Hồi sinh 'rừng vàng, biển bạc' - Bài cuối: Những gợi ý khả thi

Tài nguyên thiên nhiên, trong đó có nguồn lợi thủy sản, được coi là điểm tựa nền tảng của Cà Mau để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững. Những sản vật của xứ rừng, biển Cà Mau đã tạo dựng được uy tín, thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế ngày càng lớn. Trân trọng thiên nhiên, ý thức trách nhiệm, tự hào và nỗ lực hành động để gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên cũng chính là chìa khóa mở ra tương lai phát triển giàu đẹp, bền vững của quê hương.

Khôi phục môi trường

Ông Ðỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, thông tin: “Từ năm 2020, tỉnh Cà Mau đã triển khai thực hiện Dự án “Thả rạn nhân tạo nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản kết hợp phát triển du lịch trên vùng biển tỉnh Cà Mau”. Ðây là dự án hợp tác với Thái Lan nhằm khôi phục tài nguyên biển và hạn chế sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế cho cư dân, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ðến nay, khoảng 1 ngàn khối rạn san hô nhân tạo đã được đưa xuống biển Tây, hình thành bãi sinh dưỡng, phát triển cho các loài thủy sản. “Hằng năm, hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ở Cà Mau đều được triển khai với kết quả và ý nghĩa thiết thực. Bên cạnh đó, các dự án khôi phục, phát triển rừng, biển, bảo vệ các bãi sinh trưởng trọng yếu của thủy sản ven biển Cà Mau ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã góp phần hình thành môi trường thuận lợi để phục hồi nguồn lợi thủy sản tự nhiên”, ông Sĩ thông tin.

Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, cho biết: “Một trong những nhiệm vụ của đơn vị là gìn giữ hệ sinh thái rừng ngập mặn, trong đó có nguồn lợi thủy sản. Ðồng thời, với việc bảo vệ rừng, các loài thủy sản cũng có môi trường thuận lợi hơn để phát triển. Việc người dân ý thức không khai thác bằng các hình thức tận diệt, hủy diệt cũng làm cho nguồn lợi thủy sản phục hồi tích cực. Mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng cũng đã giúp người dân có ý thức hơn trong việc gìn giữ, trân trọng thiên nhiên”.

Phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ nguồn lợi cá đồng, hướng đi đúng đắn và kịp thời.

Phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ nguồn lợi cá đồng, hướng đi đúng đắn và kịp thời.

Ông Quách Văn Ngãi, ấp Cồn Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tâm đắc: “Tôi và bà con làm du lịch cộng đồng ở đây cùng một mối lo về sự suy giảm của thủy sản tự nhiên. Cái gì được gọi là “đặc sản” thì cái đó càng mau hết. Ngoài sông, ngoài biển, cá tôm đã không còn như trước, vậy nên chúng tôi phải chăm chút gầy dựng lại môi trường trong vuông thật lý tưởng để các loài thủy sản phát triển. Về Mũi Cà Mau mà không còn cua, tôm, không còn những sản vật độc đáo tự nhiên của rừng, biển thì cũng như không. Mỗi người góp một chút ý thức, một hành động có ích thì mọi thứ sẽ dần tốt lên, cá tôm lại sinh sôi, phát triển nhiều thêm”.

Mô hình rừng kết hợp với tôm, cua và các loài thủy sản giá trị khác ở Ngọc Hiển cho thấy lợi ích kinh tế và tính bền vững. Ông Lê Hoài Phương, Phó trưởng phòng Phụ trách, Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển, chia sẻ: “Mô hình tôm - rừng kết hợp với các loại thủy sản của người dân bước đầu khôi phục lại hệ sinh thái trù phú đặc trưng của rừng ngập mặn. Sự lan tỏa của mô hình không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn gìn giữ được nét đẹp tinh thần, văn hóa của quê hương Ngọc Hiển. Ðó cũng là cơ sở để bà con tạo dựng mô hình sinh kế mới, trong đó có định hướng phát triển du lịch”.

Lựa chọn của tương lai

Những người làm du lịch như anh Phạm Duy Khanh, Ðiểm du lịch Mười Ngọt, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, hàm ơn những sản vật từ rừng tràm, trong đó có con cá đồng. Với gần 100 ha rừng tràm được gầy dựng trong suốt chục năm trời, anh Khanh dành một diện tích lớn để làm khu bảo tồn nguồn lợi cá đồng.

“Con cá đồng cũng như mọi loài khác, mình khai thác thì phải biết giữ, biết dưỡng. Hàng chục năm qua cá đồng được gia đình tôi giữ gìn, khai thác phục vụ du lịch ở mức độ vừa phải. Giá trị của cá đồng không chỉ trong ẩm thực, mà còn là nét đẹp riêng có mang tính đại diện của rừng tràm U Minh Hạ mà ai cũng muốn trải nghiệm tường tận”, anh Khanh tâm sự.

