Huyền thoại Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực thời niên thiếu tên là Nguyễn Văn Lịch. Ông sinh năm Mậu Tuất 1838 tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An); nguyên quán ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Năm 1858, thực dân Pháp đem quân xâm lược nước ta, Nguyễn Trung Trực tham gia chiến đấu bảo vệ đồn Chí Hòa dưới quyền của Lãnh binh Trương Định. Tháng 6-1861, ông chỉ huy lực lượng nghĩa quân phía Tân An, bảo vệ vùng Gò Công, vùng Bến Lức, dọc theo sông Vàm Cỏ Đông.

Ngày 10-12-1861, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực lập chiến công vang dội, đốt cháy tàu Espérance trên vàm sông Nhựt Tảo. Kế đó, hàng loạt cuộc tấn công tàu giặc liên tiếp nổ ra ở Bến Lức, Sông Tra... Sau chiến công Nhựt Tảo, Nguyễn Trung Trực được triều đình Huế phong chức Quản Cơ.

Năm 1867, vua Tự Đức phong cho Nguyễn Trung Trực chức Thành thủ úy Hà Tiên. Ông chưa kịp về nhận nhiệm sở thì Hà Tiên đã bị giặc Pháp đánh chiếm. Ông không theo lệnh triều đình mà về Hòn Chông, tìm cách tiếp tục chống giặc. Ngày 16-6-1868, ông chỉ huy nghĩa quân tấn công đồn Kiên Giang. Gần như toàn bộ giặc Pháp trong đồn đều bị tiêu diệt.

Người dân thắp hương tri ân công đức của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Người dân thắp hương tri ân công đức của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Một tuần sau, ngày 21-6-1868 giặc Pháp đem quân chiếm lại đồn, truy bắt và tìm diệt nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực. Do lực lượng ít, thế giặc mạnh nên nghĩa quân lùi về Hòn Chông, rồi ra Phú Quốc. Ngày 19-9-1868, giặc Pháp đem quân ra Phú Quốc, tấn công vào Hàm Ninh. Nghĩa quân rút vô rừng.

Giặc Pháp được tiếp thêm viện binh, tiếp tục tấn công. Cùng lúc đó, vợ Nguyễn Trung Trực bị bệnh qua đời, con nhỏ mới sinh cũng mất, mẹ ông bị giặc bắt. Nhân dân thì bị giặc Pháp đàn áp dã man, buộc chỉ đường vào căn cứ để tiêu diệt nghĩa quân. Vì chữ hiếu, yêu nước, thương dân, Nguyễn Trung Trực bị giặc bắt.

Giặc đưa Nguyễn Trung Trực về Sài Gòn, dùng mọi thủ đoạn răn đe, dụ dỗ, nhưng ông không nao núng và khẳng khái nói với chúng rằng: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây”. Không khuyến dụ được Nguyễn Trung Trực, ngày 27-10-1868 giặc đưa ông về Rạch Giá chém đầu. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực mất đi nhưng để lại tấm gương sáng ngời về tấm lòng kiên trung, bất khuất, hiếu nghĩa, yêu nước, thương dân. Nhân dân đời đời ghi công, tôn thờ, ngưỡng mộ ông.

Trong cuộc đời binh nghiệp, người anh hùng áo vải Nguyễn Trung Trực đã để lại cho hậu thế những chiến công oanh liệt. Nổi bật nhất là chiến công đốt cháy tàu Espérance của Pháp năm 1861 và chiến công đánh chiếm đồn Kiên Giang năm 1868.

Theo tài liệu ghi lại, ngày 10-12-1861, được tin có nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực hoạt động, tàu Espérance được lệnh tuần tiễu ở rạch Nhật Tảo. Nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực tương kế tựu kế đánh mõ nghi binh kéo giặc vào sâu trong lạch. Tên chỉ huy tàu tức giận ra lệnh cho thả chiếc canô nhỏ trên tàu xuống. Mấy tên mã tà cầm dầm bơi trên sông Cái truy lùng nghĩa quân theo hướng tiếng mõ. Nghĩa quân đánh mõ thuyền dụ canô địch càng lúc càng xa chiếc tàu. Bọn Pháp còn lại trên tàu cho rằng quân đã đi xa, nhưng chúng vẫn đề phòng nên cho 10 tên lính mã tà lên bờ rạch để canh chừng.

