Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021

Sáng 28/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021; triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chủ trì hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Cùng dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; Hội Khuyến học Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành trung ương; Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh.

Đánh giá những kết quả đạt được trong năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện trở lại và bùng phát ở hết các tỉnh, thành phố, ngành Giáo dục đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, hoàn thành mục tiêu kép, vừa tham gia tích cực trong phòng, chống dịch đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học, đảm bảo chất lượng giáo dục.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhằm tháo gỡ những "nút thắt", tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT theo yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương. Luật hóa nhiều chủ trương quan trọng như chính sách phát triển GDMN; đổi mới chương trình, SGK GDPT; nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương trong sự nghiệp phát triển GDĐT. Chủ động điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt, nhằm bảo đảm quyền lợi và tiếp cận công bằng cho học sinh. Kỳ thi đã đáp ứng được yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng, minh bạch, nghiêm túc và được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là trong cơ sở GDMN ngoài công lập. Công tác triển khai chương trình, SGK mới đối với lớp 1 hoàn thành đúng kế hoạch, đảm bảo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, một số mặt còn nổi trội hơn so với chương trình hiện hành.

Chất lượng GDPT mũi nhọn tiếp tục được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Kết quả thi Olympic năm 2021, với 37/37 học sinh dự thi đều đạt giải đã khẳng định sự cố găng vượt bậc trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Chất lượng GDĐH có những cải thiện rõ rệt, năm 2021 có 5 cơ sở giáo dục đại học lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Năm học 2021-2022, Bộ GDĐT xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm như: Chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành giáo dục thích ứng với dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với chuyển đổi số trong quản lý giáo dục; Tiếp tục triển khai chương trình GDPT mới 2018 đảm bảo chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 2 và lớp 6; Chuẩn bị các điều kiện thực hiện dạy học môn Tin học và Ngoại ngữ đối với lớp 3 từ năm học 2022-2023;

Triển khai thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, Tiểu học, THCS theo quy định tại Nghị định số 71. Đào tạo gắn với nhu cầu, đảm bảo đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng giáo viên mầm non, phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục;

Ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu, đảm bảo thực hiện chương trình đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và chương trình GDPT mới 2018…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, trong điều kiện khó khăn khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 không nên chủ quan, lơ là mất cảnh giác, luôn luôn bám sát thực tiễn, có tổng kết, đưa ra phương pháp phù hợp trong giáo dục đào tạo. Ngành kiên định dù khó khăn mấy cũng phải thực hiện mục tiêu "Vì lợi ích trăm năm trồng người".

Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả tích cực, cần nhìn nhận thẳng thắn những khuyết điểm, hạn chế, đề nghị lĩnh vực, ngành, địa phương có biện pháp tháo gỡ. Ngành GDĐT xác định rõ những việc làm cụ thể trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những tồn tại hiệu quả. Phải nghiên cứu đưa giáo dục văn hóa, truyền thống lịch sử sâu hơn nữa vào giáo dục.

Nghiên cứu, cần có chính sách hỗ trợ giáo viên, cơ sở giáo dục ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19. Cần giải quyết các vấn đề năm học 2021-2022 và giải quyết các mục tiêu của ngành đã đặt ra trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII.

Bộ Y tế phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, đề xuất phương án tiêm vắc xin cho học sinh phù hợp, sớm nhất, để học sinh THCS trở lên được đến trường bình thường cùng các biện pháp phòng, chống dịch.

Đối với địa phương không có dịch có biện pháp trở lại trường học, Bộ GDĐT cần hướng dẫn cụ thể để hướng dẫn học sinh vùng dịch được học theo hình thức phù hợp. Quan tâm hơn nữa việc đưa thông tin chống dịch trong hệ thống nhà trường.

Cần đề xuất chính sách miễn, giảm học phí đối với học sinh ảnh hưởng nặng nề dịch bệnh. Các tỉnh, thành phố rà soát lại các trường học để xây dựng mạng lưới trường phù hợp với địa phương. Kêu gọi thầy cô, toàn thể học sinh nâng cao tinh thần chống dịch, mình vì mọi người, mọi người vì mình, vì tương lai con em chúng ta. Chống dịch là trách nhiệm nghĩa vụ của mỗi người.

Bộ GDĐT cần phối hợp với các địa phương gắn quy hoạch với phù hợp giáo dục hiện đại. Gắn đào tạo với nhu cầu xã hội. Tránh tình trạng học dễ thi khó. Sớm công bố phương án thi THPT. Cần có giải pháp sao cho học sinh thích học môn lịch sử. Tăng cường dạy học ngoại ngữ gắn với sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ…

Xem trên Youtube

Hồng Vân- Minh Quang - Anh Tú

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-tong-ket-nam-hoc-2020-2021/d20210828133911501.htm