'Kế hoạch chiến thắng' của Tổng thống Ukraine là gì và liệu có thể được đáp ứng?

Tên lửa tầm xa và gia nhập NATO là những điều nằm trong 'kế hoạch chiến thắng' của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trong cuộc xung đột với Nga.

Ông Zelenskyy đang thăm Mỹ để vận động sự ủng hộ cho Ukraine. Ngày 26/9, ông đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Kamala Harris để trình bày chi tiết về "kế hoạch chiến thắng" của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Dù thông tin chi tiết chính xác về kế hoạch chiến thắng của ông Zelenskyy vẫn chưa được công khai, song Tổng thống Ukraine và các trợ lý thân cận nhất của ông đã tiết lộ một phần kế hoạch này, cùng các yếu tố khác được đưa tin trên các phương tiện truyền thông.

 Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris bắt tay Tổng thống Volodymyr Zelenskyy của Ukraine trong Hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ hồi tháng 6 năm 2024. Ảnh: Pool

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris bắt tay Tổng thống Volodymyr Zelenskyy của Ukraine trong Hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ hồi tháng 6 năm 2024. Ảnh: Pool

Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News, Tổng thống Ukraine mô tả kế hoạch chiến thắng là "cây cầu" hướng tới vị thế đàm phán đủ mạnh để Ukraine buộc Nga phải chấm dứt xung đột theo các điều khoản của Kiev.

Cụ thể, kế hoạch hòa bình của Ukraine nêu rõ những điều khoản Kiev có thể chấp nhận trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai với Moscow. Theo kế hoạch đó, Ukraine yêu cầu Nga rút khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine mà Nga hiện đang nắm giữ, bao gồm một số phần của các tỉnh Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk, Luhansk và toàn bộ Crimea.

Nga đã từ chối các điều khoản đàm phán đó. Ông Zelenskyy nói với ABC News rằng các đồng minh của Ukraine, bằng cách ủng hộ kế hoạch chiến thắng của ông, có thể giúp gây sức ép buộc Moscow tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình, nơi sẽ thảo luận về kế hoạch hòa bình của Kiev.

Ukraine cho biết kế hoạch chiến thắng có các yếu tố an ninh, chính trị và kinh tế. Ông Zelenskyy đã nhấn mạnh trong một loạt cuộc phỏng vấn và tuyên bố công khai trong những ngày gần đây, kế hoạch này phụ thuộc vào việc phương Tây nhanh chóng ủng hộ các yêu cầu của ông trong ba tháng tới.

Kế hoạch bao gồm những gì?

Lời mời Ukraine gia nhập NATO: Ông Andriy Yermak, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, đã phát biểu với Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tại New York hôm 24/9 rằng một yếu tố quan trọng trong kế hoạch chiến thắng là lời mời Ukraine chính thức gia nhập NATO. Các đồng minh NATO đã cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ về mặt ngoại giao và quân sự trong suốt cuộc chiến.

Ukraine hiện là quốc gia đối tác của NATO, không phải là thành viên của liên minh. NATO đã nói rõ rằng Ukraine đang trên con đường "không thể đảo ngược" để trở thành thành viên, nhưng các thành viên liên minh tỏ ra e ngại về việc cấp tư cách thành viên NATO cho Ukraine trong khi xung đột với Nga vẫn đang diễn ra, vì điều này sẽ ngay lập tức đưa toàn bộ liên minh vào tình trạng xung đột với Moscow.

Đó là lý do tại sao, tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào tháng 7, NATO tuyên bố rằng họ sẽ "ở vị trí có thể gửi lời mời Ukraine gia nhập liên minh khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng". Nói một cách đơn giản, NATO không đồng tình với yếu tố này trong kế hoạch chiến thắng của ông Zelenskyy.

Tên lửa tầm xa tấn công vào trong nước Nga: Ukraine đã yêu cầu được sử dụng các tên lửa này để nhắm vào các địa điểm sâu bên trong nước Nga. Những lời kêu gọi ngày càng tăng cường sau cuộc tấn công xuyên biên giới vào khu vực Kursk của Nga hồi tháng 8. Ông Zelenskyy đã nói rằng yêu cầu này là một phần của kế hoạch chiến thắng.

