Hối hận khi rời bỏ công ty cũ

Dù rời đi vì mong muốn công việc tốt hơn, không ít nhân viên tham gia làn sóng từ chức hoài niệm công ty cũ và hối hận khi bỏ việc.

 Có đến 80% nhân viên tham gia làn sóng từ chức hối hận về quyết định của mình. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels.

Có đến 80% nhân viên tham gia làn sóng từ chức hối hận về quyết định của mình. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels.

2022 là một năm ghi nhận con số kỷ lục về lượng người nghỉ việc. Tiêu biểu, tháng 12 đã có tới 4,1 triệu người lao động bỏ việc, nâng tổng số lên đến hơn 50 triệu người cho cả năm. Bên cạnh đó, với mong muốn có được mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn, năm 2021, đã có khoảng 47 triệu nhân viên nhảy việc.

Giờ đây, có đến 8/10 người hối hận về quyết định nghỉ việc, theo nghiên cứu mới của Paycheck, công ty cung cấp các dịch vụ về nhân lực, tiền lương và phúc lợi tại Mỹ.

Để phân tích ảnh hưởng của việc từ chức và đánh giá mức độ hài lòng trong công việc của nhân viên, Paycheck đã khảo sát 825 nhân viên lựa chọn bỏ việc khi xu hướng “Đại từ chức” (The Great resignation) bùng nổ cùng 354 nhà tuyển dụng khác.

Kết quả cho thấy sức khỏe tinh thần, mối quan hệ nơi làm việc, mức cân bằng công việc và cuộc sống (work-life balance) cũng như cơ hội tuyển dụng của người lao động đều bị ảnh hưởng đáng kể sau khi nghỉ việc, CNBC Make It cho hay.

Gen Z thuộc nhóm nhân viên hối hận việc từ chức nhất. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels.

Gen Z thuộc nhóm nhân viên hối hận việc từ chức nhất. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels.

Gen Z chật vật nhất

Theo Paycheck, nhân viên thuộc Gen Z (thế hệ sinh năm 1996 trở về sau) là nhóm người nhớ về công việc cũ nhiều nhất. Thực tế, có đến 89% Gen Z hối hận khi nghỉ việc và điều này khiến sức khỏe tinh thần của họ xuống dốc rõ rệt.

Đồng nghiệp là một trong những điều nhân viên nuối tiếc nhất khi nghỉ việc.

Tình bạn nơi công sở có khả năng xây dựng ý thức cộng đồng giữa các nhân viên cũng như tạo ra văn hóa làm tích cực tại công ty, vốn chính là điều gây hoài niệm nhất ở công việc cũ của nhiều người, Jeff Williams, phó chủ tịch bộ phận giải pháp cho nhân sự và doanh nghiệp tại Paycheck, cho hay.

Nghiên cứu của Paycheck cho thấy cứ 10 nhân viên sẽ có 9 người đổi lĩnh vực nghề nghiệp sau khi từ chức. Tuy nhiên, khả năng hối hận của họ lại cao hơn 25% so với những người tiếp tục theo đuổi ngành ban đầu.

Thêm vào đó, nhân viên thuộc Gen Z thường nhớ làm việc trực tiếp tại văn phòng. Trong khi đó, nhóm Gen X (thế hệ sinh trong khoảng từ những năm 1960 đến những năm 1970) thì nuối tiếc sự cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân, Williams nói thêm.

Vì sức khỏe tinh thần và mức cân bằng giữa công việc và cuộc sống (work-life balance), nhiều người chọn từ chức. Tuy nhiên, chỉ khoảng nửa số người tham gia khảo sát hài lòng với hai tiêu chí này ở công việc mới (54 % về sức khỏe tinh thần và 43% cho work-life balance). Trong đó, Gen Z, thật không may, là nhóm nhân viên có chỉ số thấp nhất, theo Williams.

Không nhiều nhà tuyển dụng tin tưởng những nhân viên cũ quay lại làm việc. Ảnh minh họa: Pavel Danilyuk/Pexels.

