Kết nối cung - cầu lao động từ sàn giao dịch việc làm

Sàn giao dịch việc làm được tổ chức hằng năm tại các địa phương trên địa bàn tỉnh là cơ hội để người lao động, đơn vị tuyển dụng dễ dàng tiếp cận, trao đổi trực tiếp các thông tin tuyển dụng, giúp người lao động lựa chọn được công việc phù hợp, các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển dụng, tuyển sinh được nguồn lao động đáp ứng cho việc đào tạo, sản xuất và kinh doanh.

Tư vấn tuyển sinh tại sàn giao dịch việc làm huyện Lâm Thao.

Tư vấn tuyển sinh tại sàn giao dịch việc làm huyện Lâm Thao.

Mở rộng cơ hội việc làm

Diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, sàn giao dịch việc làm do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với UBND huyện Lâm Thao tổ chức đã thu hút 33 công ty, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh cùng với trên 1.500 người lao động, học sinh, sinh viên quan tâm tìm kiếm cơ hội việc làm tham gia.

Tại ngày hội, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp đã giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, trao đổi, thảo luận các thông tin liên quan đến một số vấn đề như: Xu hướng phát triển của thị trường lao động trong tương lai, nhu cầu tuyển sinh, tuyển dụng của các trường và doanh nghiệp. Các gian hàng tư vấn việc làm tại ngày hội đã giúp học sinh, người lao động trên địa bàn huyện có cơ hội được mở rộng, tiếp cận thực tế, được nghe tư vấn, định hướng công việc phù hợp với khả năng, điều kiện của bản thân.

Là một trong những cơ sở giáo dục thường xuyên tham gia sàn giao dịch việc làm tại tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Thắng - Chuyên viên tư vấn tuyển sinh Trường Cao đẳng Kinh tế công nghệ Hà Nội cho biết: Thông qua sàn giao dịch việc làm tại các tỉnh, thành, chúng tôi muốn mang đến cơ hội học nghề và việc làm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên, với 27 ngành nghề đào tạo, trong đó có các ngành nghề trọng điểm như kế toán, công nghệ thông tin, kỹ thuật chế biến món ăn, thương mại điện tử và marketing; đào tạo nguồn nhân lực ở các cấp từ trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ đủ chuyên môn kỹ thuật và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu lao động trong và ngoài nước.

Em Nguyễn Ngọc Yến Nhi - Học sinh lớp 12A6, Trường THPT Phong Châu, huyện Lâm Thao chia sẻ: Đến với sàn giao dịch việc làm, em và các bạn được tiếp cận với nhiều trường nghề, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, giúp em nhận thức được việc lựa chọn nghề, học nghề rất quan trọng, để từ đó lựa chọn được ngành học, nghề nghiệp phù hợp với bản thân.

Trước sự phát triển của thị trường lao động, nhằm đa dạng hóa các hoạt động định hướng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp, các nhà trường, doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đổi mới cách thức tư vấn, giới thiệu việc làm với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt.

Thực tế cho thấy, từ sàn giao dịch việc làm, nhiều người lao động đã tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định, nhiều học sinh THCS, THPT cũng được tư vấn học nghề theo nhu cầu, đáp ứng yêu cầu tìm việc làm sau khi ra trường. Từ đầu năm đến nay, số lao động có việc làm trên địa bàn tỉnh tăng thêm 10.642 người đạt 64,5% kế hoạch năm, xuất khẩu lao động 1.431 người đạt 57,24% kế hoạch năm, đồng thời cho vay 162 dự án từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, đã tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 178 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề và truyền nghề là 71,5%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 30,5%.

Qua rà soát của Sở LĐ-TB&XH, nhu cầu tuyển dụng lao động trong 6 tháng đầu năm là khoảng 7.000 lao động, chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực điện tử, may mặc. Dự kiến, từ nay đến hết năm 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 10.000-12.000 người.

Sàn giao dịch việc làm giúp học sinh lựa chọn được ngành nghề học phù hợp.

Sàn giao dịch việc làm giúp học sinh lựa chọn được ngành nghề học phù hợp.

- Giờ thực hành của học viên Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ.

Tăng cường kết nối cung - cầu

Để tăng cường kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai các kế hoạch về giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 của Ban Chỉ đạo giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động tỉnh; kế hoạch phát triển thị trường lao động tỉnh giai đoạn 2021-2025; kế hoạch triển khai cung ứng lao động cho các doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025 của UBND tỉnh.

Cùng với đó, Phòng Việc làm - An toàn Lao động (Sở LĐ-TB&XH) đã cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tổ chức những phiên giao dịch việc làm vào ngày 15 hằng tháng, phiên giao dịch việc làm chuyên đề, định kỳ tại các huyện, thành, thị.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm đã tư vấn cho 22.850 lượt người, giới thiệu việc làm trong nước cho 2.359 người; phối hợp với Công an tỉnh và Tỉnh đoàn tổ chức chương trình tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho 186 đoàn viên, thanh niên là hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong CAND; phối hợp với UBND huyện Thanh Thủy, Lâm Thao tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền về chính sách giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cho 600 cán bộ lao động thương binh xã hội, cộng tác viên công tác xã hội, bí thư, phó bí thư đoàn xã và các trưởng khu dân cư.

Cùng với việc thu thập, cập nhật thông tin cung - cầu lao động hằng năm, đã góp phần xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về thị trường lao động để phục vụ công tác quản lý và sử dụng nguồn lao động, hoạch định các chính sách về lao động, việc làm của địa phương và cả tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn như: Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc thu thập cung cấp, xử lý thông tin thị trường lao động đặc biệt là công nghệ phần mềm còn thiếu, ảnh hưởng tới chất lượng cũng như tính chính xác, độ tin cậy của các sản phẩm thông tin. Nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động còn hạn hẹp.

Bên cạnh đó, tiền lương, thu nhập, điều kiện sinh hoạt, chính sách, đãi ngộ, môi trường làm việc... và sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với người lao động chưa thực sự thỏa đáng. Đặc biệt, tình trạng thay thế lao động mới trong các doanh nghiệp FDI khá phổ biến.

Ngoài ra, người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài có xu hướng gia tăng hơn là tìm việc tại địa phương bởi chi phí xuất khẩu lao động ngày càng thấp, khả năng đi làm việc ổn định thời gian dài, thu nhập gấp 5-8 lần so với làm việc ở các doanh nghiệp trong tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Hiển Ngọc - Trưởng Phòng Việc làm - An toàn Lao động (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Để tiếp tục mở rộng thị trường lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho người lao động trên địa bàn tỉnh, tập trung chủ yếu vào các đối tượng người lao động là thanh niên vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thanh niên là quân nhân, bộ đội xuất ngũ, công an hết thời hạn nghĩa vụ. Đồng thời, Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ cập nhật thường xuyên thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp, tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm, các sàn giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tư vấn việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động và doanh nghiệp. Khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nâng cao hiệu quả đào tạo, giải quyết việc làm, đảm bảo lợi ích chặt chẽ của cả 3 bên: Doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người học.

Từ những chủ trương mang tính toàn diện, phù hợp hy vọng sẽ đem lại hiệu quả cho thị trường lao động, việc làm, giúp người lao động có thêm nhiều cơ hội tiếp cận, tìm kiếm được công việc phù hợp, ổn định để nâng cao tay nghề, thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ket-noi-cung-cau-lao-dong-tu-san-giao-dich-viec-lam-219809.htm