Kết quả sau một năm triển khai Luật Quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Sau hơn 1 năm kể từ khi Luật Quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2018), công tác quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

 Công an Gio Linh phát hiện vụ chế tạo và sản xuất súng tự chế trên địa bàn

Công an Gio Linh phát hiện vụ chế tạo và sản xuất súng tự chế trên địa bàn

Trong những năm gần đây, tình hình liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên địa bàn Quảng Trị có những diễn biến phức tạp. Nổi lên là sự gia tăng của tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép vật liệu nổ; tình trạng người dân chế tạo, tàng trữ và sử dụng vũ khí tự chế vẫn diễn ra khá phức tạp… Vì vậy, việc thắt chặt công tác đăng kí, quản lí vũ khí, vật liệu nổ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả và hệ lụy trong đời sống xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự luôn được Công an tỉnh đặc biệt quan tâm.

Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Pháp lệnh quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trước đây, ngay sau khi Luật Quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời ban hành nhiều kế hoạch để triển khai và áp dụng luật vào thực tiễn như: Kế hoạch số 6458/KHUBND ngày 22/12/2017 về triển khai thi hành Luật Quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Quyết định số 2501/QĐ-UBND ngày 29/10/2018 về thành lập Ban chỉ đạo triển khai, thực hiện Luật Quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…

Để góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho lực lượng thi hành nhiệm vụ, đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh tổ chức 20 lớp tập huấn chuyên sâu Luật Quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho các đơn vị trong và ngoài lực lượng, trong đó 11 lớp cho trên 1.600 cán bộ, chiến sĩ thuộc Công an các đơn vị, địa phương; 4 lớp cho gần 400 đồng chí thuộc Công an các xã trên địa bàn tỉnh và 5 lớp cho trên 240 người thuộc các đơn vị ngoài lực lượng Công an.

“Bên cạnh công tác quán triệt và phổ biến luật cho cán bộ, chiến sĩ, công tác tuyên truyền các nội dung cơ bản cũng được các đơn vị chức năng Công an tỉnh đặc biệt quan tâm vì đây là một trong những biện pháp góp phần quan trọng đưa bộ luật vào thực tiễn cuộc sống”, Thượng tá Trần Xuân Thanh, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lí hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết. Nhiều biện pháp đã được áp dụng, triển khai thực hiện như phối hợp với các cơ quan báo chí trong và ngoài lực lượng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin; lồng ghép tuyên truyền thông qua các đợt phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tuyên truyền bằng xe lưu động, loa phát thanh tại các thôn, bản; phát động phong trào toàn dân phát hiện, tố giác các đối tượng buôn bán, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép; vận động nhân dân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lí vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Phòng Cảnh sát quản lí hành chính về trật tự xã hội đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong toàn lực lượng Công an tỉnh và các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Thượng tá Trần Xuân Thanh cho biết thêm: Công tác kiểm tra nhằm đảm bảo tăng cường vai trò và hiệu lực quản lí Nhà nước đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và người trực tiếp được giao quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, từng bước đưa công tác này đi vào nền nếp, góp phần phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm… Từ đó nhằm kịp thời phát hiện những thiếu sót để hướng dẫn, chấn chỉnh, xử lí, khắc phục theo quy định của pháp luật, đảm bảo việc quản lí, sử dụng đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, đúng mục đích, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Nhờ làm tốt các mặt công tác và triển khai có hiệu quả nhiều biện pháp khác nhau, qua hơn 1 năm triển khai Luật Quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã đạt những kết quả tích cực. Lực lượng Công an trong toàn tỉnh đã phát hiện và xử lí 29 vụ/38 đối tượng có các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trong đó đã ra quyết định xử lí hành chính 14 vụ/ 15 đối tượng; ra quyết định khởi tố 15 vụ/23 đối tượng; thu giữ trên 1.000 kg thuốc nổ, 2. 098 kíp nổ, trên 150 m dây cháy chậm, 1 quả lựu đạn M67. Đã vận động nhân dân giao nộp 16 vũ khí quân dụng, 20 súng săn, 226 khẩu súng tự chế, trên 1.600 bom, mìn, đầu đạn các loại, trên 400 viên đạn, 2 vũ khí thô sơ, 44 kg thuốc nổ…

Đại tá Lê Phương Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh: Luật Quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ra đời đã bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ Luật hình sự về các tội có liên quan đến hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí và là căn cứ pháp luật để các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ trong phòng chống tội phạm; đồng thời phục vụ công tác tiếp nhận, thu gom, thanh lí, tiêu hủy đối với các loại vũ khí còn sót lại sau chiến tranh và trôi nổi ngoài xã hội; tăng cường công tác quản lí nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Thành Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=143171