Trải nghiệm bắt cá đồng theo cách thức truyền thống của cư dân rừng tràm, ăn những món ăn được chế biến dân dã, mộc mạc của người Cà Mau, hương vị cá đồng thứ thiệt luôn là lựa chọn ưu tiên của du khách khi đến với du lịch tuyến U Minh Hạ. Con cá đồng trở thành sản phẩm du lịch, bạn đồng hành với người làm du lịch. Ðó cũng là tâm niệm của bà Ngô Huỳnh Trang, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cà Mau (Cà Mau - ECO), ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời: “Về với Cà Mau - ECO là về với không gian đặc trưng của rừng tràm U Minh Hạ, con cá đồng là sản vật không thể thiếu. Chúng tôi khôi phục nguồn lợi cá đồng, hạn chế tối đa các tác nhân gây ảnh hưởng đến cá đồng và chỉ khai thác phục vụ cho các hoạt động trải nghiệm du lịch”.

Gần gũi hơn, khi con cá đồng có giá trị kinh tế cao, nhiều nông hộ vùng U Minh Hạ đã lựa chọn mô hình khôi phục cá đồng kết hợp với trồng bồn bồn thương phẩm.

Vườn Quốc gia U Minh Hạ tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát, trong đó có việc ngăn chặn các hành vi đánh bắt trái phép để bảo vệ nguồn lợi cá đồng.

Vườn Quốc gia U Minh Hạ tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát, trong đó có việc ngăn chặn các hành vi đánh bắt trái phép để bảo vệ nguồn lợi cá đồng.

Ông Nguyễn Văn Tông, Ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh, thành viên Hợp tác xã An Hòa, bộc bạch: “Gầy dựng lại cá đồng kết hợp trồng bồn bồn thì lợi nhiều bề. Thứ nhất là rái cá không phá nhiều, bên cạnh đó, cá đồng, bồn bồn, món nào bán cũng có tiền. Nếu nhà ai cũng có nguồn cá đồng nhiều thì sẽ không có chuyện đi khai thác vô tội vạ ngoài sông rạch, cá đồng có điều kiện phát triển trở lại”.

Khánh An đã hình thành được 2 hợp tác xã gắn với mục tiêu khôi phục lại nguồn cá đồng tự nhiên. Các hộ gia đình tham gia hợp tác xã đều cam kết thực hiện hài hòa giữa khai thác và bảo vệ, phục hồi cá đồng, tuyệt đối không sử dụng các biện pháp khai thác tận diệt, hủy diệt.

Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện U Minh, tâm huyết: “U Minh đang xúc tiến khảo sát địa điểm xây dựng phương án triển khai “Mô hình bảo vệ và phát triển nguồn lợi cá đồng”. Ðây là gợi ý hữu ích đối với bà con trong việc lựa chọn mô hình kinh tế để phát triển lâu dài. Ðặc biệt, cá đồng được xác định là tài nguyên quý giá cho du lịch, sâu xa hơn còn là để gìn giữ nét đẹp đặc trưng của con người, vùng đất U Minh”.

Ông Lê Thanh Dũng, Phó giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, trải lòng: “Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, toàn diện của các cấp, ngành, người dân, nhất là các dự án nghiên cứu khoa học, các chương trình, mô hình khả thi để bảo tồn, tái tạo, khôi phục nguồn lợi cá đồng U Minh Hạ. Ðiều này không chỉ giải quyết vấn đề về sinh thái, môi trường, mà còn là để mở ra những lựa chọn sinh kế phù hợp cho người dân, trong đó có du lịch, mô hình trang trại nông nghiệp quy mô lớn. Từ đó, góp phần vào việc gìn giữ được những nét đặc trưng độc đáo của hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ”.

Huyện U Minh phát động người dân giao nộp dụng cụ khai thác thủy sản tận diệt. Qua đó, nâng cao ý thức của bà con trong giữ gìn và khôi phục nguồn lợi thủy sản.

Huyện U Minh phát động người dân giao nộp dụng cụ khai thác thủy sản tận diệt. Qua đó, nâng cao ý thức của bà con trong giữ gìn và khôi phục nguồn lợi thủy sản.

Hồi sinh nguồn lợi thủy sản thiên nhiên, như đã nói, không chỉ và không thể có kết quả trong ngày một, ngày hai. Những chỉ thị, nghị quyết chỉ có kết quả khi thấm vào lòng dân, thuận lòng dân với quyết tâm lớn và bằng quá trình nỗ lực, hành động kiên trì, liên tục. Cà Mau chọn "điểm đột phá" từ câu chuyện nói không với hành vi khai thác thủy sản theo kiểu hủy diệt, tận diệt - một khế ước cam kết ý nghĩa với biển, với rừng, với tiền nhân và những thế hệ tương lai về mảnh đất Cà Mau “rừng vàng, biển bạc”, phát triển hài hòa, bền vững./.

Kim Cương - Hải Nguyên

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hoi-sinh-rung-vang-bien-bac-bai-cuoi-nhung-goi-y-kha-thi-a31674.html