Huyền thoại môn đại cương ở đại học

Không phải môn đại cương với mọi sinh viên đều là 'ác mộng'. Với một số người khác, cơn 'ác mộng' hóa ra là điều cần thiết để chuẩn bị cho các môn học chuyên ngành.

 Hầu như với mọi ngành học, sinh viên đều phải trải qua giai đoạn học đại cương. Ảnh: Pexels.

Hầu như với mọi ngành học, sinh viên đều phải trải qua giai đoạn học đại cương. Ảnh: Pexels.

Các môn đại cương nổi tiếng là nỗi ám ảnh đến mức có người phải chật vật học đi học lại nhiều lần mới qua, người ra trường muộn vì đại cương, thậm chí có người bỏ học vì quá nản đại cương.

Nhưng từ góc nhìn khác, nhiều người cho rằng môn đại cương có thể là một nền tảng rất quan trọng cho việc học tập của họ sau này.

Đây là câu chuyện của 3 người đã thấy môn đại cương quan trọng theo những cách khác nhau.

Qua đại cương nhưng chông chênh chuyên ngành
Hoàng Quân (1997, Hà Nội) - Kỹ sư

Tôi là cựu sinh viên của một trường kỹ thuật khá có tiếng. Tôi đăng ký thi vào trường vì đây là ngôi trường bố tôi từng theo học, có bề dày lịch sử cũng như chất lượng đào tạo tốt. Tuy nhiên, đây cũng là ngôi trường nổi tiếng với các clip đọc bảng điểm ra rả 1, 2 trên mạng. Vì thế, bên cạnh sự tự hào, háo hức khi bước chân vào trường, tôi đã chuẩn bị tâm lý sẽ lao đầu vào học vì nỗi sợ rớt môn.

Ngay học kỳ đầu tiên, tôi bắt đầu tiếp xúc với các môn đại cương. Theo cá nhân tôi đánh giá, đây là "phiên bản nâng cấp" của các môn ở trường cấp 3. Hồi đó, tôi chỉ nghĩ rằng mình sẽ theo được, vì dù gì tôi cũng là học sinh trường chuyên, nhưng mọi thứ hoàn toàn không như tôi nghĩ.

Mấy hôm đầu, tôi đi học đầy đủ, về nhà ôn lại bài nhưng có nhiều chỗ không hiểu lại để đó. Ở lớp, thầy cô nói rất nhanh, tôi nghe không kịp nên dù ghi chép đầy đủ, về nhà đọc lại tôi vẫn bị rối. Dần dà một thời gian, tôi mệt vì đọc lại bài chỗ hiểu chỗ không nên lên lớp tôi dần lơ đễnh. Tính tôi khép kín nên cũng không thích làm quen thêm bạn mới. Biết các bạn rủ nhau học nhóm tôi cũng chép miệng cho qua. Đến khi đi thi, tôi mới tá hỏa khi đọc đề chỉ hiểu lõm bõm. Kết quả là học kỳ đó, tôi rớt 2 môn mỗi môn 3 tín chỉ là Đại số tuyến tính kỹ thuật và Vật lý kỹ thuật 1.

Tôi phải chờ đến học kỳ hè mới đăng ký học lại được 2 môn đó. Lần này, bên cạnh đi học ghi chép đầy đủ, tôi đã bỏ qua sự rụt rè của mình để xin đi học nhóm với các bạn và may mắn vừa đủ qua môn. Tôi nhận ra học hỏi ở các bạn nhanh vào và dễ hiểu hơn rất nhiều so với học với thầy cô.

Tôi tự cảm thấy mình khá "hên" khi qua môn ngay từ lần 2. Bạn tôi có người rớt môn đại cương, cơ sở ngành mãi không thể đăng ký học các môn chuyên ngành được. Chuyện này không chỉ kéo dài thời gian tốt nghiệp, khiến các bạn mất thời gian, tiền bạc mà còn gây tâm lý tiêu cực lên các bạn.

Riêng tôi, việc qua môn với số điểm vừa đủ nhiều lúc khiến tôi cảm thấy mình chưa có kiến thức chắc chắn cho các môn chuyên ngành. Khá nhiều lần tôi phải giở sách cũ ra đọc lại kiến thức nằm trong sách đại cương.

Bỏ học đại học chính quy vì chán đại cương
Phương Nhi (2000, TP.HCM) - làm việc trong ngành truyền thông

Là người có điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất trường cấp 3 năm 2018, tôi cũng là người duy nhất trong trường cấp 3 đỗ vào một khoa khá cao điểm của một trường khối ngành xã hội. Tuy nhiên, chỉ sau đó một tháng, tôi đã quyết định bỏ ngang vì quá nản với môn đại cương.

