Hun đúc cho mỗi người dân Việt Nam tinh thần yêu nước nồng nàn

Hoàn cảnh lịch sử luôn phải đương đầu với những kẻ thù lớn mạnh hơn mình nhiều lần đã tạo nên phẩm chất anh dũng, quật cường, mưu trí sáng tạo của người dân Việt Nam; hun đúc cho mỗi người dân Việt Nam tinh thần yêu nước nồng nàn, ý thức tự tôn dân tộc và tinh thần bất khuất, tự lập, tự cường rất cao.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổ chức tại Hà Nội, sáng 24/11, đại biểu là trí thức, văn nghệ sỹ, nhà khoa học đã chia sẻ cảm xúc, tâm tư, nguyện vọng đối với quá trình xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới của đất nước; đề xuất, đóng góp nhiều giải pháp cho công cuộc phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang phát biểu tại hội nghị.

GS.TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội): “Văn hóa - Con người nhân tố bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam”

Theo GS.TS Vũ Minh Giang, văn hóa truyền thống của đất nước ta thường được định danh là kinh tế nông nghiệp, cư dân nông dân, xã hội nông thôn nhưng trong thời gian đã phát triển và biến đổi. Cùng với đó, môi trường sông nước đã tạo nên một nền văn hóa sông nước với những cư dân sống trên đó có phong cách rất linh hoạt, ứng phó giỏi với mọi tình thế.

Bên cạnh những thuận lợi, thiên nhiên Việt Nam đặt ra những thách thức cho con người như lũ lụt, bão tố, dịch bệnh. Chính trong cuộc đấu tranh vật lộn với thiên nhiên đã tạo nên truyền thống không chùn bước trước khó khăn và biết gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh để vượt qua mọi thử thách. Với vị trí địa lý nằm ở nơi giao tiếp có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng, Việt Nam luôn bị “xô đập” bởi biến tố ở khu vực và trên thế giới. Tính cách giỏi thích ứng, nhạy cảm của người Việt phần nhiều được hình thành do tác động của những yếu tố này.

Bên cạnh đó, hoàn cảnh lịch sử luôn phải đương đầu với những kẻ thù lớn mạnh hơn mình nhiều lần đã tạo nên phẩm chất anh dũng, quật cường, mưu trí sáng tạo của người dân Việt Nam; hun đúc cho mỗi người dân Việt Nam tinh thần yêu nước nồng nàn, ý thức tự tôn dân tộc và tinh thần bất khuất, tự lập, tự cường rất cao. Đây chính là phẩm chất vô cùng quý báu của Việt Nam.

Để có thể biến văn hóa thành nguồn lực, khai thác di sản văn hóa như những tài nguyên, theo GS.TS Vũ Minh Giang, giải pháp quan trọng đầu tiên phải là đổi mới tư duy nhận thức một cách cân bằng; trước hết là phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động, phải hiểu văn hóa là một nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của một dân tộc.

Song song với đó, cùng với việc đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa cũng phải đánh giá đúng và tính hết những khó khăn khi triển khai. Giáo dục văn hóa, lịch sử cho các tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên cần được coi như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược.

Đẩy mạnh ngoại giao văn hóa cũng không nên chỉ dừng ở mức độ giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài mà phải có tính toán dài hơn, phải coi văn hóa như một “vũ khí”để tiến ra thế giới, đặc biệt coi trọng thế mạnh của gốc người Việt Nam. Ngoài ra, để phát huy sức mạnh mềm, cần làm “sống dậy” các di sản, di tích của Việt Nam theo hướng hiện đại…

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Kỳ vọng văn hóa được đầu tư đúng mức, có trọng tâm, tạo đột phá mạnh mẽ, hình thành những giá trị tốt đẹp

Trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng khó khăn, thách thức của ngày hôm nay, cũng chính là động lực thúc đẩy tìm ra sự kết nối logic giữa nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào với quyết tâm chính trị cao, lựa chọn các giải pháp mang tính chiến lược, khả thi nhằm biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn...

Mối quan tâm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước dành cho văn hóa, cùng sứ mệnh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn khắc sâu hơn ý thức trách nhiệm của mỗi trí thức, văn nghệ sĩ, nhà văn hóa, nhà quản lý, những người thực hành văn hóa.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự đồng thuận của Nhân dân bởi sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tin tưởng và kỳ vọng sau Hội nghị có tính lịch sử này, văn hóa Việt Nam sẽ được đầu tư đúng mức, được phát triển có trọng tâm, có những đột phá mạnh mẽ trong việc thúc đẩy năng lực sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, hình thành những giá trị tốt đẹp, có khả năng kết nối mạnh mẽ với các trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội và khoa học công nghệ để trở thành động lực, mục tiêu của sự phát triển bền vững...

