Hoa gạo nở, cờ đỏ bay...

Ngày còn nhỏ đi học, tôi đã nghe câu 'Tháng ba mùa hoa gạo'. Cây gạo cổ thụ đầu làng gốc rất to, trên những cành sần sùi, thô mộc, dường như có bàn tay vô hình nào đó của người họa sĩ đang phất lên bầu trời xanh rời rợi màu đỏ thắm rực rỡ...

Tôi có người bạn vong niên là họa sĩ, đam mê sưu tầm các loại lịch. Ông điềm đạm, kiệm lời, bỗng một lần ở đâu về, ông hí hửng khoe rằng mới phát hiện ra một điều thú vị: Bắt đầu từ năm 1976 (nghĩa là cách đây 45 năm), trong các cuốn lịch Việt Nam đều in thêm dòng chữ đậm: “30-4-1975, Sài Gòn giải phóng”. Ông bạn còn hào hứng giảng giải thêm rằng, chỉ có bấy nhiêu chữ và con số, nhưng chứa đọng bao nhiêu máu xương, sự hy sinh gian khổ suốt mấy chục năm chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc mới tạo nên.

Quả là thế, sau ngày 30- 4-1975, hằng năm đến ngày lịch sử này là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ, toàn dân tổ chức kỷ niệm sự kiện trọng đại, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thanh bình, non sông thu về một mối. Niềm vui đó, làm thành một gạch nối liền Ngày Quốc tế Lao động 1-5 và dư âm còn truyền đến mốc son Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu (7-5). Chuỗi ngày ấy, cả dân tộc trào lên niềm cảm xúc, các hoạt động văn nghệ, vui chơi giải trí, tham quan du lịch diễn ra trên các miền quê. Từ núi rừng, đến biển khơi, đất nước rộn rã niềm vui ngày hội!

 Minh họa: Nguyễn Quang Cường

Minh họa: Nguyễn Quang Cường

Nhưng cũng có một điều sâu thẳm trong trái tim người, ấy là trong khi cả nước giăng cờ, kết hoa, dạt dào niềm vui mừng ngày đại thắng thì cũng có gia đình, người vợ, người mẹ lặng lẽ chuẩn bị hương hoa, vật phẩm làm giỗ cho người thân yêu của mình.

Riêng mợ tôi, vốn là con gái cụ giáo ở làng Thượng về làm dâu làng Đoài, vẫn giữ được nền nếp gia phong. Khi người bạn của chồng về kể chuyện, biết đích xác rằng chồng bà hy sinh buổi sáng 30-4-1975, bà đã nhờ người tra lịch dương sang lịch âm. Thì ra hôm ấy là ngày 19-3 năm Ất Mão (1975). Bà coi đây là ngày giỗ chồng. Cũng từ đấy, bà đã làm tròn phận sự của người vợ và để dành ngày 30-4 hằng năm cùng dân làng đi dâng hương tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sĩ. Bà biết rằng, trong nghĩa trang được xây dựng khang trang to đẹp kia, san sát từng hàng mộ liệt sĩ anh hùng, nghi ngút khói hương, có một ngôi mộ chồng mình có phiến đá xanh khắc tên họ, quê quán nhưng không có hài cốt. Chỉ nghĩ đến đây là tự nhiên giọt nước mắt ứa ra. Bà vẫn khát khao mong sao có một phép thần, tìm được hài cốt chồng đưa về quê mẹ.

Cuộc chiến tranh kết thúc đã 46 năm. Những vết sẹo đất do bom đạn khoét sâu, đến nay dần dần đã khép bồi, và đã qua mấy chục mùa nở hoa kết trái. Những em bé ra đời năm ấy, nay đang ở tuổi 46 trưởng thành, có người đã lên chức ông bà. Trong số này, có nhiều người là kết quả của khoảnh khắc tình yêu người lính với người vợ trẻ, sau khi lập công được trở về nghỉ phép ngắn ngày.

Khác với ông cha, các em ra đời thuộc thế hệ “Sài Gòn giải phóng” được sống trọn vẹn trong một đất nước thanh bình, không bị tiếng bom cắt ngang giấc ngủ, không có tiếng máy bay gầm rú trên trời xé đứt tiếng hát ru. Các em lớn lên được trang bị vốn tri thức căn bản, có sự giao thoa của nền văn minh nhân loại, làm hành trang cuộc đời. Nhiều người đã chiếm lĩnh đỉnh cao trong khoa học quản lý kinh tế, kỹ thuật, trở thành nhà doanh nghiệp trẻ, đủ sức đua tranh với thế giới, góp phần làm giàu đẹp quê hương, đất nước. Không ít người đã trưởng thành là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của bộ, ngành, tỉnh...

Thời gian lặng lẽ trôi và thật diệu kỳ, ngày 30-4-2021 lại trùng ngày 19-âm lịch, như 46 năm về trước.

Ngày giỗ chồng của mợ tôi năm nay trùng với ngày giải phóng Sài Gòn. Bà thắp nén hương tưởng nhớ chồng, cũng là nén hương thắp cho các chiến sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Trên đường ra nghĩa trang, cây gạo đầu làng hoa đỏ rực, lại nhớ câu ca “Tháng ba hoa gạo...”. Trên những cành sần sùi, thô mộc dường như có bàn tay vô hình của một người nghệ sĩ, đang quét lên bầu trời xanh rời rợi một màu đỏ thắm rực rỡ. Màu đỏ bông hoa gạo đang hòa trong sắc cờ đỏ sao vàng, mừng ngày vui dân tộc, Ngày kỷ niệm 46 năm giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong tôi cũng như bao người dân Việt trào dâng cảm xúc khi nhìn thấy hoa gạo nở, cờ đỏ phấp phới bay...

Tản văn của KHÚC HÀ LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/hoa-gao-no-co-do-bay-658273