Hương ước làng ở Quảng Ngãi

Bến sông Trà Khúc.

Trong tình hình đó, việc tìm thấy 8 bản hương ước trước 1945 của các làng Quảng Ngãi, được viết tay, có đầy đủ chữ ký của người đại diện tham gia khoán ước, chức sắc, hào mục, có dấu triện của lý trưởng và ấn chứng thị thực của cơ quan hành chính cấp tỉnh, lúc bấy giờ, quả thật là rất có ý nghĩa.

Căn cứ vào thời điểm ra đời, chúng ta thấy các hương ước hiện đã tìm được ở Quảng Ngãi, cũng như phần lớn các hương ước trong cả nước được làm ra dưới chế độ thực dân – phong kiến, thậm chí là bởi “vâng sức” của tỉnh đường đề “chỉnh đốn hương thôn” theo chủ trương “cải lương hương chính” của Nam triều.

Tuy nhiên khi xem xét nội dung cụ thể các hương ước, chúng ta lại thấy các điều khoản, các mục, chỉ đề cập đến những vấn đề quan thiết của làng xã như trật tự xã hội, nghi lễ, nề nếp gia đình, học vấn, nông tang, cứu tai truất nạn, vệ sinh công cộng.

Một điểm đáng chú ý là, như trên đã trình bày, mặc dù các hương ước này được lập ra bởi sự đốc sức của tỉnh đường (cụ thể tờ tỉnh sức N0 2886 ngày 3 tháng 6 năm 1937), nhưng các văn bản hương ước ở Quảng Ngãi chỉ lướt qua có vẻ như chiếu lệ bản “Hình sức” bên cạnh việc nhấn mạnh sự “tuân chiếu theo tục lệ bổn thôn” (Hương ước làng Nam An, tổng Bình Điền, phủ Bình Sơn) “châm chước theo tục lệ di truyền từ xưa và trình độ ngày nay lập thành bản Hương ước” (Hương ước làng An Chỉ, tổng Hành Thượng, huyện Nghĩa Hành). Rõ hơn, một số bản hương ước như làng Diên Trường (tổng Phổ Văn, Đức Phổ), làng Long Phụng, làng Thi Phổ Nhì (tổng Lại Đức, phủ Mộ Đức) lại không có đến một từ nhắc đến tờ sức, hoặc chủ trương của các quan trên.

Điều nầy cho thấy, một mặt Hương ước hình thành bởi tác động của bộ máy cai trị thực dân - phong kiến nhằm nắm lấy các làng xã vốn là thành trì nung nấu ý chí quật khởi, bất trị của người Việt nói chung và người Quảng Ngãi nói riêng; mặt khác, nó cũng là sự thể hiện sức đề kháng của các cộng đồng cư dân người Việt trước áp lực này.

Chùa làng.

Chùa làng.

Chúng ta biết rằng, chính khả năng đề kháng, sự bền bỉ tiềm tàng bảo vệ truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục, đạo lý dân tộc đã là một nhân tố cực kỳ quan trọng để người Việt có đủ nội lực chống đỡ trước các âm mưu nô dịch, đồng hóa của các thể lực xâm lăng ngoại bang, đồng thời sẵn sàng hòa giải, tiếp nhận các yếu tố văn hóa tích cực từ bên ngoài và biến chúng thành một bộ phận của văn hóa dân tộc trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt của lịch sử.

Từ định hướng của Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, chúng ta đọc lại các hương ước làng Việt Nam cổ cận đại trên tinh thần phê phán và có ý thức tiếp thu các giá trị tốt đẹp của cha ông. Quả thật, trong các bản hương ước nầy có nhiều nội dung tích cực mà chúng ta cần phải học tập, nghiên cứu để vận dụng có hiệu quả vào việc xây dựng các hương ước mới, các quy chế về làng văn hóa, nếp sống văn hóa, đặc biệt là trong phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Dĩ nhiên để việc nghiên cứu, vận dụng, học tập các hương ước có kết quả, cần nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, biết gạn đục khơi trong, vừa biết phê phán những điểm lạc hậu, lỗi thời, vừa có ý thức phát hiện những yếu tố tích cực, tiến bộ, những nội dung dân chủ, nhân bản của truyền thống văn hóa dân tộc thể hiện trong các hương ước do ông cha ta để lại.

LÊ HỒNG KHÁNH

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/201111/huong-uoc-lang-o-quang-ngai-2111783/