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội: Hà Nội quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, sáng tạo, phát huy truyền thống vẻ vang

Trong giai đoạn phát triển mới - “Hà Nội chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ”; song khó khăn, thử thách là không nhỏ. Để hoàn thành trọng trách nặng nề và vẻ vang ấy, Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân Thủ đô, xác định phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, sáng tạo, vừa phát huy truyền thống vẻ vang và những thành tựu đạt được, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng tối đa những cơ hội, huy động được nguồn lực tổng hợp và nhất là nguồn lực từ niềm tin, sự đồng lòng, nhất trí, ý chí và khát vọng vươn lên của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển nhanh, bền vững Thủ đô.

Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, Hà Nội cùng cả nước”, Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự giúp đỡ của các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các địa phương, bạn bè trong và ngoài nước.

Hà Nội mong muốn và đề nghị Trung ương cho chủ trương, Quốc hội sớm thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô gắn với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tạo thể chế, môi trường thuận lợi để Hà Nội phát huy hiệu quả các nguồn lực, trong đó có nguồn lực rất quan trọng là văn hóa và con người Thủ đô, nhằm tạo bước phát triển đột phá trong giai đoạn mới, để Hà Nội hòa nhịp cùng cả nước, chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc...

NSND Trần Thúy Mùi, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ tại hội nghị.

NSND Trần Thúy Mùi, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ tại hội nghị.

NSND Trần Thúy Mùi, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam: "Văn học, nghệ thuật Việt Nam không ngừng phát triển"

Sau ngày hòa bình lập lại, sau năm 1954, gần như 100% đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật được Đảng và chính phủ Việt Nam đã ưu tiên hàng đầu cho đào tạo đội ngũ chủ lực văn nghệ Việt Nam hiện đại tại các nước Đông Âu; tạo nên những thế hệ vàng và thời hoàng kim cho văn học nghệ thuật nước nhà. Hiện nay, đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật trẻ có trình độ chuyên nghiệp, có thực tế, dày dặn vốn sống, giỏi nghề, vẫn hết sức thiếu vắng.. và đang bị đứt gẫy về sự kế tục.

Đội ngũ sáng tạo nghệ thuật sân khấu chủ yếu được đào tạo trong nước, rất thiếu điều kiện để tiếp cận với những tinh hoa văn học nghệ thuật thế giới. Riêng nghệ thuật sân khấu cho thấy, sự thiếu hụt đội ngũ tác giả đạo diễn trẻ, tài năng một cách trầm trọng nhất của sân khấu thế kỉ 21.

NSND Trần Thúy Mùi nêu nguyên nhân cũng như nêu thực trạng ứng dụng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào văn nghệ chưa hiệu quả khi cơ sở vật chất sân khấu các đơn vị nghệ thuật đa phần cũ kỹ, lỗi thời, khó có thể nói đến việc ứng dụng công nghệ 4.0. Đặc biệt, phải có đội ngũ sáng tạo và cả khán giả đều phải mang tầm trí thức thời cách mạng công nghệ 4.0.

Cũng theo NSND Trần Thúy Mùi, vì sự thôi thúc khẩn thiết của đòi hỏi xã hội nên sân khấu phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho những tác phẩm mang đề tài hiện đại nhằm tổ chức đối thoại với người xem, bằng những vở diễn phản ánh sâu sắc, sinh động vấn đề đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân trong cuộc sống hôm nay. Đặc biệt là đề tài chính luận về thế sự, mang ý nghĩa giáo dục tư tưởng, của Đảng.

Những tác phẩm này rất cần Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho vở diễn được biểu diễn trong các trường Đảng, các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân để cán bộ đảng viên phải là người học tập và thẩm thấu trước tiên, nhằm thực hiện quyết tâm lớn của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, để nghệ thuật góp phần tích cực nhất vào việc “phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam” vượt qua những thách thức trong quá trình đưa đất nước phát triển và hội nhập quốc tế.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/hun-duc-cho-moi-nguoi-dan-viet-nam-tinh-than-yeu-nuoc-nong-nan-i635835/