Không nhiều nhà tuyển dụng tin tưởng những nhân viên cũ quay lại làm việc. Ảnh minh họa: Pavel Danilyuk/Pexels.

Nghi ngờ về lòng trung thành

Dù đa số nhà tuyển dụng đều cởi mở với nhân viên nhảy việc, vẫn có một vài người do dự và nghi ngờ về độ trung thành của boomerang employees (nhân viên cũ muốn trở lại làm việc).

Khi được hỏi liệu có sẵn sàng thuê lại những nhân viên bỏ việc trong cuộc Đại từ chức hay không, 27% nhà tuyển dụng trả lời là có và đã chấp nhận thuê ít nhất một người như thế.

Bên cạnh đó, 43% phản hồi tương tự song chưa từng tuyển nhân viên cũ và 30% còn lại thì nói không.

Thông thường, chúng ta tin rằng ngày càng nhiều công ty sẽ muốn tuyển lại boomerang employee.

Nhà tuyển dụng cởi mở sẽ chào đón nhóm nhân viên này vì những lý do như thị trường lao động eo hẹp, kỹ năng chuyên môn, thời hạn làm việc (theo hợp đồng) cùng sự thấu hiểu về yêu cầu chất lượng công việc.

Trong khi đó, những người do dự khi tuyển dụng sẽ nghi vấn về lòng trung thành, mức đền bù cũng như nguyên do tiềm ẩn của việc quay trở lại của nhân viên, Williams giải thích.

Lòng trung thành nơi làm việc là điều khiến nhiều công ty dè dặt trước nhân viên cũ. Lương của nhóm nhân viên này thường tăng 7% so với trước đó. Tuy nhiên, có đến 38% nhà tuyển dụng không sẵn lòng bổ sung phúc lợi mới cho họ.

Đặc biệt, 1/3 chủ lao động sẽ không xem xét tới tuyển lại nhân sự cũ. Chưa kể, so với nhà tuyển dụng cổ cồn trắng (white-collar employer), suy nghĩ này xuất hiện nhiều hơn 17% ở nhóm cổ cồn xanh (blue-collar employer).

Nhân viên nên cởi mở hơn khi tìm kiếm cơ hội mới. Ảnh minh họa: fauxels/Pexels.

Nhân viên nên cởi mở hơn khi tìm kiếm cơ hội mới. Ảnh minh họa: fauxels/Pexels.

Lời khuyên

Dành thời gian ôn lại những kỷ niệm tốt đẹp là điều bình thường. Dù vậy, Williams khuyên nhân viên không nên để bản thân chìm đắm trong quá khứ quá lâu.

“Hoài niệm là kẻ thù của sự thăng tiến. Nếu bị từ chối tuyển dụng, bạn hãy cố gắng xốc lại tinh thần và tiếp tục tìm kiếm công việc khác. Trong khi đó, nhận thức giá trị cá nhân và tự tin về bản thân là thiết yếu”, Williams chia sẻ.

Một khi có được cách lật ngược tình thế, Williams gợi ý nhân viên nhìn nhận những điều bản thân có thể điều chỉnh và kiểm soát một cách thoải mái hơn.

Chẳng hạn, bạn có thể lựa chọn bạn bè tin cậy để đánh giá hồ sơ xin việc. Bên cạnh đó, xây dựng mạng lưới kết nối, tham gia xã giao hay học hỏi cải thiện kỹ năng cũng là những điều nằm trong tầm tay của bạn.

Williams nói thêm rằng người lao động nên hạn chế tránh nhảy việc trong tương lai. Cách này giúp họ bổ sung thêm yếu tố stability (ổn định) vào sơ yếu lý lịch cá nhân. Thêm vào đó, dù tình hình hiện tại có vẻ không mấy khả quan, nó sẽ không kéo dài mãi mãi. Vẫn có kha khá nhà tuyển dụng ngoài kia sẵn sàng tuyển dụng và tăng phúc lợi cho nhân viên cũ.

Thiên Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hoi-han-khi-roi-bo-cong-ty-cu-post1400966.html