Hơn 1/4 triệu người tử vong do COVID-19 trên toàn cầu

Tính đến 7h30 sáng 5/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 3,6 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong khi số ca tử vong vì dịch bệnh đã vượt mốc 250.000 người.

 Các y tá xử lý mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seattle, bang Washington - Ảnh: AFP

Các y tá xử lý mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seattle, bang Washington - Ảnh: AFP

Theo trang worldometers.info, Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với tổng cộng hơn 1,21 triệu ca mắc và hơn 69.000 ca tử vong. Còn theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, trong 24 giờ qua, số ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ là 1.015 ca, mức thấp nhất trong vòng 1 tháng qua.

Tuy nhiên, Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe Mỹ (IHME), một mô hình dự đoán rất có uy tín tại Mỹ, đã điều chỉnh tăng đáng kể dự báo số ca tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này sau khi nhiều vùng bắt đầu nối lại các hoạt động kinh tế.

Brazil đang đối mặt với sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19. Tính đến 15h chiều 4/5 (giờ Việt Nam), Brazil ghi nhận 101.826 ca mắc và 7.051 ca tử vong do COVID-19. Tỉ lệ tử vong trên số ca mắc ở nước này là gần 7%. Các chuyên gia cho rằng số ca mắc và tử vong trên thực tế còn cao hơn nhiều bởi Brazil chưa tiến hành xét nghiệm trên diện rộng.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hôm 17/4 đã sa thải Bộ trưởng Y tế, người ủng hộ các biện pháp hạn chế nhằm ứng phó đại dịch mà ông Bolsonaro tin rằng có thể hủy hoại nền kinh tế đất nước. Ông Bolsonaro thậm chí còn tham gia biểu tình cùng hàng trăm người bên ngoài một doanh trại quân đội ở Brasilia, phản đối lệnh ở nhà của các thống đốc bang.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến mạnh lên tại châu Mỹ, Mexico đã bắt đầu triển khai kế hoạch DN-III-E, được kích hoạt trong trường hợp đối phó khủng hoảng, thảm họa thiên tai và đại dịch, huy động sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang ở tất cả các cấp, nhằm đối phó với đại dịch COVID-19. Theo kế hoạch, lực lượng thuộc hai Bộ Quốc phòng và Hải quân Mexico sẽ tiếp quản 32 bệnh viện và 48 cơ sở y tế, tăng cường chiến lược ứng phó với tình huống mới có thể xảy ra và xây dựng bệnh viện dã chiến tại các điểm nóng có tỉ lệ lây nhiễm cao. Tới nay, Mexico ghi nhận 24.905 ca nhiễm, trong đó có 2,271 ca tử vong. Dự báo đỉnh dịch COVID-19 tại quốc gia này sẽ bắt đầu từ ngày 6/5 và kéo dài trong vòng 3 tuần.

Châu Âu là châu lục bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC), giám sát tình hình y tế ở 27 quốc gia thành viên EU, cộng thêm Anh, Na Uy và Công quốc Liechtenstein, đánh giá hiện nay ở khu vực vẫn còn 5 nước là Anh, Bulgaria, Ba Lan, Romania, Thụy Điển có tình hình dịch COVID-19 phức tạp, chưa qua đỉnh dịch.

Tuyên bố trên của ECDC dường như ngược với quan điểm của Anh. Tính đến ngày 4/5, Anh ghi nhận gần 190.000 người mắc COVID-19, trong đó khoảng 28.500 người tử vong. Ngày 30/4, Thủ tướng Anh Boris Johnson, vừa trở lại làm việc vào tuần trước sau khi mắc COVID-19, cho rằng nước này đã qua đỉnh dịch và "đang trên đà giảm".

Tính đến ngày 4/5, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết nước này ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 là 211.938 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong là 29.079 trường hợp và số bệnh nhân hồi phục là 82.879 ca. Tổng số ca nhập viện với các triệu chứng là 16.823 trường hợp và số điều trị tích cực là 1.479 người.

Trải qua 55 ngày phong tỏa trên toàn quốc, ngày 4/5, Italy chính thức bước vào giai đoạn 2 tình trạng khẩn cấp dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, giai đoạn sống chung cùng virus SARS-CoV-2. Trong một thông báo, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết: “Hơn 4 triệu người dân Italy sẽ quay trở lại làm việc, di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng, nhiều công ty, nhà máy sẽ bắt đầu trở lại làm việc và nhiều nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra”.

Số ca tử vong vì dịch COVID-19 tại Pháp đã lên tới 25.201 người (tăng 306 ca trong 24 giờ), bao gồm 15.826 ca ở bệnh viện (tăng 243 ca) và 9.375 ca ở nhà dưỡng lão và các cơ sở y tế xã hội (tăng 63 ca).

Hiện Pháp ghi nhận 169.462 người nhiễm COVID-19, trong đó có 25.548 ca đang phải nằm viện (giảm 267 so với hôm trước), trong đó 3.696 ca phải chăm sóc đặc biệt (giảm 123). Như vậy, số bệnh nhân nặng cần chăm sóc tích cực đã giảm liên tiếp trong 26 ngày qua.

Trong khi đó, tại Nga đã hai ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 trên 10.000 ca/ngày. Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Nga thông báo nước này ngày 4/5 ghi nhận thêm 10.581 ca mắc COVID-19, đưa tổng số người mắc bệnh lên 145.268. Trong số những người mới mắc bệnh, có tới 50,6% số ca không có biểu hiện lâm sàng. Tính đến nay, Nga ghi nhận 18.095 người khỏi bệnh và 1.356 trường hợp tử vong. Thủ đô Moscow vẫn là địa phương ghi nhận nhiều người mắc COVID-19 nhất, với 74.401 ca.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/hon-14-trieu-nguoi-tu-vong-do-covid19-tren-toan-cau/394703.vgp