NATO chia rẽ về yêu cầu này. Trong khi một số đồng minh đang ủng hộ Ukraine, Mỹ và Anh vẫn đang cân nhắc ý tưởng này và vẫn chưa dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng các tên lửa này trong lãnh thổ Nga. Các chuyên gia giải thích rằng điều này là do lo ngại leo thang.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng việc Ukraine sử dụng các vũ khí này trong lãnh thổ Nga đồng nghĩa với việc NATO đang trong tình trạng xung đột với Nga. Ukraine đã sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu ở Crimea và các khu vực bị chiếm đóng khác.

Nguồn cung cấp vũ khí tiên tiến liên tục: Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, Ukraine đã phụ thuộc rất nhiều vào vũ khí và nền tảng quân sự do các đồng minh NATO cung cấp. Tuy nhiên, Ukraine thường phải cầu xin các hệ thống vũ khí cụ thể trong nhiều tuần, ban đầu phải đối mặt với sự từ chối và cuối cùng đã thành công trong việc thuyết phục Mỹ và các nước khác về nguồn cung cấp.

Ukraine cho biết việc trì hoãn viện trợ vũ khí đã làm giảm hiệu quả của các biện pháp quân sự đối phó với Nga, trì hoãn các mục tiêu và dẫn đến mất mát mà lẽ ra có thể cứu được. Theo Bloomberg, kế hoạch chiến thắng bao gồm yêu cầu về chuỗi cung ứng vũ khí tiên tiến liên tục cho Ukraine.

Đáp lại những chỉ trích về việc trì hoãn viện trợ, các quốc gia thành viên NATO, bao gồm cả Mỹ, khẳng định rằng họ đã cố gắng đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Cho đến nay, họ vẫn coi mỗi yêu cầu về vũ khí mang giá trị riêng, thay vì cam kết cung cấp vũ khí theo từng thời điểm mà Ukraine yêu cầu.

Gia nhập Liên minh châu Âu (EU): Một tầm nhìn rõ ràng để trở thành thành viên EU cũng là một phần của kế hoạch chiến thắng, theo Bloomberg. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New Yorker, ông Zelenskyy cho biết Ukraine hiện "bị loại khỏi Liên minh châu Âu và NATO".

Ukraine nhận được hỗ trợ tài chính từ EU nhưng không phải là thành viên chính thức. Vào tháng 2/2022, bốn ngày sau khi xung đột bùng nổ, Ukraine đã nộp đơn xin trở thành thành viên EU. Nước này cần thực hiện 7 bước để đủ điều kiện trở thành thành viên.

Kể từ tháng 6/2022, Ukraine đã là ứng cử viên cho tư cách thành viên EU. Là một phần của quá trình này, nước này phải đưa luật pháp EU vào khuôn khổ pháp lý trong nước. Vào tháng 6/2024, EU đã đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine.

Viện trợ kinh tế bổ sung cho Ukraine: Ông Zelenskyy và các trợ lý đã nhấn mạnh rằng kế hoạch chiến thắng bao gồm yêu cầu hỗ trợ kinh tế. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng Ukraine sẽ cần 480 tỷ USD để tái thiết.

Trước cuộc họp hôm 26/9, ông Biden đã công bố một đợt viện trợ với tổng trị giá gần 8 tỷ USD cho Ukraine.

Theo Viện Kiel về Kinh tế Thế giới tại Đức, nơi theo dõi viện trợ toàn cầu cho Ukraine, Kiev đã nhận được 110 tỷ euro viện trợ từ châu Âu trong khoảng thời gian từ tháng 2/2022 đến cuối tháng 6/2024. Nước này cũng nhận được 75 tỷ euro từ Mỹ trong giai đoạn này. Ngoài ra, châu Âu đã cam kết 77 tỷ euro và Mỹ đã cam kết 23 tỷ euro.

Hoài Phương (theo Al Jazeera)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ke-hoach-chien-thang-cua-tong-thong-ukraine-la-gi-va-lieu-co-the-duoc-dap-ung-post314337.html