Tôi không nhớ môn đại cương đầu tiên được học ở trường đại học là gì. Tôi chỉ nhớ suốt một tháng đầu tiên tôi đi học chỉ ngủ. Lý do là nghe không hiểu, không biết cách học dẫn đến theo không kịp. Hồi cấp 3 tôi đang quen với việc được giáo viên đọc cho chép, nên lên đại học tôi bị hoang mang, không biết nên học kiểu gì, nên chép hết lại, hay highlight, hay chỉ cần nghe là đủ. Cứ thế được một tháng, mặc kệ gia đình phản đối, tôi quyết định bỏ ngang đại học.

 Phương Nhi quyết định bỏ ngang sau khi học đại học chỉ một tháng vì chán học đại cương. Ảnh: NVCC.

Phương Nhi quyết định bỏ ngang sau khi học đại học chỉ một tháng vì chán học đại cương. Ảnh: NVCC.

Bỏ ngang được một năm, nhận ra mình vẫn đam mê với ngành học cũ, tôi quyết định đi học lại, nhưng là học cao đẳng rồi liên thông lên đại học.

Mặc dù thời gian học cũng khoảng 4 - 4,5 năm nhưng chương trình học sẽ ngược lại chương trình đại học chính quy với 2 năm đầu học chuyên ngành, 2 năm sau mới phải học đại cương.

Cá nhân tôi thích kiểu này hơn vì tôi được tiếp xúc với nghề sớm, các môn học đại cương 2 năm cuối chương trình liên thông cũng nhẹ nhàng hơn. Những môn này sẽ giúp tôi củng cố kiến thức để giúp tôi bám nghề và phát triển. Ví dụ, các môn đại cương liên quan đến chính trị có thể giúp tôi có bản lĩnh chính trị, tránh đưa các thông tin sai lệch, nhạy cảm.

Hiện tại, tôi sắp tốt nghiệp chương trình liên thông và cũng chưa bao giờ hối hận vì bản thân đã bỏ học đại học chính quy. Con đường tôi chọn là đường vòng, nhưng rồi cũng sẽ đến cùng một đích với các bạn học chính quy.

Học xong đại cương vẫn muốn học tiếp
Hạnh Nguyên (2000, TP.HCM) - Sinh viên năm ba một trường đại học ở quận 7

Theo chương trình học quy định của nhà trường, chúng tôi phải học các môn đại cương trong 2 năm đầu và tôi cho rằng việc này là hoàn toàn cần thiết và quan trọng.

Khóa chúng tôi phải học 7 môn đại cương trải dài ra nhiều lĩnh vực khác nhau từ nghệ thuật, khoa học xã hội hay kỹ thuật. Hình thức học tại trường mình khá cởi mở và đa dạng nên mỗi môn tùy theo giáo viên mà có cách giáo dục hay thiết kế giáo án khác nhau.

Ví dụ trong một lớp khoa học, sau khi làm bài tập quan sát và thí nghiệm, giáo viên sẽ bảo sinh tự chấm điểm cho bài làm. Thầy sẽ cân nhắc kết quả bài làm với điểm các bạn chấm mà đưa ra điểm cuối cùng. Việc này có một hiệu ứng rất thú vị. Một mặt nó yêu cầu sinh viên phải tham gia ở một mức độ nào đó nếu muốn điểm cao; mặt khác nó giúp thầy hiểu được thái độ học tập của các bạn trong lớp. Kết quả của lớp ấy phản ánh năng lực và cố gắng của sinh viên, chứ không phải đáp án đúng - ai, hay - dở của từng bạn.

Hoặc trong lớp Ngôn luận, có một bài tập viết truyện 300 chữ, sau bài viết truyện, thầy yêu cầu viết lại truyện đó trong 100 chữ. Việc rút ngắn truyện giúp cách tư duy về cốt truyện và lối hành văn mạch lạc hơn. Sinh viên tự chấm điểm của nhau, sau đó giáo viên chỉ áng chừng kết quả cuối cùng dựa trên đó thôi.

Một số lớp như Việt Nam học hoặc Nhập môn Nghệ thuật thị giác, sinh viên phải viết nhiều tiểu luận cảm nhận. Đặc trưng nhất là tiểu luận về những hiện tượng và hiện thực xã hội. Đối với tiểu luận, tiêu chí chấm điểm quan trọng là tính thuyết phục của luận điểm và tính xác thực của luận cứ.

Là người có đầu óc thiên về xã hội nên tôi đặc biệt hứng thú với các môn khoa học xã hội và nhân văn. Ví dụ như lớp Việt Nam học, sau khi môn kết thúc tôi vẫn vẫn cảm thấy chưa đủ mình vẫn chưa hiểu hết, mình vẫn muốn học thêm, tìm hiểu thêm nữa. Nhưng cũng có môn tôi thấy không thích, không có cảm hứng học và thật sự là khi môn kết thúc, tôi cũng cảm thấy trong đầu mình không đọng lại bao nhiêu, như môn Sáng tạo và Chế tạo.

Tuy nhiên, nhìn chung, tôi đánh giá những môn này có tính ứng dụng khá cao và có thể làm nền tảng chắc chắn để chúng tôi lựa chọn các môn chuyên ngành sau này.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/huyen-thoai-mon-dai-cuong-o-dai-hoc-post1361049.html