Lúc đó, phía ngọn rạch Nhựt Tảo xuất hiện năm chiếc ghe mui lá thả xuôi dòng. Bọn giặc trên tàu tưởng ghe buôn của dân địa phương chở hàng lên Chợ Lớn nên đoàn ghe buôn ung dung tiến sát vào thành tàu. Đến lúc năm chiếc ghe ghé lại cặp sát hông tàu, tên phó chỉ huy nghiêng mình lấy giấy phép từ các ghe đưa lên, nhanh như cắt thay vì đưa giấy tờ thì nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực nhanh chóng đâm ngang hông hắn. Hắn hét lên một tiếng té nhào xuống sông. Lúc này, nhóm nghĩa quân đồng loạt hò reo nhảy lên tàu dưới sự điều khiển của Nguyễn Trung Trực. Bọn giặc hốt hoảng trở tay không kịp, nghĩa quân nổi lửa đốt tàu. Sau trận đánh, 17 lính trên tàu bị giết chết.

Về chiến công đánh chiếm đồn Kiên Giang năm 1868, tài liệu ghi lại, để tấn công đồn, nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực tập trung ở Tà Niên trước đó 2 ngày. Khoảng 4 giờ sáng ngày 16-6-1868, theo lệnh của Nguyễn Trung Trực, nghĩa quân lặng lẽ vượt sông Cái Lớn rồi đổ bộ gần đồn chuẩn bị tấn công. Lúc này, trời vẫn còn tối đen, một trận mưa nhỏ trút xuống như ủng hộ nghĩa quân. Nguyễn Trung Trực đã dẫn đầu và dùng mã tấu giết chết hai tên lính gác. Sau khẩu lệnh của ông, đoàn dũng sĩ xông vào đồn. Lính Pháp chết như ngã rạ, nhiều tên bị chết ngay trên giường ngủ. Vài tên tỉnh táo cầm súng bắn trả, nhưng không kịp nạp đạn lần thứ hai. Lính mã tà gần như im hơi lặng tiếng do được nghĩa quân vận động từ trước, tên chủ tỉnh Chánh Phèn bị giết ngay tại trận.

Kết quả đánh chiếm đồn Kiên Giang, nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực tiêu diệt được 5 tên võ quan Pháp, 67 lính, thu trên 100 khẩu súng. Trại mã tà bốc cháy rừng rực trong đêm.

Hai ngày sau, bọn thực dân Pháp mới hay tin đồn Kiên Giang thất thủ. Từ Vĩnh Long tên trung tá Pháp cùng với bọn tay sai bán nước đến đàn áp nghĩa quân. Nguyễn Trung Trực bố trí trận địa theo đường thủy từ hướng Núi Sập tới Tân Hội và Phi Thông ngày nay. Sau 3 ngày chiến đấu với lực lượng không cân sức, để bảo toàn nghĩa quân, Nguyễn Trung Trực đã ra lệnh rút lui về Hòn Chông rồi ra Phú Quốc.

Đến ngày 21-6-1868, địch đã chiếm lại đồn Kiên Giang. Tuy làm chủ đồn chỉ trong 6 ngày, nhưng thực dân Pháp đã thừa nhận trận đánh đồn Kiên Giang là “một sự kiện bi thảm” mà hậu quả tất yếu làm tổn thương đến uy tín của chúng.

NGUYỄN MINH

*(Theo tài liệu của Sở Văn hóa và Thể thao và Ban bảo vệ Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực)

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/le-hoi/huyen-thoai-anh-hung-dan-toc-nguyen-trung-truc-22436.html