Hồn Kén miền lễ hội

PTĐT - Đất thiêng Dị Nậu bao đời nay không chỉ là địa danh văn hóa - lịch sử ghi dấu ấn đặc trưng của làng Việt cổ mà còn nức tiếng gần xa với một tổ hợp trò chơi dân gian phong phú, đa dạng trường tồn ngàn đời nay, để lại nhiều giá trị văn hóa truyền thống nơi làng quê bình dị.

Diễn xướng “Bách nghệ trình làng” tái hiện chân thực bức tranh cuộc sống của người dân làng quê Dị Nậu.

Diễn xướng “Bách nghệ trình làng” tái hiện chân thực bức tranh cuộc sống của người dân làng quê Dị Nậu.

“Cướp Kén” là tục cúng, rước dương vật (Linga) và âm vật (Yoni), một trò chơi dân gian tiêu biểu trong ngày hội xuân ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông. Theo sử sách còn lưu lại, sau khi thắng trận dẹp loạn quân giặc, Đức Thánh Tản Viên cùng các đại vương trở về thăm đất làng Dị Nậu, người dân đến chúc mừng và xin các Ngài bày phép cho dân làng cách “truyền giống” để sinh con, đẻ cái đông đúc. Tản Viên sai Oai Vương bày trò “Rước sinh thực khí” (Cướp Kén) cho dân làng thỏa ước mong. Từ đó mỗi khi đến dịp tế lễ Tản Viên Sơn Thánh và Đại Vương Uy Minh, người dân Dị Nậu lại diễn lễ, tổ chức hội chơi Cướp Kén.
Kén được làm từ những nguyên liệu đơn giản, dân dã của làng quê Việt như gỗ xoan khô, mo cau khô… có cấu tạo bao gồm “18 nõ (Linga) - 18 nường (Yoni)”. Trước khi bắt đầu trò chơi, Kén được xếp vào hộp, đặt lên hương án để tế lễ, xin âm keo. Sau khi yết kiến Thánh thần, tẩy uế, người dân treo Kén lên cây Nêu bằng những sợi dây mảnh dựng trước sân đình, xung quanh được tô điểm bởi lọng che và cờ xí. “Nhất cử khôi khoa, lúa thóc đề đa, ăn nên làm ra, lộc thiên niên hưởng…” là những lời Thủ Từ chúc tụng trước lễ cướp Kén với mong muốn cầu may mắn và cầu cho vụ mùa bội thu trong năm mới. Sau khi làm lễ, Thủ Từ cầm Kén giơ lên cao rồi vung mạnh về mọi phía, khi Kén rụng xuống, mọi người bắt đầu ùa vào cướp trong tiếng hò reo, cổ động của dân làng và tiếng trống, chiêng liên hồi. Người Dị Nậu quan niệm: “Ai cướp được nõ là điềm sinh con trai, cướp được nường là điềm sinh con gái, cướp được Kén thì năm ấy sẽ gặp nhiều may mắn, công việc làm ăn được thuận lợi, mùa màng tươi tốt, cây cối thêm sai quả, gia súc đầy đàn”. Bởi thế, có người đã cướp được Kén mà không giữ chặt thì vẫn bị người khác cướp mất, có khi họ rượt đuổi nhau cả một bãi sân đình để tranh cướp Kén. Tích trò dân gian này ra đời chất chứa một giá trị nhân sinh rộng lớn và sâu sắc, bày tỏ niềm mơ ước muôn đời, mong sao cho vật thịnh nhân cường của mọi kiếp người, khơi dậy tinh thần đoàn kết của dân làng bền chặt như keo sơn.Nét đặc sắc trong văn hóa lễ hội truyền thống của làng Việt cổ Dị Nậu không chỉ thể hiện qua trò chơi dân gian “Cướp Kén” mà còn nổi bật bởi “Bách Nghệ Trình Làng” - tích trò diễn xướng độc đáo đại diện cho nét văn hóa xã hội đặc thù của làng quê Dị Nậu xưa có từ thuở Hùng Vương dựng nước. “Bách nghệ trình làng” tái hiện chân thực bức tranh cuộc sống của người dân làng quê Dị Nậu qua lối diễn hài hước, trào phúng mang sắc màu dân gian đặc trưng, phản ánh xã hội, tập quán sản xuất, đời sống sinh hoạt từ những hình ảnh gần gũi, sinh động đời thường như: Ông đồ, cụ giáo, thợ mộc đến con trâu, cái cày…

Trò chơi dân gian “Cướp Kén”.

Trò chơi dân gian “Cướp Kén”.

Gắn bó với mảnh đất quê hương hơn nửa quãng đời, những người “diễn viên” tham gia diễn xướng “Bách Nghệ trình làng” hầu hết nằm trong độ tuổi từ 40 tuổi đến 60 tuổi, họ đều là người làm nghề nông chất phác. Trò chuyện cùng nghệ nhân Hán Thị Ngôn, bà chia sẻ: “Diễn xướng Bách nghệ trình làng thực chất là một chuỗi các tiểu phẩm hài. Mỗi vở diễn đều mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc về việc học tập, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống, mang tiếng cười, niềm vui sống, sự lạc quan đến mọi người, gạt đi những gánh nhọc nhằn, vất vả đời thường”.Về với Dị Nậu những ngày lễ Tế Hội đồng (từ mùng 1 đến 12 tháng Giêng hàng năm), ta không chỉ được thưởng thức tiết mục diễn xướng “Bách nghệ trình làng”, được tham gia “Cướp Kén” cùng dân làng mà còn được đắm chìm trong không gian lễ hội rực rỡ sắc màu, hòa mình vào những làn điệu hát tơ, hát xoan truyền thống, những tích trò dân gian sôi nổi, hào hứng như chơi tổ tôm, cờ người, đánh trận giả… Thông qua các trò chơi, tính tập thể, cộng đồng, tinh thần đoàn kết của người dân ngày càng được nâng cao, ý chí kiên cường, sự dẻo dai trong tính cách con người cũng thêm phần tôi luyện. Trong cuộc sống ngày nay, khi trò chơi dân gian đang dần bị lãng quên bởi sự phát triển của công nghệ giải trí hiện đại, việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống mà trò chơi dân gian mang lại là điều hết sức cần thiết. Ông Tạ Đình Hạp, Phó ban Di tích lịch sử văn hóa xã Dị Nậu cho biết: “Để tiếp tục bảo tồn, lưu giữ và lan tỏa nét đẹp truyền thống dân tộc qua các tích trò dân gian, hằng năm các lễ hội truyền thống, các ngày hội văn hóa, thể thao được diễn ra sôi nổi; công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục ý thức, trách nhiệm cho thế hệ trẻ về việc gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống làng Việt cổ được duy trì thường xuyên, liên tục; tổ chức các câu lạc bộ giao lưu, luyện tập diễn xướng; tích cực tham gia các lễ hội lớn nhằm quảng bá để du khách thập phương biết đến các tích trò dân gian nổi tiếng của làng quê Dị Nậu”.Trong ký ức tuổi thơ của các thế hệ người con Dị Nậu, trò chơi dân gian đã trở thành một phần hồn cốt gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần, nuôi dưỡng truyền thống văn hóa vùng đất cổ thiêng liêng tiếp tục phát triển đến ngàn đời sau.

Mai Bích

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/201909/hon-ken-mien-le-hoi-166714