty Cổ phần Diệp Bảo Anh; Nguyễn Viết Cảnh (sinh năm 1982, trú tại xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

Các đối tượng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gồm: Phùng Như Tùng (sinh năm 1979, Trưởng Trung tâm phân tích, Cục kiểm định Hải quan); Hoàng Duy Huân (sinh năm 1980, cán bộ Trung tâm phân tích); Lê Khánh Hương (sinh năm 1980); Phạm Chí Kiên (sinh năm 1984), cán bộ Chi cục Kiểm định Hải quan 1, Cục kiểm định Hải quan); Lê Thị Thanh Hương (sinh năm 1968), Phó giám đốc Trung tâm công nghiệp địa chất, khoáng sản, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản.

Lập công ty để buôn lậu

Cuối tháng 12/2016 Công ty Cổ phần Diệp Bảo Anh (gọi tắt là Công ty Diệp Bảo Anh) được thành lập. Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Quản Trường Giang (sinh năm 1964, trú tại Văn Lâm, Hưng Yên) là giám đốc của công ty song thực chất đây chỉ là giám đốc bù nhìn; mọi hoạt động của công ty đều do Nguyễn Viết Cảnh và Nguyễn Thành Chung (Phó Giám đốc và là cổ đông sáng lập Công ty Diệp Bảo Anh) điều hành mọi hoạt động. Các thành viên khác trong công ty đều do Cảnh nhờ người đứng tên.

Khoảng một năm sau khi thành lập, Chung nói với Cảnh việc Vũ Quốc Tuấn muốn thuê pháp nhân Công ty Diệp Bảo Anh đứng tên xuất khẩu mặt hàng "xỉ" sang Trung Quốc.

Dù biết rằng việc Tuấn xuất khẩu tinh quặng sắt sang Trung Quốc, không phải là xỉ theo tờ khai hải quan là vi phạm pháp luật nhưng Cảnh và Chung vì hám lời vẫn thực hiện nội dung đã thống nhất, trực tiếp sử dụng danh nghĩa của Công ty Diệp Bảo Anh để giao dịch, làm thủ tục xuất khẩu trái phép tinh quặng sắt qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai sang Trung Quốc.

Một số bị can trong vụ án.

Một số bị can trong vụ án.

Theo thỏa thuận giữa các bên thì Chung và Cảnh sẽ được Tuấn trả từ 10.000 đến 15.000 đồng/tấn hàng thực xuất. Với thỏa thuận trên, mỗi đối tượng đã được hưởng lợi khoảng 400 triệu đồng.

Quá trình đấu tranh, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định: Số lượng tinh quặng sắt của Công ty Diệp Bảo Anh xuất sang Trung Quốc đều do Tuấn tìm mua tại Công ty Cổ phần Hà Quang với số lượng khoảng 3.200 tấn; Công ty Cổ phần Vương Anh với số lượng khoảng 3.300 tấn (việc mua bán chưa lập hợp đồng và xuất hóa đơn). Nguồn tiền mua hàng do Tuấn nhận từ chị Đoàn Thị Thanh Huyền, Lê Thị Hằng, Bùi Thị Loan (trú tại Phố Mới, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai); Phạm Thu Hương (trú tại Khu 1, Ka Long, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), là những người làm nghề đổi tiền tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Sau khi nhận tiền, Tuấn chuyển khoản đến các Công ty nêu trên, rồi thuê một số đơn vị, cá nhân như: Nguyễn Anh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hùng Sơn Phú Thọ; Đỗ Tiến Thành, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Hồng Hà Phú Thọ; Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Trung Kiên; Công ty TNHH Vận tải Việt Trì; Công ty TNHH dịch vụ Thuận Phát; Công ty TNHH Vận tải và Cảng Miền Bắc; Công ty Vận tải Đại Nguyên… chuyển quặng sắt từ kho bãi của Công ty Cổ phần Vương Anh tại Cảng Việt Trì, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và kho bãi của Công ty Cổ phần Hà Quang tại Mỏ 409, Đền Đắng, Yên Bái tập kết đến kho của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bắc Sông Hồng (gọi tắt là Công ty Bắc Sông Hồng) tại địa chỉ Cụm Công nghiệp Bắc Duyên Hải, phường Duyên Hải, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai (gọi tắt là kho Lô 33).

Sau đó, Tuấn thuê Nguyễn Nam Khánh (trú tại phường Phố Mới, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) giám sát hàng hóa đến và đi; thuê Trần Văn Tâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV và XNK Trường Thịnh điều xe tải, bốc xếp số tinh quặng sắt này để cân trọng tải tại cầu cân của Công ty Bắc Sông Hồng và chở quặng đến khu vực làm thủ tục xuất hàng hóa Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Tại đây, Chung đứng tên đại diện của Công ty Diệp Bảo Anh, cùng với Cảnh thực hiện các thủ tục xuất khẩu số tinh quặng sắt này sang Trung Quốc, dưới danh nghĩa xuất khẩu "xỉ"; một số lần, Tuấn cùng Chung còn trực tiếp có mặt tại kho Lô 33 để giám sát việc xuất, nhập quặng.

Làm khống hóa đơn

Kết quả đấu tranh, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định, Công ty Diệp Bảo Anh không có giấy phép xuất khẩu tinh quặng sắt, không thực hiện mua bán xỉ sắt với các đối tác trong nước. Song để hợp thức hàng hóa xuất khẩu nhằm che giấu hành vi phạm tội, Tuấn, Chung và Cảnh đã bàn bạc, thống nhất sử dụng hóa đơn mua bán xỉ sắt được lập khống giữa Công ty Diệp Bảo Anh với các công ty trong nước như: Công ty TNHH Xây dựng vận tải và Thương mại Nam Triệu, Công ty TNHH Sản xuất thương mại thép Cường Thịnh, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Thịnh Trường Phát, Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Sơn Dung (các công ty này chỉ lập Hợp đồng và xuất hóa đơn khống mua bán xỉ sắt với Công ty Diệp Bảo Anh, thực tế không bán hàng cho Công ty Diệp Bảo Anh).

Cơ quan ANĐT Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai tiến hành khám xét các địa điểm liên quan đến vụ án.

Cơ quan ANĐT Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai tiến hành khám xét các địa điểm liên quan đến vụ án.

Tuấn là người liên hệ với các công ty này hoặc qua trung gian lập hợp đồng, xuất hóa đơn khống bán hàng cho Công ty Diệp Bảo Anh để hợp thức nguồn hàng đầu vào. Đồng thời, sử dụng hợp đồng mua bán được lập khống giữa Công ty Diệp Bảo Anh với Công ty hữu hạn xuất nhập khẩu Vĩnh Tiên Hà Khẩu và Công ty TNHH Thương mại XNK YUECHENG Cảng Phòng Thành (ở Trung Quốc) để hợp thức nguồn hàng xuất.

Từ ngày 19/12/2017 đến ngày 30/10/2018, Công ty Diệp Bảo Anh đã mở 79 tờ khai xuất khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai với tổng khối lượng 56.781,29 tấn; tên hàng theo khai báo là "Xỉ có thành phần chính là Fe2O3, SiO2,… thu được từ công nghệ luyện thép đã được tinh chế dạng bột"; mã số hàng hóa: 2619.00.0010. Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT - Bộ Công an chỉ thu giữ được các mẫu vật (đựng trong túi nilon và được niêm phong bằng Seal đốt trúc của Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai) thuộc 9 tờ khai.

Cơ quan ANĐT - BCA đã ra Quyết định Trưng cầu giám định số 402/QĐTCGĐ ngày 14/11/2019 để trưng cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường giám định 9 mẫu vật thuộc 9 tờ khai nêu trên. Kết quả giám định tư pháp đã xác định: Tất cả mẫu vật gửi giám định đều là khoáng sản sắt; khoáng vật chủ yếu là Magnetit, là quặng sắt đã được nghiền bột và làm giàu thành tinh quặng sắt; tinh quặng này chưa qua nung kết.

Với các căn cứ này đã có đủ cơ sở xác định sai phạm của các bị can Tuấn, Chung, Cảnh đã cố ý khai sai tên hàng hóa từ "tinh quặng sắt" sang "Xỉ có thành phần chính là Fe2O3, Si02... thu được từ công nghệ luyện thép đã được tinh chế dạng bột"; lập khống hồ sơ đầu vào để thực hiện hành vi buôn lậu (mặt hàng không được phép xuất khẩu).

Ngày 25/5, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Lào Cai ra Kết luận định giá tài sản số 171/KL-HĐĐG xác định tổng giá trị định giá hàng hóa 9 tờ khai trên là 6.629.111.920 đồng; tổng khối lượng của 9 lô hàng theo tờ khai Hải quan là 6.289,480 tấn tinh quặng sắt; đồng thời, xác định số thuế còn thiếu do khai báo gian dối của Công ty Diệp Bảo Anh là hơn 2,5 tỷ đồng.

Quá trình điều tra đã làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong quá trình thực hiện hành vi buôn lậu, Công ty Diệp Bảo Anh đã mở 79 tờ khai xuất khẩu hàng hóa, với tên khai báo là "xỉ có thành phần chính là Fe203, SiO2,… thu được từ công nghiệp luyện thép đã được tinh chế, dạng bột".

Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai (gọi tắt là Chi cục Hải quan Lào Cai) đã tiến hành lấy 8 mẫu thuộc 7 tờ khai trên tổng số 79 tờ khai của Công ty Diệp Bảo Anh và gửi yêu cầu phân tích để xác định tên hàng, mã số tới Cục Kiểm định Hải quan và Chi cục Kiểm định Hải quan 1.

Biến quặng thành xỉ

Sau khi nhận yêu cầu phân tích từ Chi cục Hải quan Lào Cai, lãnh đạo Cục Kiểm định Hải quan đã giao nhiệm vụ cho Hoàng Duy Huân (chuyên viên phân tích 1), Phùng Như Tùng (Trưởng trung tâm phân tích, chuyên viên phân tích 2) tiến hành phân tích để xác định tên, mã hàng đối với mẫu phân tích thuộc tờ khai hải quan số 3016681195051/ B11 ngày 19/12/2017; số phiếu tiếp nhận yêu cầu phân tích số 1576/KĐHQ-NV (gọi tắt là mẫu 1576).

Chi Cục kiểm định Hải quan 1 đã giao nhiệm vụ cho Lê Khánh Hương và Phạm Chí Kiên, tiến hành phân tích để xác định tên, mã hàng đối với các mẫu phân tích thuộc tờ khai số 30159171950/B11 ngày 5-1-2018, số phiếu tiếp nhận yêu cầu phân tích số 23/KĐ1-NV (gọi tắt là mẫu 23) và số 301752583330/B11 ngày 8/2/2018, số phiếu tiếp nhận yêu cầu phân tích số 103/KĐ1-NV (gọi tắt là mẫu 103).

Trong đó, Hương được giao nhiệm vụ là chuyên viên phân tích 1 mẫu 23, chuyên viên phân tích 2 mẫu 103; Phạm Chí Kiên được giao nhiệm vụ là chuyên viên phân tích 1 mẫu 103 và chuyên viên phân tích 2 mẫu 23.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Huân, Tùng, Hương, Kiên đã tiến hành một số phân tích tại Trung tâm phân tích và Chi cục Kiểm định Hải quan 1 và biết được thành phần trong mẫu vật có hàm lượng sắt cao, nhưng các đối tượng cho rằng với các phương pháp của Trung tâm phân tích và Chi cục Kiểm định Hải quan 1 không xác định được bản chất hàng hóa là tinh quặng sắt hay "xỉ", nên đề xuất lãnh đạo Cục Kiểm định Hải quan và lãnh đạo Chi cục Kiểm định Hải quan 1 có Phiếu trưng cầu giám định gửi Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường (gọi tắt là Viện KHĐC).

Sau đó, Viện KHĐC đã giao cho Hương (Trưởng phòng phân tích khoáng thạch học) là người phân tích đối với 3 mẫu nêu trên.

Sau khi hoàn thành phân tích, các bị can là cán bộ Hải quan đã biết các mẫu là tinh quặng sắt nhưng vẫn đưa ra kết luận phân loại là xỉ, là trái với bản chất của mặt hàng là tinh quặng sắt nhưng cố ý làm sai lệch các kết quả phân tích, tạo điều kiện cho các đối tượng buôn lậu, gây thất thoát thuế cho Nhà nước.

Cụ thể, Tùng đã cùng với Huân tác động đến Hương để thay đổi kết quả biến tinh quặng sắt thành xỉ. Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định việc Tùng cố ý kết luận sai bản chất mặt hàng là vì tránh tiền hậu bất nhất, đã gây thất thoát cho Nhà nước hơn 386 triệu đồng tiền thuế.

Có một số đối tượng vì muốn nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ; số khác lại nhầm tưởng doanh nghiệp có quan hệ với Tùng như trường hợp của Hương, Kiên. Trường hợp còn lại nhằm giữ chân đơn vị kiểm dịch (khách hàng) để tiếp tục gửi yêu cầu phân tích tại Viện KHĐC như trường hợp của Hương... Hành vi của các đối tượng đã gây thất thoát một lượng tiền lớn cho Nhà nước.

Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT đã làm rõ trách nhiệm của một số tổ chức và người có liên quan đến vụ án như các công ty bán quặng sắt cho Tuấn, các công ty vận tải và một số cá nhân có liên quan... Trong đó có trách nhiệm đối với Bùi Tuấn Hải, Phó Cục trưởng Cục kiểm định Hải quan và Phan Đình Nguyên, Chi cục trưởng Chi Cục kiểm định Hải quan 1; với những người có liên quan tại KHĐV và trách nhiệm của cán bộ công chức Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai trong việc kiểm tra, giám sát số hàng hóa của Công ty Diệp Bảo Anh...

Xuân Mai

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/ho-da-phu-phep-bien-quang-thanh-xi-nhu-the-nao-606078/